Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 34

“CHÚA SỬA PHẠT KẺ NGÀI YÊU” (12:4-11)

4 Anh em chống trả với tội ác còn chưa đến nỗi đổ huyết. 5 Lại đã quên lời khuyên anh em như khuyên con, rằng:

Hỡi con, chớ dể ngươi sự sửa phạt của Chúa,

Và khi Chúa trách, chớ ngã lòng.

6 Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu,

Hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt. 

7 Ví bằng anh em chịu sửa phạt, ấy là Đức Chúa Trời đãi anh em như con, vì có người nào là con mà cha không sửa phạt? 8 Nhưng nếu anh em được khỏi sự sửa phạt mà ai nấy cũng phải chịu, thì anh em là con ngoại tình, chớ không phải con thật.

9 Cha về phần xác sửa phạt, mà chúng ta còn kinh sợ thay, huống chi Cha về phần hồn, chúng ta há chẳng càng nên vâng phục lắm để được sự sống sao? 10 Vả, cha về phần xác theo ý mình mà sửa phạt chúng ta tạm thời, nhưng Đức Chúa Trời vì ích cho chúng ta mà sửa phạt, để khiến chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết Ngài. 11 Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy.

1. Tác giả hàm ý điều gì khi nói: “Anh em chống trả với tội ác còn chưa đến nỗi đổ huyết” (c. 4)?

2. Xin giải thích “dể ngươi” và “ngã lòng” (c. 5).

3. “Sửa phạt” (c. 6a) nghĩa là gì?

4. Câu 7-8 dạy chúng ta chân lý gì?

5. Xin so sánh sự sửa phạt giữa “cha về phần xác” và “Cha về phần hồn” (c. 9-10).

6. Xin cho biết lợi ích của sửa phạt (c. 11).

 

Câu cuối cùng của phần trên kêu gọi độc giả:

Vậy, anh em hãy nghĩ đến Đấng đã chịu sự đối nghịch của kẻ tội lỗi dường ấy, hầu cho khỏi bị mỏi mệt sờn lòng (c. 3)

Điều nầy hàm ý họ đang gặp phải sự chống nghịch của tội lỗi, tức là bị những người tội lỗi chống lại họ. Họ cần được khích lệ để không lui bước. Trước hết, tác giả nhắc họ nhớ rằng:

Anh em chống trả với tội ác còn chưa đến nỗi đổ huyết (c. 4)

Đổ huyết nói đến sự chết hay rõ ràng hơn, nói đến cái chết của Chúa Giê-xu (cái chết thập tự giá, c. 2b). Độc giả Thư Hê-bơ-rơ đang bị nhiều chống đối, bách hại, khó khăn (10:32-34; 13:3) nhưng tác giả nhắc họ rằng dù gặp bắt bớ, khó khăn đến đâu cũng chưa đến nỗi phải bỏ mạng. Ý ông muốn nói với họ là, họ đang gặp bắt bớ, khó khăn thật nhưng hãy nghĩ đến Chúa Giê-xu đã chịu khổ đến nỗi phải bỏ mạng, cho nên sự chịu khổ của họ rất nhỏ so với việc Chúa Giê-xu phải chịu khổ đến chết. Ông bảo họ phải suy nghĩ như vậy để không chán nản hay ngã lòng.

Mặc khác, tác giả viết:

Lại đã quên lời khuyên anh em như khuyên con, rằng:

Hỡi con, chớ dể ngươi sự sửa phạt của Chúa,

Và khi Chúa trách, chớ ngã lòng.

Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu,

Hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt (c. 5-6)

Đây là lời trích từ Châm Ngôn 3:11-12 (theo bản Bảy Mươi LXX) nhằm nhắn nhủ độc giả rằng, lý do họ đang phải chịu gian khổ có thể là một hình thức kỷ luật của Chúa, vì vậy họ không nên ngã lòng.

Vấn đề ở đây là sửa phạt (kỷ luật), không phải hình phạt. Sửa phạt hay kỷ luật (paideia) nhằm mục đích dạy dỗ, giúp chúng ta cải thiện để trở nên người tốt.

Người chịu kỷ luật là người được yêu thương (Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu) và là con thật của Chúa (Hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt). Tác giả giải thích thêm như sau:

Ví bằng anh em chịu sửa phạt, ấy là Đức Chúa Trời đãi anh em như con, vì có người nào là con mà cha không sửa phạt? Nhưng nếu anh em được khỏi sự sửa phạt mà ai nấy cũng phải chịu, thì anh em là con ngoại tình, chớ không phải con thật (c. 7-8)

Tác giả cho thấy, vì được yêu thương và vì là con thật của Chúa mà chịu sửa phạt nên chúng ta không dể ngươi (“xem thường,” BHĐ) và cũng không ngã lòng (c. 5b).

 

 

 

 

Tác giả so sánh người cha về phần xác với Đức Chúa Trời (người Cha về phần hồn) như sau:

 

CHA VỀ PHẦN XÁC

CHA VỀ PHẦN HỒN

Kính sợ

Càng nên vâng phục

Theo ý mình

Vì ích cho chúng ta

Sửa phạt tạm thời

Khiến chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết Ngài

 

Và ông kết luận:

Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy (c. 11)

Nếu xem những khổ nạn, khó khăn trong đời sống là kỷ luật của Chúa sẽ giúp chúng ta thêm vững chí và có hy vọng. Kỷ luật của Chúa có thể khiến chúng ta đau đớn lúc đầu, nhưng kết quả sẽ là công chính và bình an. Tác giả gọi đó là phần thưởng cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy (c. 11b). Chúng ta phải coi khổ nạn, khó khăn trong đời sống là một phần của tiến trình luyện tập. Luyện tập có gian khổ, kết quả mới đầy trọn.