Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 37

“ĐÁM LỬA HAY THIÊU ĐỐT” (12:25-29)

25 Anh em hãy giữ, chớ từ chối Đấng phán cùng mình, vì nếu những kẻ kia cự Đấng truyền lời báo cáo ở dưới đất, còn không tránh khỏi thay, huống chi chúng ta, nếu cự Đấng truyền lời báo cáo từ trên trời, thì càng không tránh khỏi được. 26 Tiếng Đấng ấy bấy giờ rúng động cả đất, hiện nay phán hứa rằng: Còn một lần nữa, ta sẽ chẳng những rúng động đất mà thôi, nhưng cũng rúng động trời nữa. 27 Vả, trong những chữ: Còn một lần nữa, tỏ ra rằng các vật hay bị rúng động, vì là những vật đã chịu dựng nên, sẽ bị cất đi, hầu cho những vật không hề rúng động được còn lại.

28 Như vậy, vì chúng ta có phần trong một nước không hay rúng động, nên hãy cảm ơn, hầu cho lấy lòng kính sợ hầu việc Đức Chúa Trời một cách đẹp lòng Ngài 29 vì Đức Chúa Trời chúng ta là đám lửa hay thiêu đốt. 

1. Tác giả khuyên chúng ta điều gì trong câu 25?

2. “Từ chối Đấng phán cùng mình” (c. 25a) nghĩa là thế nào?

3. “Những kẻ kia cự Đấng truyền lời báo cáo ở dưới đất” (c. 25b) chỉ về ai?

4. “Còn một lần nữa” (c. 26-27) hàm ý gì?

5. “Nước không hay rúng động” (c. 28a) chỉ về gì?

6. Tác giả khuyên chúng ta điều gì trong câu 28?

7. “Đức Chúa Trời chúng ta là đám lửa hay thiêu đốt” (c. 29) hàm ý gì?

 

Chủ đề của Thư Hê-bơ-rơ là Chúa Giê-xu, Đấng cao trọng, tuyệt đích của sự cứu rỗi. Ngoài chủ đề nầy, tác giả cũng đưa ra những lời cảnh báo và kêu gọi (như là những phần thêm vào trong ngoặc) nói về những nguy cơ trong đời sống người tin Chúa:

1. Nguy cơ bị trôi lạc (2:1-4)

2. Nguy cơ của lòng không tin (3:7-19)

3. Nguy cơ bội đạo (6:4-8)

4. Nguy cơ cố ý phạm tội (10:26-31)

5. Nguy cơ khước từ (12:25-29)

Nguy cơ khước từ (c. 25-29) là lời kêu gọi và cảnh báo cuối cùng trong lá thư. Tác giả bắt đầu phần nầy như sau:

Anh em hãy giữ, chớ từ chối Đấng phán cùng mình, vì nếu những kẻ kia cự Đấng truyền lời báo cáo ở dưới đất, còn không tránh khỏi thay, huống chi chúng ta, nếu cự Đấng truyền lời báo cáo từ trên trời, thì càng không tránh khỏi được (c. 25)

Lời khuyên của tác giả là Chớ từ chối Đấng phán cùng mình (c. 25a). Từ chối nghĩa là khước từ. Đấng phán cùng mình là Đức Chúa Trời. Tác giả đối chiếu hai trường hợp:

Khước từ:

o  Đấng truyền lời báo cáo ở dưới đất (c. 25b)

o  Đấng truyền lời báo cáo từ trên trời (c. 25c)

Khước từ Đấng truyền lời báo cáo ở dưới đất nói đến trường hợp con dân Chúa trong sa mạc. Khước từ Đấng truyền lời báo cáo từ trên trời nói đến độc giả Thư Hê-bơ-rơ và chúng ta hôm nay. Tương tự như trong 2:2-3a, lời cảnh cáo nầy cho thấy tính cách nghiêm trọng hơn nếu chúng ta khước từ Chúa hôm nay: Còn không tránh khỏi thay, huống chi

Ý tác giả muốn nói là ngày xưa, khi đi trong sa mạc, con dân Chúa đã khước từ Chúa khi thiếu lòng tin nơi Chúa và bị hình phạt thể nào thì ngày nay cũng vậy, nếu khước từ Chúa, chúng ta chắc chắn không thể nào thoát khỏi hình phạt của Ngài.

Lời báo cáo nghĩa là lời cảnh cáo đến từ Đức Chúa Trời, con dân Chúa nghe lời cảnh cáo đó từ Môi-se (ở dưới đất). Còn bây giờ, độc giả Thư Hê-bơ-rơ và chúng ta nghe lời đó từ trời qua sự mạc khải của Ngài, chúng ta phải cẩn trọng hơn để tiếp nhận và không khước từ.

Tác giả trích sách tiên tri A-ghê 2:6 và viết:

Tiếng Đấng ấy bấy giờ rúng động cả đất, hiện nay phán hứa rằng: Còn một lần nữa, ta sẽ chẳng những rúng động đất mà thôi, nhưng cũng rúng động trời nữa (c. 26)

Đây là lời của tiên tri A-ghê khi đền thờ tại Giê-ru-sa-lem được tái thiết sau thời kỳ lưu đày cho thấy quyền năng của Đức Chúa Trời đã được thể hiện như thế nào.

Tiếng Đấng ấy bấy giờ rúng động cả đất nói đến quang cảnh ghi trong Xuất 19. Và tiên tri A-ghê cho biết, Đấng đã làm rúng động cả đất bằng tiếng nói của Ngài tại núi Si-nai sẽ một lần nữa… chẳng những rúng động đất mà thôi, nhưng cũng rúng động trời nữa (c. 26b). Tác giả nhấn mạnh:

Vả, trong những chữ: Còn một lần nữa, tỏ ra rằng các vật hay bị rúng động, vì là những vật đã chịu dựng nên, sẽ bị cất đi, hầu cho những vật không hề rúng động được còn lại (c. 27)

Ông muốn đối chiếu giữa những gì trường tồn vĩnh cửu ở thiên đàng (những vật không hề rúng động) với những điều ở hạ giới (các vật hay bị rúng động). Còn một lần nữa (c. 27a) cho thấy Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ làm điều đó như Ngài đã làm trong quá khứ.

Để kết luận, tác giả viết:

Như vậy, vì chúng ta có phần trong một nước không hay rúng động, nên hãy cảm ơn, hầu cho lấy lòng kính sợ hầu việc Đức Chúa Trời một cách đẹp lòng Ngài 29 vì Đức Chúa Trời chúng ta là đám lửa hay thiêu đốt (c. 28-29)

Tác giả nhắc cho độc giả và chúng ta nhớ rằng, Chúng ta có phần trong một nước không hay rúng động (c. 28a) nghĩa là chúng ta thuộc về vương quốc thiên đàng, cho nên, hai điều chúng ta cần làm là:

(1) Cảm ơn (c. 28b)

(2) Lấy lòng kính sợ hầu việc Đức Chúa Trời một cách đẹp lòng Ngài (c. 28c)

Người tin Chúa là người sống với lòng cảm tạ và biết ơn vì những gì Chúa đã làm cho chúng ta và cũng vì Chúa cho chúng ta được thuộc vào vương quốc của Ngài.

Người tin Chúa cũng là người sống để hầu việc Đức Chúa Trời. Thái độ hầu việc là kính sợ và động cơ hầu việc là làm để đẹp lòng Chúa.

Tác giả kết thúc với câu:

Vì Đức Chúa Trời chúng ta là đám lửa hay thiêu đốt (c. 29)

Đây là phân đoạn cảnh báo bắt đầu với câu: Hãy giữ (“Hãy cẩn trọng,” BHĐ) và kết thúc với lời mô tả về bản chất của Đức Chúa Trời: Ngài là đám lửa hay thiêu đốt. 

Lửa nói lên sự thánh khiết và sự phán xét công minh của Đức Chúa Trời. Điều nầy nhằm nhắc nhở độc giả và chúng ta không được coi thường lời phán và những lời cảnh báo của Ngài trong lá thư nầy nhưng phải cẩn thận làm theo.