Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 36

SI-NAI VÀ SI-ÔN (12:18-24)

18 Anh em chẳng tới gần một hòn núi mà người ta có thể rờ đến được, cũng chẳng đến gần lửa hừng, hoặc tối tăm, hoặc âm ế, hoặc gió dữ, 19 hoặc tiếng loa thổi vang, hoặc tiếng nói kinh khiếp đến nỗi ai nghe đều nài xin đừng nói với mình nữa. 20 Vì họ không chịu nổi lời phán nầy: Dẫu loài thú vật tới gần núi nầy cũng sẽ bị ném đá. 21 Lại cảnh trạng đó rất kinh khiếp, đến nỗi Môi-se nói rằng: Ta thật sợ sệt và run rẩy cả người. 

22 Nhưng anh em đã tới gần núi Si-ôn, gần thành của Đức Chúa Trời hằng sống, tức là Giê-ru-sa-lem trên trời, gần muôn vàn thiên sứ nhóm lại, 23 gần Hội Thánh của những con trưởng được ghi tên trong các từng trời, gần Đức Chúa Trời, là quan án của mọi người, gần các linh hồn người nghĩa được vẹn lành, 24 gần Đức Chúa Jêsus, là Đấng trung bảo của giao ước mới, và gần huyết rưới ra, huyết đó nói tốt hơn huyết của A-bên vậy. 

 

1. Xin cho biết câu 18a và câu 22a khác nhau thế nào? Nói lên điều gì?

2. Xin đọc Xuất Ê-díp-tô ký 19:10-25 và giải thích những điều được nói đến trong câu 18-21.

3. Xin cho biết những điều nói về núi Si-ôn (c. 22-24) và ý nghĩa mỗi điều.

4. Tác giả đối chiếu giữa núi Si-nai (c. 18-21) và núi Si-ôn (c. 22-24) với mục đích gì?

 

Thư Hê-bơ-rơ nói lên sự cao trọng và những điều tốt hơn so với giao ước cũ. Tất cả những cao trọng và tốt đẹp hơn đó được tóm tắt lại trong hình ảnh hai ngọn núi: Si-nai (c. 18-21) và Si-ôn (c. 22-24). Si-nai tượng trưng cho luật pháp và Si-ôn cho sự cứu rỗi qua Chúa Giê-xu.

Núi Si-nai là nơi Đức Chúa Trời ban luật pháp cho con dân Ngài (Xuất 19-20), tượng trưng cho luật pháp. Núi Si-ôn là nơi thành Giê-ru-sa-lem được xây cất (II Sa. 5:6-7), hình bóng của Giê-ru-sa-lem đời đời trên trời (Ga-la-ti 4:26). Núi Si-ôn nói lên những điều Chúa Giê-xu đã thực hiện và ban cho chúng ta qua sự chết của Ngài (c. 24).

Mỗi phần trong Thư Hê-bơ-rơ so sánh giữa luật pháp và những điều Chúa Giê-xu đã làm, giờ đây được tóm tắt với lời mô tả về hai ngọn núi.

Núi Si-nai và núi Si-ôn được đối chiếu với nhau bằng hai lời mở đầu khác nhau:

·      Đối với núi Si-nai: Anh em CHẲNG TỚI GẦN một hòn núi (c. 18a).

·      Đối với núi Si-ôn: Anh em ĐÃ TỚI GẦN núi Si-ôn (c. 22a).

Tới gần là chữ được nhắc đến nhiều lần trong Thư Hê-bơ-rơ (4:16; 7:25; 10:1; 10:22; 11:6) nói đến việc con người bước vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời thánh khiết. Núi Si-nai, nơi ban bố luật pháp, rất kinh khiếp, không ai có thể đến gần. Ngay cả Môi-se cũng nói: Ta thật sợ sệt và run rẩy cả người (c. 21b).

Núi Si-ôn nói đến những điều Chúa Giê-xu đã thực hiện qua sự chết của Ngài, nhờ đó chúng ta có thể dạn dĩ đến với Đức Chúa Trời (10:22).

 

 

 

Tác giả dựa trên Phục truyền luật lệ ký 4:11 và Xuất Ê-díp-tô ký 19:16-25 để mô tả núi Si-nai như sau (c. 18-21, Bản Hiệu Đính):

o  Không thể đụng đến

o  Có lửa hừng

o  Tối tăm

o  U ám

o  Gió lốc

o  Tiếng kèn vang

o  Tiếng nói mà ai nghe đều nài xin đừng tiếp tục nói với mình nữa

o  Thú vật đến gần cũng bị ném đá

o  Kinh khiếp

o  Môi-se nói: “Tôi kinh hãi và run rẩy

Đây là một hình ảnh hãi hùng mà tác giả nhấn mạnh: “Anh em KHÔNG ĐẾN GẦN một hòn núi” như vậy! Điều nầy cho độc giả thấy rằng họ đã được giải thoát, không còn phải sống dưới hệ thống luật pháp như vậy nữa.

Đối lại, tác giả nói về núi Si-ôn như sau (c. 22-24, BHĐ):

o  Gần thành của Đức Chúa Trời hằng sống, tức là Giê-ru-sa-lem trên trời

o  Gần muôn nghìn thiên sứ đang quây quần vui vẻ

o  Gần Hội Thánh của những con trưởng được ghi tên trong các tầng trời

o  Anh em đến gần Đức Chúa Trời là Đấng Phán Xét mọi người

o  Gần các linh hồn người công chính được trọn lành

o  Gần Đức Chúa Giê-xu, Đấng Trung Gian của giao ước mới

o  Gần huyết rưới ra, là huyết tốt hơn huyết của A-bên vậy

Hội Thánh của những con trưởng (c. 23a) nói đến tất cả những người tin Chúa trong mọi thời đại. Con dân Chúa được gọi là con trưởng của Chúa (Xuất 4:22). Chúa Giê-xu được gọi là “Con cả ở giữa nhiều anh em” (Rô-ma 8:29b). Chúa Giê-xu gọi những người Ngài cứu chuộc là “anh em” (2:11-13). Vì được liên kết với Chúa Giê-xu như vậy nên chúng ta thuộc về Hội Thánh của những con trưởng.

Được ghi tên trong các tầng trời (c. 23b) là điều dành cho những người thuộc về Chúa (Lu-ca 10:20; Phi-líp 4:3; Khải Huyền 21:27).

Các linh hồn người công chính được trọn lành (c. 23c) chỉ về những người tin Chúa đã qua đời nhưng đang sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời

Huyết rưới ra (c. 24b) nói đến sự chết của Chúa Giê-xu để cứu chúng ta.

Huyết đó nói tốt hơn huyết của A-bên (c. 24c) nghĩa là A-bên phải chịu đổ huyết, chịu chết (Sáng thế ký 4:10) dù không làm điều gì tội lỗi. Chúa Giê-xu cũng đổ huyết, chết cái chết của một người vô tội nhưng cái chết của Ngài có giá trị, cứu chuộc toàn nhân loại còn cái chết của A-bên, máu A-bên đổ ra chỉ là việc cá nhân. Sự chết của Chúa (huyết của Chúa) nói tốt hơn, nghĩa là có ý nghĩa hơn sự chết của A-bên (huyết của A-bên) là như vậy.

Tác giả Thư Hê-bơ-rơ đã khéo léo tóm tắt mọi chân lý được trình bày trong lá thư qua hình ảnh hai ngọn núi Si-nai và Si-ôn (c. 18-24). Si-nai nói đến luật pháp và Si-ôn nói đến ân điển. Si-nai làm cho người ta kinh khiếp, Si-ôn đem lại an ủi và khích lệ. Nơi chúng ta đến ngày nay là Si-ôn, đến với Chúa Giê-xu cùng với muôn vàn thánh đồ trải mọi thời đại để tận hưởng ơn cứu rỗi Ngài dành cho chúng ta!