Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 39

KÍNH TRỌNG HÔN NHÂN (13:4-8)

4 Mọi người phải kính trọng sự hôn nhân, chốn khuê phòng chớ có ô uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ dâm dục cùng kẻ phạm tội ngoại tình.

5 Chớ tham tiền! Hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu. 6 Như vậy, chúng ta được lấy lòng tin chắc mà nói rằng:

Chúa giúp đỡ tôi, tôi không sợ chi hết.

Người đời làm chi tôi được? 

7 Hãy nhớ những người dắt dẫn mình, đã truyền đạo Đức Chúa Trời cho mình. Hãy nghĩ xem sự cuối cùng đời họ là thể nào và học đòi đức tin họ.

8 Đức Chúa Giê-xu Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi.

1. Thế nào là “kính trọng hôn nhân” (c. 4a)?

2. “Dâm dục” và “ngoại tình” (c. 4b) khác nhau thế nào?

3. “Hãy lấy điều mình có làm đủ rồi” (c. 5b) nói lên thái độ gì trong đời sống?

4. Tác giả dựa vào đâu để bảo chúng ta không tham tiền và sống thỏa lòng (c. 5b-6)?

5. Chúng ta làm gì để “nhớ những người dắt dẫn mình” (c. 7)?

6. Tại sao đặc tính không thay đổi của Chúa Giê-xu (c. 8) được nhắc đến trong phần nầy?

 

Những lời khuyên tiếp theo liên quan đến tình và tiền. Đây là hai tội đứng hàng đầu trong mọi thời đại mà người tin Chúa phải cẩn thận giữ mình.

Mọi người phải kính trọng sự hôn nhân, chốn khuê phòng chớ có ô uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ dâm dục cùng kẻ phạm tội ngoại tình (c. 4)

Kính trọng hay “tôn trọng” (BHĐ) mang ý nghĩa có giá trị cao, đây là từ thường được dùng để nói về đá quý. Lời khuyên nầy vì vậy kêu gọi chúng ta phải trân quý hôn nhân, coi đây là món quà quý Đức Chúa Trời ban cho con người.

Chốn khuê phòng (“loan phòng,” BHĐ) nghĩa đen là cái giường của vợ chồng, nói đến sự chung đụng thân xác trong hôn nhân. Ô uế ngược lại với thánh khiết, hàm ý quan hệ thân xác trong hôn nhân là điều được Đức Chúa Trời chúc phước. Những quan hệ ngoài hôn nhân đều là ô uế, tội lỗi. Tác giả nghiêm nghị cảnh cáo điều nầy:

Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ dâm dục cùng kẻ phạm tội ngoại tình (c. 4b)

Dâm dục (“gian dâm,” BHĐ) nói đến những quan hệ tình dục giữa những người không có gia đình. Ngoại tình là những quan hệ ngoài hôn nhân của những người đã có gia đình, không trung thành với vợ hay chồng của mình. Cả hai trường hợp chắc chắn sẽ không tránh khỏi án phạt của Chúa.

Lời khuyên tiếp theo liên quan đến tiền bạc, gồm hai phần:

·      Tiêu cực: Chớ tham tiền (c. 5a)

·      Tích cực: Hãy lấy điều mình có làm đủ rồi (c. 5b)

Chớ tham tiền trong nguyên văn là “Đừng yêu tiền.” Có ba động từ liên quan đến “yêu” trong phân đoạn nầy:

o   Yêu anh em (philadelphia): c. 1

o   Yêu khách lạ (philaxenia): c. 2

o   Yêu tiền (philargyria): c. 5

Điều nầy ngụ ý, người thiếu tình yêu thương anh em và lòng hiếu khách (yêu khách lạ) hẳn là người chỉ biết yêu bạc tiền! Lời dạy của Chúa Giê-xu trong Ma-thi-ơ 6:24 cho thấy hai điều người tin Chúa phải quyết định chọn cho mình là Đức Chúa Trời hay tiền bạc. Chúng ta chỉ có thể hoặc là yêu Chúa hoặc là yêu tiền bạc. Yêu tiền bạc cho thấy chúng ta thiếu lòng tin cậy Đức Chúa Trời là Đấng chăm sóc và chu cấp cho mình (Ma-thi-ơ 6:25-34).

Đối lại với lòng tham tiền bạc, tác giả khuyên:

Hãy lấy điều mình có làm đủ rồi (c. 5b)

Đây là lời khuyên sống thỏa lòng tương tự như trong I Ti-mô-thê 6:8. Chúng ta sống thỏa lòng với những gì mình có dựa trên lời hứa:

Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu (c. 5b)

Lời nầy trích từ Phục truyền luật lệ ký 31:6 và Giô-suê 1:5. Lời hứa nầy nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện thường xuyên của Chúa với chúng ta, do đó chúng ta tin cậy nơi Chúa để sống mỗi ngày không lo lắng nhưng thỏa lòng.

Tiếp theo, tác giả trích Thi thiên 118:6 như là đáp ứng của chúng ta trước lời hứa của Chúa:

Như vậy, chúng ta được lấy lòng tin chắc mà nói rằng: Chúa giúp đỡ tôi, tôi không sợ chi hết. Người đời làm chi tôi được? (c. 6)

Đây cũng phải là đáp ứng của chúng ta trước lời hứa của Chúa để sống thỏa lòng, không lo lắng, không chạy theo bạc tiền.

Sau hai lời khuyên liên quan đến tình và tiền, tác giả kêu gọi chúng ta theo gương những người lãnh đạo tinh thần đã đi trước chúng ta:

Hãy nhớ những người dắt dẫn mình, đã truyền đạo Đức Chúa Trời cho mình. Hãy nghĩ xem sự cuối cùng đời họ là thể nào và học đòi đức tin họ (c. 7)

Theo 2:3b, độc giả Thư Hê-bơ-rơ là những người thuộc thế hệ thứ hai (có những kẻ nghe chứng nghiệm nó cho chúng ta). Những người dắt dẫn mình nghĩa là người lãnh đạo, nói đến các trưởng lão được các sứ đồ bổ nhiệm tại các Hội Thánh địa phương (Công vụ 14:23). Những người nầy đã truyền đạo Đức Chúa Trời cho họ (c. 7a): “Truyền giảng lời Đức Chúa Trời cho mình” (BHĐ).

Ba điều tác giả bảo độc giả phải làm là nhớ, nghĩ xemhọc đòi.

o  Nhớ hàm ý nhắc nhở chính mình.

o  Nghĩ xemnghĩ xem sự cuối cùng đời họ là thể nào (“xét xem kết quả cuộc đời họ,” BHĐ).

o  Học đòi nghĩa là học đòi đức tin: “Bắt chước đức tin họ,” BHĐ).

Đây cũng là những điều chúng ta cần làm khi nhìn vào những anh hùng đức tin đi trước chúng ta trong Kinh Thánh cũng như trong lịch sử Hội Thánh.

Phần nầy kết thúc với câu:

Đức Chúa Giê-xu Christ hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi.

Câu nầy nói lên tính cách bất biến của Chúa Giê-xu, cũng là một thuộc tính của Đức Chúa Trời. Điều nầy nhắc độc giả nhớ rằng, những người lãnh đạo đi trước đã tin cậy nơi Chúa Giê-xu và sống thể nào thì ngày nay người tin Chúa cũng cần sống như vậy vì Chúa Giê-xu không bao giờ thay đổi. Câu nầy cũng hàm ý dù những người lãnh đạo không còn, Chúa Giê-xu vẫn còn đó, không thay đổi và sẽ cùng đi với họ cho đến cuối cuộc đời.