Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 29

“BỞI ĐỨC TIN” (11:1-7)

1 Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy. 2 Ấy là nhờ đức tin mà các đấng thuở xưa đã được lời chứng tốt.

3 Bởi đức tin, chúng ta biết rằng thế gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời, đến nỗi những vật bày ra đó đều chẳng phải từ vật thấy được mà đến. 

4 Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in và được xưng công bình, vì Đức Chúa Trời làm chứng về người rằng Ngài nhậm lễ vật ấy. Lại cũng nhờ đó, dầu người chết rồi, hãy còn nói. 5 Bởi đức tin, Hê-nóc được cất lên và không hề thấy sự chết. Người ta không thấy người nữa, vì Đức Chúa Trời đã tiếp người lên. Bởi chưng trước khi được tiếp lên, người đã được chứng rằng mình ở vừa lòng Đức Chúa Trời rồi. 6 Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài, vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài.

7 Bởi đức tin, Nô-ê được Chúa mách bảo cho về những việc chưa thấy, và người thành tâm kính sợ, đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình. Bởi đó, người định tội thế gian và trở nên kẻ kế tự của sự công bình đến từ đức tin vậy. 

1. Xin giải thích những chữ “sự biết chắc vững vàng” và “bằng cớ” (c. 1).

2. “Được lời chứng tốt” (c. 2) nghĩa là gì?

3. “Thế gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời” (c. 3) nghĩa là thế nào?

4. Lý do nào khiến của lễ của A-bên tốt hơn của lễ của Ca-in (c. 4a)?

5. “Chết rồi, hãy còn nói” (c. 4b) nghĩa là gì?

6. Điểm khác biệt giữa Hê-nóc và toàn thể nhân loại là gì (c. 5)? Tại sao?

7. Hai điều người đến gần Đức Chúa Trời cần có là gì (c. 6)?

8. Nô-ê “định tội thế gian” (c. 7b) trong ý nghĩa nào?

9. “Kẻ kế tự của sự công bình đến từ đức tin” (c. 7c) nghĩa là thế nào?

 

Hai phân đoạn cảnh cáo quan trọng trong Thư Hê-bơ-rơ là 6:4-8 và 10:26-39. Sau mỗi lần cảnh cáo, tác giả đều đưa ra những lời khích lệ, thúc giục độc giả vững mạnh trong đức tin:

Đến nỗi anh em không trễ nải, nhưng cứ học đòi những kẻ bởi đức tin và lòng nhịn nhục mà được hưởng lời hứa (6:12)

Về phần chúng ta, nào phải là kẻ lui đi cho hư mất đâu, bèn là kẻ giữ đức tin cho linh hồn được cứu rỗi (10:39)

Đức tin vì vậy là chìa khóa để giải quyết vấn đề bội đạo và cố ý phạm tội. Chương 11 nêu những gương đức tin của người xưa để độc giả nhìn vào mà sống. Những gương đức tin nầy cho thấy “có một mối liên hệ giữa đức tin, hy vọng, vâng lời và chịu đựng gian khổ. Đức tin là nắm lấy lời của Chúa và sống vâng phục” (Peterson, trang 1346).

Hai câu đầu của chương 11 là một định nghĩa tổng quát về đức tin và lý do ông đưa ra những gương đức tin nầy:

Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy. Ấy là nhờ đức tin mà các đấng thuở xưa đã được lời chứng tốt (c. 1-2)

Sự biết chắc vững vàng (hypostasis) mang ý nghĩa “thực thể” hay “thực chất.” Đức tin là điều có thật, ngay bây giờ, trong hiện tại, dựa vào lời hứa của Chúa về những điều chúng ta trông mong, chờ đợi:

Đức tin là sự xác quyết về những điều mình đang hi vọng (c. 1a, BHĐ)

Bằng cớ (“bằng chứng,” BHĐ) nói đến một điều rõ ràng minh chứng cho điều không thể nhận thức qua giác quan (điều chẳng xem thấy).

Một ví dụ có thể giúp chúng ta hiểu được định nghĩa nầy là giấy chủ quyền tài sản. Chẳng hạn như chúng ta có trong tay giấy chủ quyền của chiếc xe với tên của mình thì dù không thấy chiếc xe, chúng ta biết mình là người sở hữu chiếc xe đó. Cũng vậy, đức tin xác nhận những điều chúng ta mong đợi dù không thấy những điều đó.

Để minh chứng cho điều nầy, tác giả liệt kê một loạt các nhân vật trong Cựu Ước với đức tin của họ. Ông gọi đây là những lời chứng tốt của người xưa (c. 2) để khích lệ chúng ta.

Tác giả bắt đầu từ Sáng thế ký với câu chuyện sáng tạo:

Bởi đức tin, chúng ta biết rằng thế gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời, đến nỗi những vật bày ra đó đều chẳng phải từ vật thấy được mà đến (c. 3)

Cụm từ Bởi đức tin được dùng 18 lần trong Hê-bơ-rơ 11, áp dụng cho “người xưa,” riêng lần đầu, áp dụng cho tác giả và độc giả: Bởi đức tin, CHÚNG TA… Tác giả cho thấy, chính chúng ta cũng là những người được lời chứng tốt nhờ đức tin.

Sáng thế ký 1 cho thấy Đức Chúa Trời đã tạo dựng vũ trụ bằng lời phán của Ngài (Sáng 1:3, 6, 9, 11, 14, 20, 24). Đây là điều được ghi lại trong Kinh Thánh nhưng đòi hỏi chúng ta phải có đức tin để chấp nhận.

Những vật bày ra đó nói đến vũ trụ chúng ta thấy trước mắt (“những vật thấy được,” BHĐ). Vũ trụ nầy “hình thành từ những vật không thấy được, BHĐ). Những vật không thấy được có thể hiểu theo hai nghĩa:

1. Đức Chúa Trời tạo dựng thế giới nầy từ chỗ không có gì cả, không có vật liệu gì cả (ex nihilo, “out of nothing”).

2. Những vật không thấy được chỉ về lời phán của Đức Chúa Trời. Nhờ lời phán vô hình của Đức Chúa Trời mà có vũ trụ hữu hình.

Gương đức tin đầu tiên thật ra là của chính tác giả và độc giả vì tất cả đều tin rằng công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời đến từ lời phán của Ngài.

Tiếp theo là gương của A-bên:

Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in và được xưng công bình, vì Đức Chúa Trời làm chứng về người rằng Ngài nhậm lễ vật ấy. (c. 4)

Câu chuyện trong Sáng thế ký 4 không cho biết tại sao Chúa nhận lễ vật của A-bên mà không nhận của Ca-in nhưng tác giả Hê-bơ-rơ cho thấy sở dĩ Chúa nhậm lễ vật của A-bên là vì ông dâng bởi đức tin (c. 4a).

Để hiểu thế nào là dâng bởi đức tin, chúng ta đối chiếu với Ca-in. Sau khi không được Chúa nhậm lễ vật, Kinh Thánh cho biết Ca-in giận lắm mà gằm nét mặt (Sáng 4:5b).

Trước thái độ đó, Chúa nói với Ca-in: Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao? (Sáng 4:7a). Điều nầy cho thấy trước khi giết A-bên, Chúa đã cho thấy là Ca-in KHÔNG làm lành! Sứ đồ Giăng xác nhận điều nầy:

Chớ làm như Ca-in, là kẻ thuộc về ma quỉ, đã giết em mình. Vì sao người giết đi? Bởi việc làm của người là dữ, còn việc làm của em người là công bình (I Giăng 3:12)

Chúa không nhận lễ vật của Ca-in không phải vì lễ vật ông dâng nhưng vì tấm lòng không tốt lành của ông. Kinh Thánh gọi hành động dâng hiến của ông là dữ (việc làm của người là dữ).

Như vậy, dâng bởi đức tin là dâng với thái độ đúng, với lòng thành, với lòng tin thật nơi Chúa. Tế lễ của A-bên tốt hơn của Ca-in không phải vì của lễ nhưng vì người dâng của lễ!

Tác giả cũng cho biết A-bên… được xưng công bình (c. 4b). Đức tin và công bình luôn đi chung với nhau (Ha-ba-cúc 2:4). Đây là điều cả Chúa Giê-xu và Giăng đều nói về A-bên (Ma-thi-ơ 23:35; I Giăng 3:12).

Tác giả kết luận:

Lại cũng nhờ đó, dầu người chết rồi, hãy còn nói (c. 4c)

A-bên hãy còn nói là nói qua gương đức tin của ông:

·      Đức tin dâng cho Đức Chúa Trời một của lễ tốt hơn

·      Đức tin để được chứng nhận là công chính

(O’Brien trang 404)

Gương đức tin tiếp theo là gương của Hê-nóc:

Bởi đức tin, Hê-nóc được cất lên và không hề thấy sự chết. Người ta không thấy người nữa, vì Đức Chúa Trời đã tiếp người lên. Bởi chưng trước khi được tiếp lên, người đã được chứng rằng mình ở vừa lòng Đức Chúa Trời rồi (c. 5)

Hê-nóc là một nhân vật đặc biệt trong Cựu Ước. Cùng với Ê-li (II Các Vua 2:11), Hê-nóc là người không trải qua sự chết như mọi người. Lý do Hê-nóc không chết nhưng được cất lên được tác giả Thư Hê-bơ-rơ cho biết:

Bởi chưng trước khi được tiếp lên, người đã được chứng rằng mình ở vừa lòng Đức Chúa Trời rồi (c. 5b)

Sáng thế ký 5:22-24 cho biết Hê-nóc là người đồng đi cùng Đức Chúa Trời. Đồng đi cùng Đức Chúa Trời mang ý nghĩa “có mối tương giao gần gũi, thân mật với Đức Chúa Trời.” Bản Bảy Mươi dịch là, “Hê-nóc sống đẹp lòng Đức Chúa Trời.” Hê-nóc sống đẹp lòng Đức Chúa Trời nhờ đức tin của ông nơi Chúa. Đức tin giúp ông trung kiên theo Chúa. Điều nầy được minh chứng qua đời sống của mình: “Ông được chứng nhận là đã sống hài lòng Đức Chúa Trời,” c. 5b, BHĐ).

Đức tin là yếu tố không thể thiếu trong đời sống theo Chúa:

Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài, vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài (c. 6)

Câu nầy cho thấy lý do tại sao Hê-nóc có thể sống đẹp lòng Chúa: ông sống bởi đức tin. Hai tiền đề của người sống bởi đức tin là:

1. Tin Đức Chúa Trời hiện hữu (Có Đức Chúa Trời).

2. Tin Ngài ban thưởng (Thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài).

Đây là lời thách thức cho người tìm kiếm Chúa: một người thành thật tìm kiếm Chúa, nếu tin rằng Chúa có thật và Chúa sẽ ban thưởng, người đó chắc chắn sẽ gặp Ngài!

Một gương đức tin khác về những điều mình chẳng xem thấy là gương của Nô-ê:

Bởi đức tin, Nô-ê được Chúa mách bảo cho về những việc chưa thấy và người thành tâm kính sợ, đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình. Bởi đó, người định tội thế gian và trở nên kẻ kế tự của sự công bình đến từ đức tin vậy (c. 7)

Giống như A-bên, Nô-ê được gọi là người công bình (Sáng thế ký 6:9; 7:1). Và như Hê-nóc, ông là người đồng đi cùng Đức Chúa Trời (Sáng 6:9). Đức tin của Nô-ê được thể hiện trong hành động vâng lời:

…thành tâm kính sợ, đóng một chiếc tàu (c. 7b)

Hành động đức tin của Nô-ê đưa đến hai điều:

1. Định tội thế gian (c. 7c).

2. Trở nên kẻ kế tự của sự công bình đến từ đức tin (c. 7d).

1. Định tội thế gian. Việc Nô-ê đóng tàu là một hành động đức tin. Chiếc tàu đã cứu gia đình Nô-ê nhưng đồng thời cũng là bằng chứng buộc tội thế gian vô tín vì họ đã không tin như Nô-ê đã tin.

2. Kẻ kế tự của sự công bình đến từ đức tin. Chính Đức Chúa Trời tuyên bố Nô-ê là người công bình (Sáng thế ký 7:1). Hành động vâng lời đóng tàu, chứng tỏ Nô-ê có đức tin nơi Chúa. Đức tin đưa đến vâng lời và vì vậy Nô-ê được kể là “người thừa kế sự công chính đến từ đức tin” (BHĐ).