Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 28

“CHỚ BỎ LÒNG DẠN DĨ” (10:32-39)

32 Hãy nhớ lại những lúc ban đầu đó, anh em đã được soi sáng rồi, bèn chịu cơn chiến trận lớn về những sự đau đớn: 33 phần thì chịu sỉ nhục, gặp gian nan, như làm trò cho thiên hạ xem, phần thì chia khổ với những kẻ bị đối đãi đồng một cách. 34 Vì anh em đã thương xót kẻ bị tù và vui lòng chịu của cải mình bị cướp, bởi biết mình có của cải quí hơn hằng còn luôn. 35 Vậy chớ bỏ lòng dạn dĩ mình, vốn có một phần thưởng lớn đã để dành cho. 36 Vì anh em cần phải nhịn nhục, hầu cho khi đã làm theo ý muốn Đức Chúa Trời rồi, thì được như lời đã hứa cho mình.

37 Còn ít lâu, thật ít lâu nữa,

Thì Đấng đến sẽ đến, Ngài không chậm trễ đâu.

38 Người công bình của ta sẽ cậy đức tin mà sống,

Nhưng nếu lui đi thì linh hồn ta chẳng lấy làm đẹp chút nào. 

39 Về phần chúng ta, nào phải là kẻ lui đi cho hư mất đâu, bèn là kẻ giữ đức tin cho linh hồn được cứu rỗi.

1. “Lúc ban đầu” (c. 32a) là lúc nào?

2. “Chịu cơn chiến trận lớn về những sự đau đớn” (c. 32b) chỉ về điều gì?

3. Dựa vào hai lần chữ “Phần thì” được nhắc lại (c. 33), xin cho biết độc giả Thư Hê-bơ-rơ đã chịu khổ như thế nào?

4. “Biết mình có của cải quí hơn hằng còn luôn” (c. 34) nghĩa là gì?

5. Tác giả khích lệ độc giả điều gì qua hai câu 35-36?

6. Tác giả trích Ha-ba-cúc 2:3-4 trong câu 37-38 với mục đích gì?

7. Câu 39 hàm ý gì?

Sau lời cảnh cáo nghiêm trọng (c. 26-31), tác giả đưa ra lời khuyên đầy khích lệ (c. 32-39) để giới thiệu đề tài đức tin tiếp theo (11:1-40).

Phân đoạn nầy trong nguyên văn bắt đầu với chữ “nhưng” () như được dịch trong Bản Hiệu Đính: “NHƯNG hãy nhớ lại những ngày đầu tiên…” hàm ý để khỏi bị lôi cuốn vào chỗ bội đạo, người tin Chúa cần tự nhắc mình về những kinh nghiệm theo Chúa trong quá khứ. Đây là quá khứ gian khổ nhưng họ đã có thể chịu đựng được:

Hãy nhớ lại những lúc ban đầu đó, anh em đã được soi sáng rồi, bèn chịu cơn chiến trận lớn về những sự đau đớn (c. 32)

Những lúc ban đầu hay “những ngày đầu tiên” (BHĐ) chỉ về lúc họ mới tin Chúa. Việc họ tin Chúa được gọi là “sau khi được soi sáng” (BHĐ) hàm ý nhờ Chúa soi sáng họ mới biết Chúa và tin nhận Ngài.

Chịu cơn chiến trận lớn về những sự đau đớn nghĩa là “chịu đựng cuộc chiến đấu lớn với nhiều gian khổ” (BHĐ). Chữ chịu mang ý nghĩa kiên trì, chịu đựng, không lui bước. Đây là hình ảnh “người lính bền gan chiến đấu, không bỏ chạy” (O’Brien, trang 384). Tác giả có ý nhắc lại kinh nghiệm nầy để giục giã đức tin của họ.

Tác giả nhắc lại chi tiết việc chịu khổ của họ như sau:

Phần thì chịu sỉ nhục, gặp gian nan, như làm trò cho thiên hạ xem, phần thì chia khổ với những kẻ bị đối đãi đồng một cách (c. 33)

Hai điều chịu khổ của họ là sỉ nhụcgian nan. Như làm trò cho thiên hạ xem hàm ý họ chịu những điều nầy cách công khai, mọi người đều thấy: “Công khai chịu sỉ nhục và gặp hoạn nạn” (BHĐ).

Sỉ nhục nói đến những khổ nạn họ phải chịu bằng lời nói như chê cười, chế giễu, mắng chửi. Gian nan nói đến những khổ nạn liên quan đến thể xác như bạo hành, tù đày, đánh đập, chịu đói khát.

Tác giả kể hai điều: Phần thì… phần thì… hàm ý có lúc họ chịu khổ, có lúc người trong Hội Thánh chịu khổ, nhưng dù là lúc nào họ cũng đều chia khổ với những kẻ bị đối đãi đồng một cách (c. 33b) nghĩa là “chia sẻ nỗi niềm với những người bị ngược đãi như vậy” (BHĐ). Chữ “chia sẻ” trong nguyên văn là koinonoi mang ý nghĩa thông công trong sự chịu khổ (Phi-líp 1:7; 4:14; Khải 1:9).

Rõ ràng hơn, tác giả viết:

Vì anh em đã thương xót kẻ bị tù và vui lòng chịu của cải mình bị cướp (c. 34a)

Thương xót kẻ bị tù hàm ý thăm viếng, cung cấp thức ăn, nước uống, áo quần cho các tín hữu vì niềm tin mà bị tù tội. Tác giả cũng nhắc lại điều nầy ở cuối thư (13:3).

Vui lòng chịu của cải mình bị cướp nói đến việc các Cơ-đốc nhân vì niềm tin mà bị tịch thu tài sản: “Vui lòng chấp nhận để của cải mình bị cướp đoạt” (BHĐ). Họ có thể vui lòng chấp nhận điều nầy là vì biết mình có của cải quí hơn hằng còn luôn (c. 34b). Người tin Chúa có hy vọng nơi gia sản đời đời (I Phi-e-rơ 1:4) với hai đặc tính: quý hơnhằng còn. Đây là hai điều người tin Chúa cần ghi nhớ có để có thể vui lòng chấp nhận những mất mát về vật chất vì Danh Chúa.

Sau khi nhắc lại những kinh nghiệm chịu khổ vì Chúa trong quá khứ, tác giả khuyên:

Vậy chớ bỏ lòng dạn dĩ mình, vốn có một phần thưởng lớn đã để dành cho (c. 35)

Lòng dạn dĩ được nhắc đến ở đầu phần áp dụng (c. 19) nói đến lòng tin quyết. Đây là món quà quý giá Chúa ban, vì điều nầy có được là nhờ công lao huyết báu của Chúa Giê-xu. Do đó, người tin Chúa không thể vứt vỏ lòng tin quyết nầy nhưng phải kiên trì trong hoàn cảnh khó khăn: “Chớ bỏ lòng tin quyết của mình” (BHĐ).

Một lý do khác khiến chúng ta không thể bỏ lòng dạn dĩ là vì vốn có một phần thưởng lớn đã để dành cho (c. 35b). Phần thưởng nói đến kết quả tốt đẹp tất nhiên ở cuối đường (11:6, 26). Hướng về phần thưởng đang chờ đợi là động cơ thúc đẩy Cơ-đốc nhân trung tín với Chúa và nhẫn nhục chịu khổ trên đường theo Chúa.

Tác giả khẳng định:

Vì anh em cần phải nhịn nhục, hầu cho khi đã làm theo ý muốn Đức Chúa Trời rồi, thì được như lời đã hứa cho mình (c. 36)

Để được như lời đã hứa cho mình (phần thưởng lớn, c. 35b), điều chúng ta cần là nhịn nhục: Anh em cần phải nhịn nhục (c. 36a). Nhịn nhục mang ý nghĩa làm theo ý muốn Đức Chúa Trời (c. 36b). Sứ đồ Phi-e-rơ nói đến điều nầy như sau:

Vậy những kẻ chịu khổ theo ý muốn Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo Hóa thành tín (I Phi-e-rơ 4:19)

Cơ-đốc nhân có thể giữ lòng trung kiên với Chúa vì biết rằng cuối cùng sẽ có phần thưởng và để nhận được phần thưởng đó, chúng ta phải làm theo ý Chúa bằng cách nhịn nhục chịu khổ.

Cuối cùng, để khích lệ tín hữu, tác giả trích dẫn lời hứa trong Cựu Ước, liên quan đến đức tin:

Còn ít lâu, thật ít lâu nữa, thì Đấng đến sẽ đến, Ngài không chậm trễ đâu (c. 37)

Đây là lời trích trong tiên tri Ha-ba-cúc. Bối cảnh của câu Kinh Thánh nầy là việc tiên tri Ha-ba-cúc than phiền với Chúa về những bất công ở đời mà không thấy Chúa phân xử. Và Đức Chúa Trời đã trả lời với Ha-ba-cúc như sau:

Sự hiện thấy còn phải ứng nghiệm trong kỳ nhứt định, sau cùng nó sẽ kíp đến, không phỉnh dối đâu. Nếu nó chậm trễ, ngươi hãy đợi, bởi nó chắc sẽ đến, không chậm trễ (Ha-ba-cúc 2:3)

Tác giả trích ý đó từ bản dịch Bảy Mươi (Bản dịch Cựu Ước tiếng Hy-bá sang Hy-lạp) như sau:

Còn ít lâu, thật ít lâu nữa, thì Đấng đến sẽ đến, Ngài không chậm trễ đâu (c. 37)

Ông có ý nhắc độc giả rằng, cũng như tiên tri Ha-ba-cúc ngày xưa, chúng ta phải nhẫn nhục chờ đợi đến đúng thời điểm, Chúa sẽ hành động. Đây là điều chắc chắn sẽ xảy ra:

Đấng đến sẽ đến, Ngài không chậm trễ đâu (c. 37b)

Chúa sẽ hành động khi Ngài trở lại trần gian trong một tương lai gần:

Còn ít lâu, thật ít lâu nữa, thì Đấng đến sẽ đến (c. 37a)

Câu tiếp theo cũng là lời trích trong Ha-ba-cúc 2:3:

Người công bình của ta sẽ cậy đức tin mà sống (c. 38a)

Đây cũng là lời Chúa nói với tiên tri Ha-ba-cúc, ngụ ý rằng, ông phải sống bằng đức tin khi chưa thấy sự việc xảy ra như mình mong đợi. Tác giả nói như vậy với độc giả, hàm ý họ là những người công bình, sẽ sống bởi đức tin.

Và cũng lời trích từ Bản Bảy Mươi, tác giả nói thêm:

Nhưng nếu lui đi thì linh hồn ta chẳng lấy làm đẹp chút nào (c. 38b)

Hàm ý rằng, người công bình phải luôn luôn sống bằng đức tin, còn nếu lui đi (bỏ sự nhóm lại, c. 25a; cố ý phạm tội, c. 26a), điều đó sẽ không đẹp lòng Chúa.

Vì vậy, ông khích lệ họ:

Về phần chúng ta, nào phải là kẻ lui đi cho hư mất đâu, bèn là kẻ giữ đức tin cho linh hồn được cứu rỗi (c. 39)

Câu nầy hàm ý, họ là những người giữ đức tin (bền giữ đức tin), chắc chắn họ sẽ được cứu: Cho linh hồn được cứu rỗi (c. 39b). Với lời khích lệ nầy, tác giả giới thiệu đề tài đức tin trong chương kế tiếp.