Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 30

ÁP-RA-HAM VÀ CÁC TỔ PHỤ (11:8-22)

8 Bởi đức tin, Áp-ra-ham vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp: người đi mà không biết mình đi đâu. 9 Bởi đức tin, người kiều ngụ trong xứ đã hứa cho mình, như trên đất ngoại quốc, ở trong các trại, cũng như Y-sác và Gia-cốp, là kẻ đồng kế tự một lời hứa với người. 10 Vì người chờ đợi một thành có nền vững chắc, mà Đức Chúa Trời đã xây cất và sáng lập. 11 Cũng bởi đức tin mà Sa-ra dẫu có tuổi còn có sức sanh con cái được, vì người tin rằng Đấng hứa cho mình điều đó là thành tín. 12 Cũng vì đó mà chỉ một người lại là một người già yếu, sanh ra muôn vàn con cháu, đông như sao trên trời, như cát bãi biển, không thể đếm được. 

13 Hết thảy những người đó đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình, chỉn trông thấy và chào mừng những điều đó từ đằng xa, xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất. 14 Những kẻ nói như thế, tỏ rõ rằng mình đương đi tìm nơi quê hương. 15 Ví thử họ đã tưởng đến nơi quê hương mà mình từ đó đi ra, thì cũng có ngày trở lại, 16 nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành.

17 Bởi đức tin, Áp-ra-ham dâng Y-sác trong khi bị thử thách: người là kẻ đã nhận lãnh lời hứa, dâng con một mình, 18 là về con đó mà Đức Chúa Trời có phán rằng: Ấy bởi trong Y-sác mà ngươi sẽ có một dòng dõi lấy tên ngươi mà kêu. 19 Người tự nghĩ rằng Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến kẻ chết sống lại, cũng giống như từ trong kẻ chết mà người lại được con mình.

20 Bởi đức tin, Y-sác chúc phước cho Gia-cốp và Ê-sau về những sự hầu đến. 21 Bởi đức tin, Gia-cốp lúc gần chết, chúc phước cho hai con của Giô-sép, và nương trên gậy mình mà lạy. 22 Bởi đức tin, Giô-sép lúc gần qua đời nói về việc con cháu Y-sơ-ra-ên sẽ đi ra và truyền lịnh về hài cốt mình. 

 

1. Xin cho biết hai việc làm động “bởi đức tin” của Áp-ra-ham trong câu 8-9 và ý nghĩa mỗi điều.

2. Đức tin của Sa-ra đặt trên căn bản nào (c. 11)?

3. “Hết thảy những người đó” (c. 13a) chỉ về ai?

4. “Xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất” (c. 13b) nghĩa là gì?

5. “Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành” (c. 16b) chỉ về gì?

6. Theo câu 19, dựa vào đâu, Áp-ra-ham sẵn sàng dâng Y-sác cho Đức Chúa Trời?

7. Đức tin của Y-sác và Gia-cốp thể hiện như thế nào (c. 20-21)? Tại sao việc chúc phước được kể là “bởi đức tin?”

8. Tại sao việc Giô-sép “truyền lịnh về hài cốt mình” (c. 22) được coi là hành động đức tin?

 

Nhóm anh hùng đức tin tiếp theo được tác giả trình bày là Áp-ra-ham và các tổ phụ cùng với Sa-ra và Giô-sép. Hai hành động đức tin của Áp-ra-ham là:

1. Vâng lời ra đi (c. 8).

2. Kiều ngụ trong Đất Hứa (c. 9)

Tương tự như Nô-ê, đức tin của Áp-ra-ham là đức tin thể hiện trong hành động, hành động vâng lời dù không thấy và không biết những gì trước mắt: Người đi mà không biết mình đi đâu (c. 8).

Sáng thế ký 12:1 ghi lại lời kêu gọi của Chúa và 12:4, sự vâng lời của Áp-ra-ham. Áp-ra-ham đã vâng lời Chúa và ra đi dù không biết gì cả về tương lai. Mục đích Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham là để ông thờ phượng Đức Chúa Trời thay vì hầu việc các thần khác (Giô-suê 24:2-3; Công vụ 7:2). Đức Chúa Trời kêu gọi, Áp-ra-ham vâng lời và ra đi. Đó là những bước đức tin của Áp-ra-ham và của mỗi người tin nhận Chúa: nghe tiếng Chúa, vâng lời và hành động bởi đức tin.

Áp-ra-ham chẳng những có đức tin trong việc vâng lời Chúa ra đi nhưng đức tin của ông cũng thể hiện trong việc kiều ngụ ngay trên vùng Đất Hứa:

Bởi đức tin, người kiều ngụ trong xứ đã hứa cho mình, như trên đất ngoại quốc, ở trong các trại, cũng như Y-sác và Gia-cốp, là kẻ đồng kế tự một lời hứa với người (c. 9)

Chữ quan trọng trong câu 8 là cơ nghiệp: Đi đến xứ mình sẽ nhận làm CƠ NGHIỆP (c. 8b). Cơ nghiệp mang ý nghĩa thừa hưởng gia sản. Vì vậy, Đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp nghĩa là Chúa hứa ban vùng đất Ca-na-an cho Áp-ra-ham làm sản nghiệp (Sáng 15:7). Đây là lời hứa Chúa dành cho ông và con cháu. Dầu vậy, khi đến Ca-na-an, ông đã không định cư tại đây. Trái lại, Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp đã kiều ngụ như trên đất ngoại quốc, ở trong các trại (c. 9a). Dân du mục vùng Trung Đông thường sống trong lều trại, tuy nhiên, lều trại ở đây dùng để đối chiếu với thành (c. 10a) là nơi cư trú vĩnh viễn.

Tác giả Thư Hê-bơ-rơ dùng sự kiện tạm trú trên vùng Đất Hứa của Áp-ra-ham và các tổ phụ để cho thấy rằng, Đất Hứa trên trần gian nầy không phải là mục đích cuối cùng của đời sống. Áp-ra-ham và các tổ phụ cũng như chúng ta, tất cả đều:

chờ đợi một thành có nền vững chắc, mà Đức Chúa Trời đã xây cất và sáng lập(c. 10)

Đây nói đến thiên đàng, nơi ở đời đời của chúng ta. Chính trong ý nghĩa đó mà việc Áp-ra-ham và các tổ phụ chỉ tạm trú trên trần gian được kể là một hành động đức tin. Đây cũng là điều áp dụng cho chúng ta hôm nay như lời bài hát:

Trần thế chẳng phải quê hương, chính tôi đây thân lữ hành,

Nhà Cha trên nơi thiên quốc, chất chứa bao châu báu tôi!

Điều nầy được tác giả trình bày chi tiết hơn trong câu 13-16.

Tiếp đến là đức tin của Sa-ra:

Cũng bởi đức tin mà Sa-ra dẫu có tuổi còn có sức sanh con cái được, vì người tin rằng Đấng hứa cho mình điều đó là thành tín (c. 11)

Theo Sáng thế ký 18:9-15, thì Sa-ra đã cười khi nghe lời phán bà sẽ có con, do đó, nói đến việc bà Sa-ra bởi đức tin… có sức sinh con cái (c. 11a) là điều khó hiểu. Một số các nhà giải nghĩa Kinh Thánh cho rằng, rất có thể, dù cười như vậy nhưng về sau Sa-ra có lòng tin nên sự việc đã xảy ra theo đức tin của bà.

Tuy nhiên, dựa vào cấu trúc văn phạm của câu 11 trong nguyên văn và vì động từ có sức sanh con cái (“khả năng sinh sản,” BHĐ) chỉ có thể dùng cho người nam (đối chiếu với Rô-ma 4:19), tác giả O’Brien cho rằng cụm từ “Sa-ra dù hiếm muộn” (BHĐ) là phần trong ngoặc đơn và câu nầy vẫn nói về đức tin của Áp-ra-ham mà thôi! (O’Brien trang 415).

Câu 11 trong nguyên văn có cả hai từ “hiếm muộn” và “cao tuổi” nhưng theo phân tích trên, “hiếm muộn” áp dụng cho Sa-ra, “cao tuổi” áp dụng cho Áp-ra-ham, phù hợp với Rô-ma 4:19.

Bản New Revised Standard Version dịch câu 11 như sau:

By faith he received power of procreation, even though he was too old – and Sarah herself was barren – because he considered Him faithful who had promised (verse 11, NRSV)

Bởi đức tin, ông nhận được sức sinh con cái mặc dù đã quá già, còn Sa-ra thì hiếm muộn, vì ông tin rằng Đấng đã hứa với mình là thành tín (c. 11, Bản NRSV)

Đây là đức tin của Áp-ra-ham tiếp nhận lời hứa của Chúa về Y-sác (Sáng 17:15-21; Rô-ma 4:18-22). Đức tin đó đặt trên lòng thành tín và lời hứa của Đức Chúa Trời:

Người tin rằng Đấng hứa cho mình điều đó là thành tín (c. 11b)

Câu 12 cho thấy kết quả của đức tin Áp-ra-ham:

Cũng vì đó mà chỉ một người, lại là một người già yếu, sanh ra muôn vàn con cháu, đông như sao trên trời, như cát bãi biển, không thể đếm được (c. 12)

Kết quả đó là từ một mà ra nhiều như lời trong tiên tri Ê-sai:

Hãy nhìn xem tổ phụ các ngươi là Áp-ra-ham và Sa-ra, là người đã sinh ra các ngươi. Ta đã gọi Áp-ra-ham khi người chỉ có một mình, nhưng Ta đã ban phước cho người và làm cho người trở nên đông đảo (Ê-sai 51:2, BHĐ)

Cụm từ, Đông như sao trên trời, như cát bãi biển (c. 12b) lấy ý từ Sáng thế ký 15:5; 22:17 nói đến một con số khổng lồ, chẳng những con cháu Áp-ra-ham trên phương diện thể xác (người Y-sơ-ra-ên) nhưng cũng nói đến những người có đức tin là con cháu Áp-ra-ham (Ga-la-ti 3:7).

Tác giả đang kể ra những gương đức tin, nhưng ông tạm dừng để nhắc nhở độc giả về một chân lý quan trọng về quê hương thật ở thiên đàng. Có thể vì độc giả đang đối diện với những khó khăn nên ông dùng điều nầy để nhắc nhở họ về đối tượng thật của đức tin là quê hương trên trời. Ông nói:

Hết thảy những người đó đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình, chỉn trông thấy và chào mừng những điều đó từ đằng xa, xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất (c. 13)

Những người đó nói đến Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp (c. 9). Đọc trong Sáng thế ký, chúng ta biết rằng cả ba tổ phụ này khi chết, dòng dõi họ vẫn chưa nhận được vùng đất Chúa hứa ban (Chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình, c. 13b). Họ luôn luôn kể mình là người kiều ngụ (c. 13b, 9a). Tác giả nhắc lại điều đó cho chúng ta thấy rằng:

Những kẻ nói như thế, tỏ rõ rằng mình đương đi tìm nơi quê hương (c. 14)

Quê hương là nơi trú ngụ vĩnh viễn, không phải là kẻ khách và bộ hành (c. 13b). Câu nầy minh chứng rằng, khi Đức Chúa Trời hứa ban chỗ ở vĩnh viễn cho Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, họ hiểu đó là quê hương trên trời, không phải quê hương ở trần gian.

Ví thử họ đã tưởng đến nơi quê hương mà mình từ đó đi ra, thì cũng có ngày trở lại, nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành (c. 15-16)

Nơi quê hương mà mình từ đó đi ra, thì cũng có ngày trở lại (c. 15) chỉ về Mê-sô-bô-ta-mi, nguyên quán của Áp-ra-ham. Khi tìm vợ cho Y-sác, Áp-ra-ham đã dặn người đầy tớ tâm phúc là Ê-li-ê-se:

Áp-ra-ham nói rằng: Hãy cẩn-thận, đừng dẫn con ta về xứ đó! (Sáng thế ký 24:6)

Khi Gia-cốp về quê để cưới vợ, ông cầu nguyện xin Đức Chúa Trời cho ông trở về bình an đến nhà cha tôi (Sáng thế ký 28:21) tức là vùng Đất Hứa Ca-na-an.

Như vậy, cả ba người, Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp đều được chứng minh cho thấy là họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời (c. 16a). Quê hương nầy được mô tả là một thành do Đức Chúa Trời sắm sẵn (c. 16b). Thành đây chỉ về thiên đàng nơi Đức Chúa Trời xây cất và sáng lập (c. 10b).

Qua các câu nầy, tác giả cho thấy rằng đức tin của các tổ phụ cũng là đức tin của chúng ta, đức tin hướng về quê hương tốt đẹp ở thiên đàng.

Đức tin của Áp-ra-ham chẳng những là đức tin vâng lời Chúa ra đi nhưng cũng là đức tin vâng lời Chúa đem dâng Y-sác làm của lễ thiêu:

Bởi đức tin, Áp-ra-ham dâng Y-sác trong khi bị thử thách: người là kẻ đã nhận lãnh lời hứa, dâng con một mình, là về con đó mà Đức Chúa Trời có phán rằng: Ấy bởi trong Y-sác mà ngươi sẽ có một dòng dõi lấy tên ngươi mà kêu (c. 17-18)

Đây là thử thách lớn nhất trong cuộc đời Áp-ra-ham và cũng là ví dụ rõ ràng về đức tin thể hiện trong hành động. Kinh Thánh cho thấy việc Đức Chúa Trời bảo Áp-ra-ham dâng Y-sác làm sinh tế là một thử thách: Áp-ra-ham dâng Y-sác trong khi bị thử thách (c. 17a). Thử thách vì Chúa đặt Áp-ra-ham vào một tình thế đòi hỏi đức tin tối đa để thi hành, vì Y-sác là con một và là con của lời hứa: Trong Y-sác mà ngươi sẽ có một dòng dõi lấy tên ngươi mà kêu (c. 18b).

Tác giả giải thích đức tin của Áp-ra-ham như sau:

Người tự nghĩ rằng Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến kẻ chết sống lại, cũng giống như từ trong kẻ chết mà người lại được con mình (c. 19)

Đức tin của Áp-ra-ham là đức tin vào sự sống lại. Ông tin rằng dù cho Y-sác có chết khi bị dâng làm của lễ cũng sẽ được Đức Chúa Trời làm cho sống lại. Trong trường hợp nầy, dù Y-sác không chết nhưng Áp-ra-ham đã bày tỏ lòng tận hiến nên tác giả nói:

… cũng giống như từ trong kẻ chết mà người lại được con mình (c. 19b)

Đối với Áp-ra-ham, Y-sác đã thật sự chết trong hành động hiến tế của ông.

Đức tin của ba người còn lại: Y-sác, Gia-cốp và Giô-sép đều liên quan đến việc sẽ xảy ra trong tương lai:

Bởi đức tin, Y-sác chúc phước cho Gia-cốp và Ê-sau về những sự hầu đến (c. 20)

Đây là câu chuyện được ghi trong Sáng thế ký 27:26-40 trong bối cảnh Gia-cốp cướp phước lành của Ê-sau. Điểm tác giả nhấn mạnh là về những sự hầu đến (c. 20b). Nội dung lời chúc phước của Y-sác mang tính cách tiên tri, nhấn mạnh đến ơn phước dành cho tuyển dân của Chúa qua dòng dõi Gia-cốp. Đức tin của Y-sác vì vậy là tin vào những điều Đức Chúa Trời hứa và hoạch định và chính Chúa cảm động ông nói lên lời tiên tri nầy.

Tương tự như vậy với đức tin của Gia-cốp:

Bởi đức tin, Gia-cốp lúc gần chết, chúc phước cho hai con của Giô-sép và nương trên gậy mình mà lạy (c. 21)

Câu chuyện nầy được ghi trong Sáng thế ký 48:1-20. Cũng như trường hợp Y-sác chúc phước cho Gia-cốp, là người con thứ, đến lượt Gia-cốp, ông cũng làm điều tương tự khi đặt tay mặt trên Ép-ra-im là người con thứ để chúc phước. Tác giả Thư Hê-bơ-rơ gọi đây là một hành động đức tin (bởi đức tin) hàm ý Gia-cốp tin nơi quyền tể trị của Đức Chúa Trời và chính Chúa khiến ông đặt tay mặt trên Ép-ra-im để chúc phước.

Chữ lạy trong câu, Nương trên gậy mình mà lạy (c. 21b) mang ý nghĩa “thờ lạy” (BHĐ) hàm ý Gia-cốp đã lớn tuổi phải dựa trên cây gậy mới có thể quỳ lạy hay thờ lạy Đức Chúa Trời. Điều nầy bày tỏ đức tin của Gia-cốp nơi Đức Chúa Trời cho đến lúc cuối đời.

Có sự khác nhau giữa chữ “giường” trong Sáng thế ký 48:2b và chữ “gậy” trong Hê-bơ-rơ 11:21b vì Thư Hê-bơ-rơ trích từ bản Bảy Mươi (LXX). Phụ âm tiếng Hê-bơ-rơ của chữ nầy là mth, có thể đọc là mitta, nghĩa là “giường” theo bản Masoretic (Cựu Ước tiếng Hê-bơ-rơ) hay đọc là matteh, nghĩa là “gậy” theo bản Bảy Mươi (Cựu Ước tiếng Hy-lạp).

Bởi đức tin, Giô-sép lúc gần qua đời nói về việc con cháu Y-sơ-ra-ên sẽ đi ra và truyền lịnh về hài cốt mình (c. 22)

Đây nói đến lời trối trăn của Giô-sép với các anh được ghi trong Sáng thế ký 50:24-25. Câu nầy cho thấy đức tin của Giô-sép hướng về miền Đất Hứa mà Đức Chúa Trời đã hứa cho Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp (Sáng 50:24). Khi Gia-cốp qua đời, ông đã ra lệnh cho các con phải đem ông về chôn ở Ca-na-an trong Đất Hứa (Sáng 49: 29-32). Trong ý hướng đó, Giô-sép đã xin các anh dời hài cốt mình khỏi Ai-cập. Lời trối trăn của Giô-sép cho thấy đức tin của ông trên hai phương diện:

(1)   Con cháu Y-sơ-ra-ên sẽ đi ra (c. 22b).

(2)   Dời hài cốt (c. 22c).

Giô-sép bảo các anh dời hài cốt, hàm ý ông tin rằng sẽ đến một ngày dân Y-sơ-ra-ên sẽ rời Ai-cập về vùng Đất Hứa dù lúc đó ông đang làm tể tướng của Ai-cập.