Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 32

ĐIỀU TỐT HƠN (11:32-40)

32 Ta còn nói chi nữa? Vì nếu ta muốn nói về Ghê-đê-ôn, Ba-rác, Sam-sôn, Giép-thê, Đa-vít, Sa-mu-ên và các đấng tiên tri, thì không đủ thì giờ. 33 Những người đó bởi đức tin đã thắng được các nước, làm sự công bình, được những lời hứa, bịt mồm sư tử, 34 tắt ngọn lửa hừng, lánh khỏi lưỡi gươm, thắng bịnh tật, tỏ sự bạo dạn nơi chiến tranh, khiến đạo binh nước thù chạy trốn. 35 Có người đàn bà đã được người nhà mình chết sống lại, có kẻ bị hình khổ dữ tợn mà không chịu giải cứu, để được sự sống lại tốt hơn. 36 Có kẻ khác chịu nhạo cười, roi vọt, lại cũng chịu xiềng xích lao tù nữa.

37 Họ đã bị ném đá, tra tấn, cưa xẻ, bị giết bằng lưỡi gươm, lưu lạc rày đây mai đó, mặc những da chiên da dê, bị thiếu thốn mọi đường, bị hà hiếp, ngược đãi, 38 thế gian không xứng đáng cho họ ở, phải lưu lạc trong đồng vắng, trên núi, trong hang, trong những hầm dưới đất. 39 Hết thảy những người đó dầu nhân đức tin đã được chứng tốt, song chưa hề nhận lãnh điều đã được hứa cho mình. 40 Vì Đức Chúa Trời có sắm sẵn điều tốt hơn cho chúng ta, hầu cho ngoài chúng ta ra họ không đạt đến sự trọn vẹn được.

 

 

 

 

 

1. “Không đủ thì giờ” (c. 32c) hàm ý gì?

2. Xin dùng Kinh Thánh Cựu Ước và cho biết điểm nổi bật về đức tin của các nhân vật được nhắc đến trong câu 32b:

KINH THÁNH

NHÂN VẬT

ĐIỂM NỔI BẬT

VỀ ĐỨC TIN

Các Quan Xét 6-8

Ghê-đê-ôn

 

Các Quan Xét 4

Ba-rác

 

Quan Xét 13-16

Sam-sôn

 

Quan Xét 11-12

Giép-thê

 

I Sa 16-31; II Sa 1-24

Đa-vít

 

I Sa-mu-ên 1-16

Sa-mu-ên

 

3. Xin cho biết điểm giống nhau của các anh hùng đức tin trong câu 33-35a.

4. Xin cho biết điểm giống nhau của các anh hùng đức tin trong câu 35b-38.

5. “Chưa hề nhận lãnh điều đã được hứa cho mình” (c. 39b) hàm ý gì?

6. “Ngoài chúng ta ra họ không đạt đến sự trọn vẹn được” (c. 40b) nghĩa là thế nào?

 

Độc giả Thư Hê-bơ-rơ là người Do-thái, thông thạo Cựu Ước, vì vậy từ đầu, tác giả minh chứng cho họ thấy rằng chính Cựu Ước cho thấy Chúa Giê-xu trổi hơn mọi nhân vật trong Cựu Ước và những điều chép về Ngài trong Cựu Ước đều chỉ là hình bóng. Tương tự như vậy với gương đức tin trong Chương 11, tác giả bắt đầu từ Sáng thế ký, đi qua đời sống các tổ phụ và lịch sử con dân Chúa.

Tác giả có thể tiếp tục như vậy suốt cả Cựu Ước, tuy nhiên, làm như vậy chắc chắn là không đủ thì giờ (c. 32c). Vì vậy, ông đã rút ngắn lại và chỉ kể tên sáu nhân vật, với bốn vị quan xét (Ghê-đê-ôn, Ba-rác, Sam-sôn, Giép-thê), vua Đa-vít và tiên tri Sa-mu-ên (c. 32b).

 

KINH THÁNH

NHÂN VẬT

ĐIỂM NỔI BẬT VỀ
ĐỨC TIN

Quan Xét 6-8

Ghê-đê-ôn

Chiến thắng quân thù với đạo binh nhỏ bé

Quan Xét 4

Ba-rác

Chiến thắng vua Gia-bin có 900 xe sắt

Quan Xét 13-16

Sam-sôn

Chiến thắng dân Phi-li-tin nhiều lần với Thần của Đức Chúa Trời

Quan Xét 11-12

Giép-thê

Chiếm đóng 20 thành của dân Am-môn

I Sa-mu-ên 16-31

II Sa-mu-ên 1-24

Đa-vít

Chiến thắng người khổng lồ Gô-li-át và bình định đất nước

I Sa-mu-ên 1-16

Sa-mu-ên

Quan xét cuối cùng và tiên tri đầu tiên của Y-sơ-ra-ên

 

Sau Sa-mu-ên, tác giả nói đến các đấng tiên tri, hàm ý nói đến các tiên tri viết trong Cựu Ước cũng như các vị tiên tri khác như Ê-li, Ê-li-sê, Na-than… Tất cả những người nầy giữ vai trò ngôn sứ, đem thông điệp của Đức Chúa Trời đến cho con dân Ngài. Câu chuyện về các tiên tri luôn luôn cho thấy đức tin hoàn toàn của họ nơi Đức Chúa Trời.

Những gương đức tin trong câu 33-38 có thể chia làm hai nhóm:

 

1. Câu 33-35a: những người nhờ đức tin chiến thắng.

2. Câu 35b-38: những người nhờ đức tin chịu khổ.

·    Những người nhờ đức tin chiến thắng:

Thắng được các nước chỉ về Ghê-đê-ôn, Ba-rác, Sam-sôn, Giép-thê, Đa-vít vừa nói trong câu 32.

Làm sự công bình mang ý nghĩa “thực thi công lý,” như vua Đa-vít đã làm.

Được những lời hứa nói chung những người tin vào lời hứa của Chúa và điều họ tin đã được thực hiện cho họ (Áp-ra-ham, Đa-vít…).

Bịt mồm sư tử nói về Đa-ni-ên (Đa-ni-ên 6).

Tắt ngọn lửa hừng là câu chuyện ba bạn Hê-bơ-rơ (Đa-ni-ên 3).

Lánh khỏi lưỡi gươm trong các trường hợp của Đa-vít, Ê-li, Ê-li-sê và Giê-rê-mi.

Thắng bịnh tật nói đến trường hợp vua Ê-xê-chia được Chúa chữa lành (Ê-sai 38:16).

Tỏ sự bạo dạn nơi chiến tranh, khiến đạo binh nước thù chạy trốn là nhắc lại những trường hợp trong câu 32 và vua Ê-xê-chia (II Các Vua 19:35).

Có người đàn bà đã được người nhà mình chết sống lại là trường hợp tiên tri Ê-li cứu sống con trai của góa phụ (I Các Vua 17:17-24) và tiên tri Ê-li-sê khiến con của người nữ Su-nem sống lại (II Các Vua 4:17-37).

·    Những người nhờ đức tin chịu khổ:

Có kẻ bị hình khổ dữ tợn mà không chịu giải cứu để được sự sống lại tốt hơn. Đây là hình ảnh tra tấn trong thời Ma-ca-bê, được ghi lại trong các sách lịch sử Thứ Kinh mà người Do-thái thời đó quen thuộc.

Có kẻ khác chịu nhạo cười, roi vọt, lại cũng chịu xiềng xích lao tù nữa nói đến tiên tri Giê-rê-mi (Giê-rê-mi 37:4-21), Ha-na-ni (II Sử ký 16:7-10), Mi-chê (I Các Vua 22:26-27).

Họ đã bị ném đá: Xa-cha-ri (II Sử ký 24:20-21).

Cưa xẻ là điều vua Ma-na-se đã làm cho tiên tri Ê-sai khi bắt ông bỏ vào trong bộng cây và cưa đôi, theo lịch sử ghi lại.

Bị giết bằng lưỡi gươm, lưu lạc rày đây mai đó, mặc những da chiên da dê, bị thiếu thốn mọi đường, bị hà hiếp, ngược đãi, thế gian không xứng đáng cho họ ở, phải lưu lạc trong đồng vắng, trên núi, trong hang, trong những hầm dưới đất mô tả chung các khổ nạn những người vì Danh Chúa trải qua được ghi lại trong Cựu Ước và sử sách mà người thời đó biết rõ.

Tóm lại, tác giả viết:

Hết thảy những người đó dầu nhân đức tin đã được chứng tốt, song chưa hề nhận lãnh điều đã được hứa cho mình. Vì Đức Chúa Trời có sắm sẵn điều tốt hơn cho chúng ta, hầu cho ngoài chúng ta ra họ không đạt đến sự trọn vẹn được (c. 39-40)

Để hiểu được phần Kinh Thánh nầy, chúng ta cần xem lại từ đầu Chương 11. Hê-bơ-rơ 11:1-2 nối tiếp với 10:39 nhằm khích lệ độc giả giữ vững đức tin. Tác giả khích lệ họ giữ vững đức tin qua gương đức tin của người xưa (c. 4-38). Sau khi trình bày những gương đức tin đó, ông cho độc giả thấy rằng dù đó là những anh hùng đức tin nhưng trong chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời, độc giả Thư Hê-bơ-rơ cũng như chúng ta hôm nay, được đứng cùng một chỗ với họ. Nghĩa là các anh hùng đó và chúng ta hôm nay đều cùng nhờ đức tin để được tha tội và cứu rỗi trong Chúa Giê-xu:

Hầu cho ngoài chúng ta ra họ không đạt đến sự trọn vẹn được (c. 40b)

Sự trọn vẹn đây nói đến sự trọn vẹn hay hoàn thành của Chúa Giê-xu trong việc Ngài đến thế gian, chịu chết chuộc tội cho nhân loại và sẽ trở lại thiết lập giao ước mới và ban sự an nghỉ cho người tin Ngài. Đây cũng là chủ đề của Thư Hê-bơ-rơ. Chủ đề nầy cho thấy chỗ đứng của độc giả Thư Hê-bơ-rơ và chúng ta trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Tác giả cho thấy: Hết thảy những người đó, tức là tất cả các anh hùng đức tin được nhắc đến từ câu 4 đến câu 38, dầu nhân đức tin đã được chứng tốt, song chưa hề nhận lãnh điều đã được hứa cho mình. Dĩ nhiên một số đã nhận được lời hứa như Áp-ra-ham, Sa-ra, dân Y-sơ-ra-ên, Ra-háp… nhưng đó chưa phải là lời hứa tối hậu. Trong ví dụ về Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, tác giả nói về việc chờ đợi một thành có nền vững chắc (c. 10), chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình, chỉ xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất (c. 13) và Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành (c. 16b).

Những điều nầy cho thấy, trong lịch sử cứu chuộc, Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, các anh hùng đức tin, dân Y-sơ-ra-ên và chúng ta, tất cả đều được cứu như nhau đó là đức tin nơi sự chết chuộc tội của Chúa Giê-xu. Đó là ý nghĩa của câu:

Hầu cho ngoài chúng ta ra họ không đạt đến sự trọn vẹn được (c. 40b)

Đây là cái nhìn toàn thể chúng ta cần có để tạ ơn Chúa và được khích lệ để giữ vững đức tin trên đường theo Chúa.