Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 31

MÔI-SE VÀ DÂN Y-SƠ-RA-ÊN (11:23-31)

23 Bởi đức tin, khi Môi-se mới sanh ra, cha mẹ người đem giấu đi ba tháng, vì thấy là một đứa con xinh tốt, không sợ chiếu mạng của vua. 24 Bởi đức tin, Môi-se lúc đã khôn lớn, bỏ danh hiệu mình là con trai của công chúa Pha-ra-ôn, 25 đành cùng dân Đức Chúa Trời chịu hà hiếp hơn là tạm hưởng sự vui sướng của tội lỗi.  26 Người coi sự sỉ nhục về Đấng Christ là quí hơn của châu báu xứ Ê-díp-tô, vì người ngửa trông sự ban thưởng. 27 Bởi đức tin, người lìa xứ Ê-díp-tô không sợ vua giận vì người đứng vững như thấy Đấng không thấy được. 28 Bởi đức tin, người giữ lễ Vượt Qua và làm phép rưới huyết, hầu cho đấng hủy diệt chẳng hề hại đến con đầu lòng dân Y-sơ-ra-ên. 

29 Bởi đức tin, dân Y-sơ-ra-ên vượt qua Biển Đỏ như đi trên đất khô, còn người Ê-díp-tô thử đi qua, bị nuốt mất tại đó. 30 Bởi đức tin, các tường thành Giê-ri-cô đổ xuống, sau khi người ta đi vòng quanh bảy ngày. 31 Bởi đức tin, kỵ nữ Ra-háp không chết với kẻ chẳng tin, vì nàng đã lấy ý tốt tiếp rước các kẻ do thám.

 

 

1. Câu 23 nói đến đức tin của ai? Tại sao?

2. Xin cho biết những hành động thể hiện đức tin của Môi-se:

(1) _____________________________________________ (c. 24-26)

(2) _____________________________________________ (c. 27)

(3) _____________________________________________ (c. 28)

3. Lý do nào khiến Môi-se từ bỏ địa vị cao quý và chọn con đường hà hiếp, sỉ nhục (c. 24-26)?

4. “Phép rưới huyết” (c. 28a) chỉ về điều gì?

5. Yếu tố nào khiến người Y-sơ-ra-ên có thể vượt Biển Đỏ an toàn còn người Ai-cập phải chết (c. 29)?

6. Đức tin khiến các tường thành Giê-ri-cô đổ xuống là đức tin của ai (c. 30)?

7. Xin đọc Giô-suê 2:9-11 và cho biết đức tin của kỹ nữ Ra-háp đã được thể hiện như thế nào?

 

Đời sống đức tin của Môi-se bắt đầu với đức tin của cha mẹ ông, là người đem con đi giấu, không sợ chiếu mạng của vua (Xuất 1:22). Đây là đức tin thể hiện trong hành động dù có thể gặp nguy hiểm.

Lý do cha mẹ Môi-se đem con đi giấu là vì thấy là một đứa con xinh tốt (c. 23b). Xinh tốt hàm ý mang dáng vẻ đặc biệt (“khôi ngô,” BHĐ). Bản TNIV dịch: “Thấy là một đứa trẻ khác thường” (He was no ordinary child). Cha mẹ thấy nơi em bé Môi-se điều nầy nên họ sẵn sàng đem con đi giấu mà không sợ nguy hiểm. Đây là hành động bởi đức tin.

Ba hành động bởi đức tin của Môi-se trong câu 24-28 là:

·       Bỏ danh hiệu là con trai của công chúa Pha-ra-ôn (c. 24)

·       Lìa xứ Ê-díp-tô không sợ vua giận (c. 27)

·       Giữ lễ Vượt Qua và làm phép rưới huyết (c. 28)

1. Bỏ danh hiệu là con trai của công chúa Pha-ra-ôn (c. 24). Kinh Thánh Cựu Ước không nói gì về việc nầy, tuy nhiên câu chuyện trong Xuất 2:11-15 cho thấy tấm lòng của Môi-se không muốn thấy đồng bào mình bị hà hiếp nên ông đã đứng lên bênh vực họ. Hành động nầy cho thấy lúc đó Môi-se không kể mình là con trai của công chúa Pha-ra-ôn nhưng là một phần của dân Đức Chúa Trời. Ông kể mình cũng bị hà hiếp như họ. Đối chiếu với hành động đức tin nầy là tạm hưởng sự vui sướng của tội lỗi (c. 25b).

Sự vui sướng của tội lỗi (“lạc thú chóng qua,” BHĐ) chỉ về nếp sống vương giả dễ đưa đến trụy lạc mà Môi-se có thể tận hưởng vì là hoàng tử Ai-cập. Hành động đức tin của Môi-se cho thấy ông lựa chọn dứt khoát giữa việc đồng chịu khổ với con dân Chúa thay vì đời sống sung sướng đưa đến tội lỗi trong cung điện Pha-ra-ôn.

Lý do Môi-se sẵn sàng bỏ danh hiệu mình là con trai của con gái Pha-ra-ôn là vì:

Người coi sự sỉ nhục về Đấng Christ là quí hơn của châu báu xứ Ê-díp-tô, vì người ngửa trông sự ban thưởng (c. 26)

Sự sỉ nhục về Đấng Christ hàm ý những sỉ nhục Môi-se phải nhận cùng với con dân Chúa, tương tự như những sỉ nhục Chúa Giê-xu gánh chịu khi Ngài chịu chết. Điều nầy phù hợp với lời dạy trong Ê-sai:

Hễ khi dân Ngài bị khốn khổ, chính Ngài cũng khốn khổ và thiên sứ trước mặt Ngài đã cứu họ rồi (Ê-sai 63:9a)

Có một đối chiếu giữa sỉ nhụccủa châu báu xứ Ê-díp-tô. Sự so sánh nầy nói về vấn đề giá trị, vì dù của châu báu xứ Ê-díp-tô lớn bao nhiêu cũng không thế nào so với sự ban thưởng thiên thượng Môi-se chờ đợi bởi đức tin: Người ngửa trông sự ban thưởng (c. 26b)

2. Lìa xứ Ê-díp-tô không sợ vua giận (c. 27). Môi-se lìa xứ Ê-díp-tô hai lần:

(1) Sau khi giết người Ai-cập để bênh vực cho người đồng hương (Xuất 2:14-15).

(2) Khi dẫn người Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập (Xuất 12:51).

Hành động đức tin tiếp theo của Môi-se nhắc đến Lễ Vượt Quaphép rưới huyết nên việc lìa xứ Ê-díp-tô không sợ vua giận là nói đến việc Môi-se lìa Ai-cập khi dẫn người Y-sơ-ra-ên ra đi. Đó cũng là lúc Pha-ra-ôn đã giận dữ đuổi theo Môi-se và người Y-sơ-ra-ên (Xuất 14:5-9).

Hành động đức tin lìa xứ Ê-díp-tô không sợ vua giận được giải thích là:

Vì người đứng vững như thấy Đấng không thấy được (c. 27b)

Đứng vững mang ý nghĩa “kiên trì” (BHĐ). Lý do Môi-se có thể kiên trì là vì “NHƯ THỂ thấy Đấng không thấy được” (BHĐ). “Như thể” nói lên đức tin của Môi-se tương tự như trong định nghĩa về đức tin:

Đức tin… là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy (c. 1b)

Sau này, Môi-se được đối diện với Đức Chúa Trời tận mặt (Xuất 33:11) nhưng trong lần dẫn người Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập, tác giả nhấn mạnh lòng kiên trì của Môi-se bởi đức tin khi ông dám đối đầu với đoàn quân Ai-cập đông đảo. Đó là lúc ông kinh nghiệm sự hiện diện của Đức Chúa Trời với mình. Đây là điều tác giả nhấn mạnh để khích lệ người đọc đang gặp bắt bớ, khó khăn nên kiên trì và lấy đức tin nhìn xem Chúa dù không thấy mặt Ngài.

Hành động đức tin tiếp theo của Môi-se là:

Bởi đức tin, người giữ lễ Vượt Qua và làm phép rưới huyết, hầu cho đấng hủy diệt chẳng hề hại đến con đầu lòng dân Y-sơ-ra-ên (c. 28)

Đây nói đến chi tiết việc con dân Chúa ra khỏi Ai-cập và là hình bóng rõ ràng nhất về sự hy sinh của Chúa Giê-xu cứu chuộc nhân loại.

Giữ lễ Vượt Qualàm phép rưới huyết liên quan đến mạng lệnh Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se trong Xuất 12-13. Môi-se vâng lời Đức Chúa Trời và bảo dân sự lấy máu chiên bôi trên khung cửa để thiên sứ sẽ vượt qua nhà nào có dấu hiệu đó. Môi-se chắc chắn không hiểu mạng lệnh đó nhưng lấy đức tin vâng lời, nhờ đó đấng hủy diệt chẳng hề hại đến con đầu lòng dân Y-sơ-ra-ên (c. 28b).

Khi Giăng Báp-tít giới thiệu Chúa Giê-xu, ông gọi Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời (Giăng 1:29) lấy từ hình ảnh Chiên Con của Lễ Vượt Qua. Nhờ máu chiên nơi cửa mà đứa con đầu lòng trong gia đình được cứu thể nào, thì cũng vậy, nhờ máu vô tội của Chúa Giê-xu – sự chết của Ngài trên thập tự giá – mà nhân loại được cứu thể ấy. Môi-se bởi đức tin, làm theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời để cứu dân Y-sơ-ra-ên là hình ảnh chúng ta ngày nay lấy đức tin vâng lời để được cứu qua sự chết thay thế của Chúa Giê-xu.

Ba hình ảnh sau cùng về đức tin liên quan đến việc con dân Chúa vượt Biển Đỏ, đánh chiếm Giê-ri-cô và đức tin của kỹ nữ Ra-háp tại Giê-ri-cô:

Bởi đức tin, dân Y-sơ-ra-ên vượt qua Biển Đỏ như đi trên đất khô, còn người Ê-díp-tô thử đi qua, bị nuốt mất tại đó (c. 29)

Đức tin vượt Biển Đỏ là đức tin của con dân Chúa. Khi bị Pha-ra-ôn và quân đội Ai-cập rượt đuổi trong sa mạc, họ sợ hãi (Xuất 14:10). Tuy nhiên, Môi-se khẳng định cho biết là Đức Chúa Trời sẽ chiến đấu cho họ và bảo họ cứ đi (Xuất 14:14-15) thì họ đã tin lời Môi-se và Chúa đã dùng ông rẽ Biển Đỏ cho họ đi qua (Xuất 14:21-22).

Người Ai-cập làm cùng một điều (Xuất 14:23) nhưng nước biển đã trở lấp lại và tất cả đều đã chết (Xuất 14:26-30). Sự kiện người Y-sơ-ra-ên có thể vượt Biển Đỏ an toàn còn người Ai-cập phải chết là yếu tố đức tin: người Y-sơ-ra-ên tin vào quyền năng của Đức Chúa Trời còn người Ai-cập không tin.

Con dân Chúa nhờ đức tin, được giải phóng khỏi Ai-cập và vượt qua Biển Đỏ, nhưng khi vào đồng vắng, họ đã thiếu lòng tin nơi Chúa, nên đã phải lang thang bốn mươi năm trong sa mạc và ngã chết tại đó (3:7-11). Vì vậy, tác giả tiếp tục với những người có đức tin là những người tiến chiếm Đất Hứa với chiến thắng đầu tiên tại Giê-ri-cô: 

Bởi đức tin, các tường thành Giê-ri-cô đổ xuống, sau khi người ta đi vòng quanh bảy ngày (c. 30)

Đây nói đến đức tin của Giô-suê và con dân Chúa vâng lời Ngài. Họ đã lấy đức tin đặt chân xuống sông Giô-đanh để nước rẽ ra cho họ đi qua (Giô-suê 3:14-17) và cũng vâng lời Chúa đi chung quanh Giê-ri-cô bảy lần (một hành động bởi đức tin). Tường thành Giê-ri-cô đã ngã sập bởi hành động đức tin đó.

Bởi đức tin, kỵ nữ Ra-háp không chết với kẻ chẳng tin, vì nàng đã lấy ý tốt tiếp rước các kẻ do thám (c. 31)

Bảng liệt kê các anh hùng đức tin kết thúc với kỹ nữ Ra-háp, một phụ nữ ngoại bang. Tác giả Thư Gia-cơ cũng nói lên cùng một điều (Gia-cơ 2:25). Đức tin của Ra-háp bày tỏ trong lời bà nói với các thám tử:

Tôi biết rằng Đức Giê-hô-va đã ban cho các ông xứ nầy, sự kinh khủng vì cớ các ông đã bắt lấy chúng tôi, và cả dân của xứ đều sờn lòng trước mặt các ông. Vì chúng tôi có hay khi các ông ra khỏi xứ Ê-díp-tô, thì Đức Giê-hô-va đã khiến nước Biển Đỏ bày khô trước mặt các ông, và điều các ông đã làm cho Si-hôn và Óc, hai vua dân A-mô-rít, ở bên kia sông Giô-đanh, mà các ông đã diệt đi. Chúng tôi có hay điều đó, lòng bèn tan ra, chẳng ai trong chúng tôi còn can đảm trước mặt các ông nữa vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ông là Đức Chúa Trời ở trên trời cao kia và ở dưới đất thấp nầy (Giô-suê 2:9-11)

Ra-háp thể hiện đức tin trong hành động đem các thám tử đi giấu (Lấy ý tốt tiếp rước các kẻ do thám, c. 31b). Đức tin của Ra-háp được đối chiếu với kẻ chẳng tin (c. 31a). Đây là cụm từ chỉ về con dân Chúa thiếu lòng tin trong đồng vắng mà tác giả nhắc đến trước đây (3:12, 18).