Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 33

“NHÌN XEM ĐỨC CHÚA GIÊ-XU” (12:1-3)

1 Thế thì, vì chúng ta được nhiều người chứng kiến vây lấy như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, 2 nhìn xem Đức Chúa Giê-xu, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời. 3 Vậy, anh em hãy nghĩ đến Đấng đã chịu sự đối nghịch của kẻ tội lỗi dường ấy, hầu cho khỏi bị mỏi mệt sờn lòng.

 

1. Chữ “Thế thì” (c. 1a) hàm ý gì?

2. “Nhiều người chứng kiến vây lấy như đám mây rất lớn” (c. 1b) chỉ về ai?

3. Hai điều chúng ta cần phải “quăng đi” (c. 1c) là gì? Xin cho biết ý nghĩa của mỗi điều.

4. Sau khi “quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương,” chúng ta phải làm gì? Hàm ý gì?

5. “Nhìn xem Chúa Giê-xu” (c. 2a) mang ý nghĩa gì?

6. Xin giải thích “cội rễ và cuối cùng của đức tin” (c. 2b).

7. Theo câu 3, làm thế nào để chúng ta không bị “mỏi mệt sờn lòng”?

 

Phân đoạn Kinh Thánh nầy bắt đầu với hai chữ Thế thì (c. 1a). Đây là một giới từ đặc biệt nhằm ý nhấn mạnh. Từ nầy chỉ được dùng hai lần trong Tân Ước (I Tê. 4:8). Thế thì hàm ý dựa vào tất cả những điều vừa được trình bày trong Chương 11, đây là điều độc giả cần phải hành động. Chương 12 là lời khuyên và khích lệ độc giả sống đức tin như những anh hùng đức tin trong Chương 11.

Ông nhắc lại những anh hùng đức tin nầy với hình ảnh những người chứng kiến vây lấy như đám mây rất lớn (c. 1b). Người chứng kiến (martys) là “người làm chứng” hay “nhân chứng.” Từ nầy về sau thường được dùng để chỉ những người trung tín làm chứng về Chúa Giê-xu dù phải bỏ mạng. Chữ “người tuận đạo” (martyr) phát xuất từ đây.

Tác giả dùng hình ảnh cuộc đua nơi vận động trường để mô tả điều nầy và những người chứng kiến vây lấy như đám mây rất lớn là khán giả của cuộc đua. Tuy nhiên, đây không phải là khán giả nhìn người chạy đua mà là người chạy đua biết có sự chứng kiến của khán giả để được khích lệ. Họ là những nhân chứng sống.

Để tham dự cuộc đua nầy, tác giả khuyên chúng ta quăng đi:

(1)   Gánh nặng.

(2)   Tội lỗi dễ vấn vương.

Quăng mang ý nghĩa “vứt bỏ” (BHĐ)  như người cởi bỏ quần áo luộm thuộm để không còn bị vướng bận.

Gánh nặng nói đến mọi điều có thể gây cản trở cho việc chạy đua như áo quần, vật dụng mang trong người hay những vật dụng nặng không cần thiết. Trong đời sống, gánh nặng nói đến những thói quen xấu, việc đeo đuổi những giá trị tạm thời (tiền bạc, của cải, danh vọng, quyền lực, nhà cửa, xe cộ…), sự lo lắng của trần gian.

Tội lỗi dễ vấn vương mang ý nghĩa tội lỗi là điều dễ làm vấn vương chứ không hàm ý một tội nào.

Đây là cuộc chạy đua chúng ta phải chạy với lòng nhịn nhục:

Lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta (c. 12c)

Lấy lòng nhịn nhục mang ý nghĩa kiên trì, chịu đựng. Điều nầy cho thấy đây là cuộc đua đường dài, không phải đua nhanh, ngắn nhưng còn dài lâu.

Cuộc chạy đua đã bày ra cho ta nghĩa là đây là cuộc đua đã được sắp đặt, chúng ta không thể đứng ngoài nhưng phải tham dự.

Sau khi quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương (tiêu cực), tác giả khuyên (tích cực):

Nhìn xem Đức Chúa Giê-xu, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời (c. 2)

Trong bất cứ cuộc chạy đua nào, mục tiêu hay điểm đến là điều quan trọng. Trong cuộc đua đức tin, mục tiêu của chúng ta là Chúa Giê-xu (nguyên văn không có chữ “Chúa,” nhằm nhấn mạnh con người Giê-xu, Chúa Giê-xu trong nhân tánh của Ngài). Chúng ta nhìn xem Chúa Giê-xu là người mang thân xác con người như chúng ta.

Động từ nhìn xem mang ý nghĩa chăm chú nhìn, không để điều gì khác khiến chúng ta phân tâm. Nhìn xem cũng mang ý nghĩa trông chờ, tùy thuộc. Nhìn xem (Đức Chúa) Giê-xu vì vậy là lời kêu gọi chúng ta hãy chú mục vào Chúa, noi gương Ngài, nhớ rằng Chúa cũng đã trải qua những đau đớn trong thân xác như chúng ta.

Tác giả gọi Chúa Giê-xu là cội rễ và cuối cùng của đức tin (“Đấng khởi nguyên và hoàn tất của đức tin,” BHĐ).

Cội rễ (archegos, 2:10) mang ý nghĩa “đầu tiên và lãnh đạo” tức là “khởi nguyên” (BHĐ). Trong hình ảnh cuộc chạy đua, Chúa Giê-xu là cội rễ của đức tin mang ý nghĩa Ngài là người tiên phong và là gương mẫu cho chúng ta noi theo, trong lòng tin đối với Đức Chúa Trời. Cội rễ cũng mang ý nghĩa “tác giả” hay “người khởi đầu.” Chúa Giê-xu đã mở con đường cho chúng ta đến với Đức Chúa Trời và chúng ta tiếp tục theo bước chân Ngài.

Cuối cùng (teleiotes) mang ý nghĩa “hoàn tất” (BHĐ). Đối với con người, thường một người bắt đầu công việc và người khác hoàn tất, nhưng Chúa Giê-xu bắt đầu và cũng chính Ngài hoàn tất. Yếu tố hoàn tất, trọn vẹn hay trọn lành được nhấn mạnh nhiều lần trong Thư Hê-bơ-rơ: 2:10; 5:9; 7:28; 9:14; 10:5-10, 14).

Tác giả trình bày các gương đức tin trong Chương 11 và ông cho thấy, vượt lên trên tất cả những gương đó là Chúa Giê-xu. Ngài là “tác giả,” “người khởi xướng đức tin” và cũng là Đấng “hoàn tất” đức tin đó. Ông mô tả “đức tin” của Chúa Giê-xu như sau:

Là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời (c. 2b)

Sự vui mừng đã đặt trước mặt mình nói đến niềm vui hoàn tất sự cứu rỗi cho nhân loại, đó mục đích của Chúa khi đến thế gian. Chúa Giê-xu là người tham dự cuộc đua trước chúng ta và đã lấy đó làm mục đích để chạy nên Ngài có thể chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục để chạy và bây giờ Ngài đang ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời vì đã đạt mục đích đó. Có thể nói, sự việc ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời là niềm vui Chúa Giê-xu hướng đến để sẵn sàng chịu hổ nhục và chịu chết. Đó là giải thưởng của Chúa Giê-xu ở cuối cuộc đua.

Người tin Chúa là người đang tham dự cuộc đua, cần nhìn xem gương của Chúa Giê-xu và tùy thuộc nơi Ngài để tiếp tục chạy vì biết rằng Ngài đã chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục vì chúng ta. Nhìn gương của Chúa Giê-xu, chúng ta được khích lệ và kiên trì trong cuộc chạy (O’Brien, trang 458)

Đây là điều tác giả muốn nói trong câu tiếp theo:

Vậy, anh em hãy nghĩ đến Đấng đã chịu sự đối nghịch của kẻ tội lỗi dường ấy, hầu cho khỏi bị mỏi mệt sờn lòng (c. 3)