Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 27

CỐ Ý PHẠM TỘI (10:26-31)

26 Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, 27 nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi. 28 Ai đã phạm luật pháp Môi-se, nếu có hai ba người làm chứng, thì chết đi không thương xót, 29 huống chi kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, coi huyết của giao ước, tức là huyết mà mình nhờ nên thánh, là ô uế, lại khinh lờn Đức Thánh Linh ban ơn, thì anh em há chẳng tưởng rằng người ấy đáng bị hình rất nghiêm đoán phạt hay sao? 30 Vì chúng ta biết Đấng đã phán rằng: Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng, ấy là lời Chúa phán. Lại rằng: Chúa sẽ xét đoán dân mình. 31 Sa vào tay Đức Chúa Trời hằng sống là sự đáng kinh khiếp thay!

1. Thế nào là “cố ý phạm tội” (c. 26b)?

2. Tại sao “cố ý phạm tội thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa” (c. 26b)?

3. Đối chiếu giữa người phạm luật Môi-se và người cố ý phạm tội (c. 28-29) cho thấy điều gì?

4. Tại sao, “Sa vào tay Đức Chúa Trời hằng sống là sự đáng kinh khiếp thay” (c. 31)?

Thư Hê-bơ-rơ chủ yếu nói về tính cách cao trọng của Chúa Giê-xu, nhưng xen vào phần chính của chủ đề là những “phân đoạn trong ngoặc” mang tính cách báo động hay cảnh cáo độc giả về những hiểm họa hay nguy cơ họ có thể rơi vào, nếu không cẩn thận. Những nguy cơ đó như sau:

o  Nguy cơ bị trôi lạc                             2:1-4

o  Nguy cơ của lòng không tin           3:7-19

o  Nguy cơ bội đạo                                  6:4-8

o  Nguy cơ cố ý phạm tội                     10:26-31

o  Nguy cơ khước từ                              12:25-29

Lời cảnh cáo về nguy cơ cố ý phạm tội như sau:

Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa (c. 26)

Cố ý là chữ đầu tiên của câu 26 (trong nguyên văn), cho thấy tính cách nghiêm trọng của lời cảnh cáo nầy. Chữ nầy mang ý nghĩa chủ tâm, có mục đích, biết sai mà vẫn làm. Luật pháp xưa cũng phân biệt giữa tội lầm lỡ và tội cố ý (Dân số ký 15:22-31). Tội cố ý được gọi là tội “khinh bỉ Đức Giê-hô-va, khinh bỉ lời Đức Giê-hô-va và trái mạng của Ngài” (Dân 15:30-31).

Ở đây nói đến tội bội đạo (c. 29) hay trái bỏ Đức Chúa Trời (3:12). Một người đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa (c. 26).

Nhận biết lẽ thật hàm ý đã thật sự tin Chúa. Lẽ thật chỉ về Phúc Âm (I Phi. 1:22) và nhận biết nói đến đã có kinh nghiệm với lẽ thật. Một người như vậy mà cố ý phạm tội (TIẾP TỤC cố ý phạm tội, theo nguyên văn) thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa. Nói như vậy nghĩa là: Chúa Giê-xu đã dâng tế lễ một lần đầy đủ để cứu chuộc con người mà chúng ta bác bỏ, khước từ thì không còn cách nào khác để được cứu.

Không được cứu nghĩa là:

chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi (c. 27)

Đợi chờ kinh khiếp nói đến điều rùng rợn chắc chắn sẽ xảy ra. Điều rùng rợn đó là sự phán xét của Đức Chúa Trời, nói đến tòa án công minh của Ngài. Và bản án là lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch. Đây là hình ảnh được nhắc đến trong Ê-sai 26:11b. Người tiếp tục khước từ ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời mặc dù đã một lần biết đến ơn cứu rỗi đó, chắn chắn sẽ bị lửa địa ngục hình phạt (Khải 21:8). Đây là những kẻ bội nghịch, hàm ý họ là những người đứng về phía ma quỷ, chống lại Đức Chúa Trời.

Tác giả đối chiếu người phạm luật Môi-se ngày xưa với người cố ý phạm tội như sau:

Ai đã phạm luật pháp Môi-se, nếu có hai ba người làm chứng, thì chết đi không thương xót, huống chi kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, coi huyết của giao ước, tức là huyết mà mình nhờ nên thánh, là ô uế, lại khinh lờn Đức Thánh Linh ban ơn, thì anh em há chẳng tưởng rằng người ấy đáng bị hình rất nghiêm đoán phạt hay sao? (c. 28-29)

Ai đã phạm luật pháp Môi-se, nếu có hai ba người làm chứng, thì chết đi không thương xót là điều được mô tả trong Phục truyền luật lệ ký 17:2-7. Đây là hình phạt nghiêm minh đối với người có tội ngày xưa. Đối chiếu với người cố ý phạm tội, tác giả nói: Huống chi… Tội ngày xưa trong Cựu Ước là tội không vâng lời Chúa và thờ thần tượng đã bị hình phạt nghiêm minh như vậy thì ngày nay, tội phủ nhận ơn cứu rỗi của Chúa chắc chắn sẽ bị trừng phạt nặng nề hơn. Tác giả gọi đây là tội:

… giày đạp Con Đức Chúa Trời, coi huyết của giao ước, tức là huyết mà mình nhờ nên thánh, là ô uế, lại khinh lờn Đức Thánh Linh ban ơn (c. 29a)

1. Giày đạp Con Đức Chúa Trời. Thư Hê-bơ-rơ mở đầu nhắc đến việc Đức Chúa Trời sẽ để kẻ thù nghịch làm bệ dưới chân Chúa Giê-xu (1:13). Người tiếp tục cố tình phạm tội được gọi là kẻ bội nghịch (c. 27) tức là kẻ thù của Chúa. Như vậy, người chống lại Chúa là người giày đạp chính Con Đức Chúa Trời là Đấng mình phải vâng phục và tôn thờ.

2. Coi huyết của giao ướclà ô uế nghĩa là “coi thường huyết của giao ước” (BHĐ). Cả thư Hê-bơ-rơ nhấn mạnh đến huyết của Chúa Giê-xu là phương pháp duy nhất để chuộc tội cho con người: Huyết mà mình nhờ nên thánh. Người cố ý phạm tội là người báng bổ sự chết chuộc tội của Chúa Giê-xu cho mình.

3. Khinh lờn Đức Thánh Linh ban ơn. Khinh lờn mang ý nghĩa ngạo mạn, coi thường, tương đương với tội xúc phạm đến Đức Thánh Linh vì Ngài là Đấng ban ơn, giúp chúng ta có đức tin nơi Chúa nhưng bị gạt bỏ.

Như vậy, cố ý phạm tội là tiếp tục khinh miệt sự cứu rỗi được Chúa Giê-xu thực hiện qua sự chết của Ngài trên thập tự giá (giày đạp Con Đức Chúa Trời, báng bổ huyết của giao ước, khinh miệt Đức Thánh Linh ban ơn). Một người như vậy phải chịu hình phạt nặng nề hơn người thờ thần tượng trong Cựu Ước (đối chiếu câu 28 và 29).

Đó là về phương diện người phạm tội, còn đối với Đức Chúa Trời, tác giả viết:

Vì chúng ta biết Đấng đã phán rằng: Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng, ấy là lời Chúa phán. Lại rằng: Chúa sẽ xét đoán dân mình (c. 30)

Sự trả thù nói lên sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, Ngài không thể dung dưỡng tội lỗi. Đức Chúa Trời giống như lửa, lửa phải đốt cháy, nếu không, đó không phải là lửa:

Đức Chúa Trời chúng ta là đám lửa hay thiêu đốt (12:29)

Chúa sẽ xét đoán dân mình nói lên sự công bình (đức công chính) của Ngài. Vì công chính, Đức Chúa Trời không thể không hình phạt người có tội.

Tác giả tóm tắt cả hai điều (tội lỗi của con người và sự thánh khiết của Đức Chúa Trời) với câu:

Sa vào tay Đức Chúa Trời hằng sống là sự đáng kinh khiếp thay! (c. 31)

Chữ kinh khiếp được dùng ở đầu câu trong nguyên văn: “Kinh khiếp thay khi sa vào tay Đức Chúa Trời hằng sống!” cho thấy tính cách nghiêm trọng của hành động bội đạo.

Tương tự như Hê-bơ-rơ 6:4-8, phân đoạn 10:26-31 là phân đoạn có thể khiến nhiều người lo sợ, cho rằng người tin Chúa có thể sa ngã và mất sự cứu rỗi. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ:

1. Cả hai phân đoạn là những lời cảnh báo nghiêm trọng để độc giả cẩn thận giữ mình.

2. Văn mạch của 6:4-8 cũng như 10:26-31 đều cho thấy hy vọng tốt đẹp chứ không phải tình trạng lui đi và mất đức tin (xem trang 62 và 126).