Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 26

ĐẾN GẦN CHÚA (10:19-25)

19 Hỡi anh em, vì chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Jêsus được dạn dĩ vào nơi rất thánh, 20 bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài, 21 lại vì chúng ta có một thầy tế lễ lớn đã lập lên cai trị nhà Đức Chúa Trời, 22 nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa.

23 Hãy cầm giữ sự làm chứng về điều trông cậy chúng ta chẳng chuyển lay, vì Đấng đã hứa cùng chúng ta là thành tín. 24 Ai nấy hãy coi sóc nhau để khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành. 25 Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.

 

1. Động từ chính trong câu 19-22 là gì? Bảo chúng ta làm gì? “Đến gần Chúa” nghĩa là gì?

2. Nhờ “huyết Đức Chúa Giê-xu” vào nơi rất thánh nghĩa là thế nào?

3. “Nơi rất thánh” chỉ về gì?

4. Tại sao tác giả gọi “ngang qua cái màn” là “ngang qua xác Ngài” (c. 20)?

5. “Mới và “sống” (c. 20a) mang ý nghĩa gì?

6. Chúng ta cần phải có những điều gì để “đến gần Chúa” (c. 22)?

7. “Cầm giữ sự làm chứng về điều trông cậy” (c. 23) là làm điều gì?

8. Thay vì “bỏ sự nhóm lại” (c. 25a), chúng ta phải làm gì?

9. “Ngày ấy” là ngày gì? Tại sao “Ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy” (c. 23b)?

 

Các thư tín trong Tân Ước thường có hai phần: lý thuyết và thực hành. Thư Hê-bơ-rơ cũng vậy, phần lý thuyết từ 1:1 đến 10:18. Từ 10:19 đến 13:25 là phần thực hành.

Phần chính của Thư Hê-bơ-rơ là 7:1 – 10:18 nói đến chức vụ tế lễ cao trọng của Chúa Giê-xu theo ban Mên-chi-xê-đéc, thay thế cho hệ thống tế lễ cũ. Dựa trên nền tảng đó, tác giả áp dụng chân lý nầy cho người tin Chúa trong 10:19-25.

Phần áp dụng bắt đầu như sau:

Hỡi anh em, vì chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Giê-xu được dạn dĩ vào nơi rất thánh (c. 19)

Đây là kết luận của tất cả những điều trình bày trong 7:1 – 10:18: nhờ Chúa Giê-xu dâng chính mạng sống của Ngài, người tin Chúa có thể đến trực tiếp với Đức Chúa Trời. Đó là nhờ huyết Đức Chúa Giê-xu được dạn dĩ vào nơi rất thánh.

Huyết Đức Chúa Giê-xu nói đến sự chết của Ngài, đây là của lễ dâng lên Đức Chúa Trời để chuộc tội cho loài người. Ngày xưa, thầy tế lễ thượng phẩm phải dâng của lễ hàng năm thì mới vào được nơi chí thánh một lần, thay mặt cho toàn dân. Ngày nay, qua sinh tế chuộc tội của Chúa Giê-xu, chúng ta được trực tiếp đến với Đức Chúa Trời (vào nơi rất thánh). Chẳng những vậy, chúng ta đến với Đức Chúa Trời với lòng dạn dĩ. Dạn dĩ mang ý nghĩa tin chắc điều mình làm, không e ngại.

Tác giả gọi đây là:

Đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài (c. 20)

Đối với độc giả Do-thái, họ hiểu ngay điều ông muốn nói theo thiết kế của đền tạm với hai phần: nơi thánh và nơi chí thánh (9:1-5).  Nơi chí thánh là nơi:

mỗi năm một lần chỉ một mình thầy tế lễ thượng phẩm vào, chẳng bao giờ mà không đem huyết dâng vì chính mình và vì sự lầm lỗi dân chúng (9:7)

Khi Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá:

… cái màn trong đền thờ bị xé ra làm hai từ trên chí dưới (Ma-thi-ơ 27:51a)

Đây chính là cái màn Chúa Giê-xu đã mở ngang qua xác Ngài. Điều nầy cho thấy khi Chúa chịu chết để chuộc tội cho nhân loại, con đường đến với Đức Chúa Trời đã rộng mở cho mọi người, không qua hệ thống tế lễ của luật pháp nữa.

Tác giả nhấn mạnh thêm:

Lại vì chúng ta có một thầy tế lễ lớn đã lập lên cai trị nhà Đức Chúa Trời (c. 21)

Chúa Giê-xu là của lễ (xác Ngài) nhưng Chúa cũng là thầy tế lễ thượng phẩm (lớn), được lập lên cai trị nhà Đức Chúa Trời. Nhà Đức Chúa Trời, theo 3:6, nói đến chúng ta, là người tin Chúa.

Như vậy, căn bản để chúng ta đến gần Chúa là:

1. Của lễ đã được hoàn tất qua Chúa Giê-xu (c. 20).

2. Chúa Giê-xu là thầy tế lễ lớn thay thế cho hệ thống tế lễ cũ (c. 21).

Tác giả gọi đây là đường mới và sống (c. 20a). Mới vì đây là con đường chưa từng có, chính Chúa Giê-xu đã mở con đường nầy và bước vào đó (4:14). Mới cũng mang ý nghĩa khác với phương cách cũ để đến với Đức Chúa Trời qua của tế lễ. Đây cũng là con đường sống nghĩa là đem lại sự sống (Giăng 14:6; Công vụ 2:28).

Dựa trên hai căn bản đó: (1) Của lễ đã được hoàn tất qua Chúa Giê-xu (2) Chúa Giê-xu là thầy tế lễ lớn thay thế cho hệ thống tế lễ cũ, tác giả khuyên chúng ta:

Nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa (c. 22)

Động từ chính trong phần Kinh Thánh nầy là Đến gần Chúa (Chúng ta… hãy đến gần Chúa). Đến gần Chúa đồng nghĩa với Đến gần ngôi ơn phước (4:16). Trong hệ thống tế lễ cũ, đến gần Chúa là vào nơi chí thánh, điều mà chỉ thầy tế lễ thượng phẩm mới được làm mỗi năm một lần. Đến gần Chúa là bước vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, hội kiến với Ngài. Đây là điều không thể nào có được đối với con người tội lỗi. Nhưng vì Chúa Giê-xu đã làm tất cả, dâng chính Ngài làm của lễ và Ngài cũng là thầy tế lễ, cho nên qua Chúa Giê-xu, chúng ta có thể trực diện với Đức Chúa Trời.

Đây là ý nghĩa đích thực của sự cầu nguyện như được gợi ý trong 4:16:

Chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng (4:16)

Chúng ta hãy đến gần Chúa vì vậy là lời kêu gọi chúng ta cầu nguyện trực tiếp với Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu. Sự cầu nguyện nầy dựa trên căn bản:

·      Của lễ đã được hoàn tất qua Chúa Giê-xu (c. 19).

·      Chúa Giê-xu là thầy tế lễ lớn (c. 21)

Và với phương cách:

… lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa (c. 22)

Chúng ta hãy lấy lòng chân thật với niềm tin vững chắc, lòng được tẩy sạch khỏi lương tâm ác, thân thể rửa bằng nước tinh khiết mà đến gần Chúa (c. 22, BHĐ)

Những điều chúng ta cần có khi đến với Chúa là:

1. Lòng thật thà mang ý nghĩa tin cậy nơi Chúa hoàn toàn. Thật thà là chân thật và trung thành, ngược lại với lòng dữ và chẳng tin (3:12).

2. Đức tin đầy dẫy trọn vẹn nói đến “niềm tin vững chắc” (BHĐ).

3. Lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong là hai hình ảnh dùng cho A-rôn và các thầy tế lễ khi họ được biệt riêng ra thánh để làm việc tế lễ (Xuất 29:4, 21; Lê-vi ký 8:6, 30). Với Cơ-đốc nhân, đây là việc chúng ta đã được thanh tẩy khỏi tội lỗi. Đây cũng là hình ảnh được mô tả trong sách tiên tri Ê-xê-chi-ên:

Ta sẽ rưới nước trong trên các ngươi, và các ngươi sẽ trở nên sạch. Ta sẽ làm sạch hết mọi sự ô-uế và mọi thần-tượng của các ngươi. Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi (Ê-xê-chi-ên 36:25-26a)

Thân thể rửa bằng nước trong cũng có thể hàm ý về phép báp-têm của Cơ-đốc nhân. Tuy nhiên, phép báp-têm chỉ là dấu hiệu bên ngoài, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu bên trong mới quan trọng.

Lời khuyên đầu tiên của tác giả là kêu gọi chúng ta đến gần Đức Chúa Trời, tương giao với Ngài, dựa trên căn bản cứu rỗi Chúa Giê-xu đã hoàn tất cho chúng ta.

Lời khuyên kế tiếp là:

Hãy cầm giữ sự làm chứng về điều trông cậy chúng ta chẳng chuyển lay, vì Đấng đã hứa cùng chúng ta là thành tín (c. 23)

Đây là lời khuyên giữ vững đức tin. Bản Hiệu Đính dịch như sau:

Chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng về niềm hi vọng không chuyển lay của chúng ta, vì Đấng đã hứa với chúng ta là thành tín (c. 23, BHĐ)

“Lời tuyên xưng về niềm hi vọng” nói đến toàn thể hy vọng của người tin Chúa (6:18b). Chúng ta có thể làm được điều nầy là vì Đấng đã hứa cùng chúng ta là thành tín (c. 23b). Vì Chúa thành tín, luôn luôn giữ lời hứa, nên chúng ta phải luôn trung tín với Chúa, giữ lòng trung kiên với Ngài.

Cuối cùng, tác giả khuyên:

Ai nấy hãy coi sóc nhau để khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành (c. 24)

Cơ-đốc nhân không sống một mình nhưng sống trong Hội Thánh. Chúng ta không những chỉ giữ vững đức tin của mình nhưng phải để ý, chăm sóc nhau trên phương diện tâm linh:

Chúng ta hãy quan tâm khích lệ nhau về lòng yêu thương và các việc lành (c. 24, BHĐ)

Lòng yêu thương và việc tốt lành đi chung với nhau, yêu thương thật phải nẩy sinh ra trong việc làm tốt đẹp.

Lời khuyên thực tế nói về lòng yêu thương và việc tốt lành là:

Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy (c. 25)

Lời khuyên nầy cho thấy tình trạng của các tín hữu tại một địa phương được tác giả biết đến. Đó là có một số người bỏ qua sự nhóm họp với các tín hữu khác và điều nầy trở thành một thói quen, tức là họ bỏ nhóm họp thường xuyên. Tác giả kêu gọi họ đừng làm như vậy nữa. Trái lại, phải khuyên bảo nhau, hàm ý khuyên bảo nhau đừng bỏ qua sự nhóm lại. Lý do các tín hữu không nên bỏ qua sự nhóm họp nầy là vì chúng ta hướng về ngày Chúa tái lâm, đây là hy vọng của người Chúa:

 Hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy (c. 25b)