Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 13

Chúa Cứu Thế Giê-xu

“... máu của Chúa Cứu Thế Giê-xu Con Ngài ( hay, huyết của Đức Chúa Giê-xu, con Ngài)... I Giăng 1:7

Nhiệm vụ của người truyền giảng đạo Chúa trong bất cứ thời nào, hoàn cảnh nào và nơi nào vẫn phải là trình bầy về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nhưng chúng ta cũng cần thường xuyên tự nhắc nhở mình về những sự kiện và những chi tiết về Chúa Cứu Thế mà chúng ta hay cho là mình đã biết tất cả rồi. ”Máu của Chúa Cứu Thế Giê-xu, Con Ngài...”, câu ngắn ngủi này đã tóm tắt giáo lý chính dạy trong Tân Ước.

Những lá thư trong Kinh Tân Ước không phải viết để mà viết, vì không phải do những người văn chương lỗi lạc hay ưa văn chương muốn sáng tác văn để lại cho đời. Các lá thư này viết ra vì hoàn cảnh Hội Thánh còn ấu thơ lúc ban đầu, mục đích chính là chăn sóc đức tin cho các tín hữu. Ngay lá thư Giăng thứ nhất mà chúng ta đang nghiên cứu đây cũng là để chăm sóc như vậy.

Giăng quan tâm rất nhiều về việc hiểu thấu giáo lý liên quan đến Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đây có thể cũng là động lực chính thúc đẩy ông viết thư này. Trong bức thư này Giăng thường hay đề cập đến điều mà ông gọi là ”nghịch lại Chúa Cứu Thế” hay là ”kẻ địch lại Đấng Christ.” Giăng dùng lời lẽ rất nặng, gọi những người viết về giáo lý chống lại Chúa Cứu Thế là dối trá, và đối với ông, chúng ta phải hoàn toàn hiểu rõ không nghi ngờ, không ngần ngại gì hay mập mờ về con người của Chúa Giê-xu người Na-xa-rét, con Đức Thượng Đế.

Chúa Cứu Thế Giê-xu là chủ đề của toàn bộ Kinh Tân Ước. Chúng ta cũng cần cẩn thận để không bao giờ tách rời giáo lý ra khỏi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Vì khi chỉ chú trọng về giáo lý mà bỏ quên Chúa Giê-xu là đã làm công việc vô ích. Vì Cơ Đốc Giáo hay đạo Chúa không phải là một tư tưởng hay một đề nghị, cũng không phải là một triết lý. Cơ Đốc Giáo là trình bầy về một người, đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu, không có con người ấy, chúng ta chẳng còn gì nữa cả.

Dĩ nhiên tất cả những lời dạy về luân lý, đạo đức, các tư tưởng cao đẹp về đời sống đều rất tốt và hữu ích, nhưng đó không phải là Cơ Đốc Giáo. Vì khi không bắt đầu với con người của Chúa Giê-xu, không rõ về Ngài, thì không còn gì nữa cả. Không có tin mừng nào để loan, không có tin lành nào để báo cả. Cuộc đời nhân loại sẽ không làm gì có hi vọng. Vì không có Chúa Giê-xu thì chúng ta cũng như mọi người, đang cùng sống trong thế gian tối tăm và tình trạng càng ngày càng tối tăm hơn, xấu xa hơn mà thôi.

Người ta thường nói rằng Cơ Đốc Giáo là Chúa Giê-xu, vì tất cả đều tập trung vào Chúa Giê-xu. Mỗi giáo lý, mỗi ý niệm mà chúng ta có là đều do từ Chúa Giê-xu cả. Vì vậy bắt đầu với Chúa Giê-xu là đúng nhất. Giăng đã làm như thế ngay trong bức thư này.

Ngay những câu mở đầu, Giăng đã nói: ”Điều có từ ban đầu, là điều chúng tôi đã nghe, mắt đã thấy, đã nhìn ngắm và tay đã đụng chạm, chính là Lời Sống...” ”Điều” mà Giăng nói ở đây chính là Chúa Giê-xu. Giăng khởi đầu với giáo lý về một người. Vì toàn bộ sứ điệp của Giăng là nói về mối tương giao giữa người tin Chúa và Thượng Đế qua trung gian là Chúa Giê-xu. Chỉ một mình Chúa Giê-xu mới khiến chúng ta có được tương giao huyền nhiệm này.

Như vậy Chúa Giê-xu là một gạch nối duy nhất giữa chúng ta và Thượng Đế, vì vậy việc hiểu rõ Chúa Cứu Thế chắc chắn phải đặt ở hàng ưu tiên. Ngay những câu đầu tiên của bức thư Giăng thứ nhất, tác giả đã sửa lại một vài điều không đúng về Chúa Giê-xu trong thời đó. Trong suốt bức thư, Giăng nhắc đi nhắc lại nhiều lần giáo lý về Chúa giê-xu, vì có lẽ chính giáo lý này thường gây khó khăn trong giáo hội. Ta cần phải nắm vững giáo lý về Chúa Giê-xu, nếu không ta chẳng còn gì làm căn bản nữa.

Câu Kinh Thánh ”...máu của Chúa Cứu Thế Giê-xu, con Ngài...” trước tiên nhắc chúng ta nhớ về nguồn gốc đức tin của mình. Đức tin của chúng ta quan hệ đến Chúa Giê-xu, một nhân vật có thật trong lịch sử loài người. Các triết gia Hi-lạp ngày xưa nói rất nhiều về ”tư tưởng” của họ. Họ khởi đầu như các đại tư tưởng xuất phát từ trời, rồi những tư tưởng ấy làm thế nào đó nhập thế, nhưng đó chỉ là trong lĩnh vực tư tưởng. Triết gia chỉ nói về tư tưởng, và nhiều khi người tin Chúa cũng vội chạy theo lối suy nghĩ này.

“... Chúa Cứu Thế Giê-xu, con Ngài...”câu này không phải là một tư tưởng triết học, cũng không phải một ý niệm, nhưng là một sự kiện, một thực sự, là vinh quang của đức tin chúng ta. Đây là một điều dựa trên một loạt những việc xảy ra và những biến cố. Vì tên Giê-xu làm chúng ta nhớ đến hài nhi Giê-xu sinh ra tại Bết-lê-hem trong một chuồng bò chiên và được mẹ đặt nằm trong máng cỏ; Giê-xu là tên một em bé đã sinh ra đời thật sự; thiếu niên Giê-xu là nhân vật có thật từng lý luận với các bậc trưởng lão trong đền thờ; thanh niên Giê-xu sau này làm nghề mộc trong làng Na-xa-rét mà nhiều người quen biết. Giê-xu là nhân vật có thật chứ không phải một ý niệm hay huyền thoại.

Thế rồi có ba năm quan trọng trong lịch sử nhân loại, đó là ba năm Chúa Giê-xu ra đời phục vụ. Chúa Giê-xu đã đi tới đi lui, đi lên đi xuống khắp vùng Palestine, vừa đi vừa giảng dạy, thực hành các phép lạ và tiếp xúc với dân chúng. Lịch sử cũng ghi lại đầy đủ như thế, cũng xác thục và chắc chắn như năm 55 Trước C.N. khi Julius Ceasar chinh phục nước Anh, thực như trận giặc đánh đuổi quân nhà Hán của hai bà Trưng cũng xảy ra gần đồng thời với thời gian Chúa ra đời phục vụ. Chúa Giê-xu, nhân vật lịch sử ấy đã bị hành hình trên thập giá, bị chôn và phục sinh rồi thăng thiên. Tất cả đều là sự thật trong lịch sử và có nhiều nhân chứng hơn bất cứ sự kiện nào khác.

Nhiều người ngày nay chưa biết rõ những sự kiện lịch sử về cuộc đời Chúa Giê-xu vội cho rằng niềm tin Cơ đốc là huyền hoặc, nhưng những người ấy không thể nào chối cãi được sự thực và các bằng chứng. Về một phương diện, những người chống báng Cơ Đốc Giáo mới là những người mơ hồ và không căn cứ vào sự thực.

Kinh nghiệm thực ra cũng chưa phải là bằng chứng về niềm tin và sự thực hữu. Chúng ta có kinh nghiện với Chúa, nhưng chúng ta còn có những điều hơn thế nữa. Vì kinh nghiệm hay xúc cảm có thể đến rồi đi, nhưng Chúa Giê-xu là con người đã vào dòng lịch sử loài người, và sự kiện ấy không thể bỏ đi được.

Chúa Giê-xu là ai? Câu trả lời: Con Thượng Đế. Giê-xu không phải là người thợ mộc tầm thường ở Na-xa-rét, nhưng là con Thượng Đế. Nói đến con trai của Thượng Đế là phải nghĩ đến huyền nhiệm giáng sinh và thành nhục thể. Sứ đồ Phao-lô đã diễn tả sự kiện này trong Phi-líp 2:5-11 như sau: ”Anh em hãy có tinh thần giống Chúa Cứu Thế: Chúa vốn có bản thể của Thượng Đế, nhưng không tham quyền cố vị, là quyền bình đẳng với Thượng Đế. chúa tình nguyện từ bỏ tất cả, mang thân thể con người, cam chịu thân phận người nô lệ. Chúa đã xuất hiện như một người khiêm tốn, đi con đường vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. chính vì thế, Thượng Đế đưa Ngài lên tột đỉnh, ban cho Ngài danh vị cao cả tuyệt đối. để dù ai ở trên trời, dưới đất hay dưới vực thẳm không gian, mỗi khi nghe đến danh Chúa Giê-xu, tất cả đều quỳ gối tung hô, tuyên xưng Ngài là Chúa tể vũ trụ và tôn vinh Thượng Đế là Cha.” Tất cả những lời xưng tụng này được tóm tắt trong một câu gọn là: Chúa Giê-xu, Con Thượng Đế. Hài nhi tại Bết-lê-hem khi xưa chính là Con Thượng Đế.

Chúng ta không hiểu được việc nhập thể của Chúa Giê-xu mà cũng không thể nào mường tượng ra nổi. Nhưng đó là hình ảnh mà Kinh Tân Ước tả vẽ ra. Chúng ta từng nghe có những vị vua giả dạng làm người thường đi đây đó để xem dân tình. Con người mang tên Giê-xu là vua toàn vũ trụ cũng đã vào đời âm thầm, và di chuyển như một người tầm thường. Ngài không dùng quyền hành, không sử dụng các ưu quyền, Ngài đến như một người. Ngài sống như người, nhưng vẫn là Thượng Đế. Chúa Giê-xu là Thần Nhân và cũng là Nhân Thần. Hai bản chất không lẫn lộn trong một con người. Đó là ý nghĩa của câu: Chúa Giê-xu, Con Thượng Đế.

Nhưng câu này ghi: ”...máu của Chúa Giê-xu, con Ngài....” Đây cũng là một lời chống tà thuyết về Chúa Giê-xu, cho rằng Ngài chỉ là một hồn ma không có thể xác. Máu chứng tỏ về thể xác. Chúa Giê-xu vào đời với thân xác là xương thịt và máu, vì Ngài là một người thật sự. Chúa Giê-xu khi từ cõi chết sống lại đã nói rằng: ”Hồn ma thì không có xương thịt, nhưng ta thì có.” Cuộc nhập thể của Chúa không phải là một ý niệm hay một tư tưởng, đó là sự thật bằng xưng bằng thịt.

Có những tà thuyết cho rằng Chúa Giê-xu sinh ra như một người thường, nhưng đến lúc Chúa chịu báp tem thì Đấng Christ vĩnh hằng nhập vào con người Giê-xu ấy. Họ nói rằng Đấng Christ sống trong Chúa Giê-xu ba năm, nhưng đến khi Ngài bị hành hình trên thập giá thì Đấng Christ lìa khỏi Ngài. Như thế Con Thượng Đế không bao giờ chết cả, chỉ có con người Giê-xu chết mà thôi. Xin xác nhận, đây là lối giải thích của tà giáo, chúng ta không thể chấp nhận vì Giăng dạy rõ: ”...máu của Chúa Giê-xu, Con Ngài tẩy sạch mọi lội lỗi chúng ta.” Máu của một người không thể nào làm việc thanh tẩy tội, máu của chiên hay bò cũng vậy. Chính con Thượng Đế đã sinh ra và đã chịu tử hình trên thập giá đổ máu ra. Chính dòng máu đó đã mua chuộc sự tha thứ, đền tội và cho chúng ta được tái hợp với Thượng Đế và cửa trời mở ra cho chúng ta là những người tin vào dòng máu đó, bước vào. Đây là sự thật, chứ không phải lý thuyết. Điều huyền nhiệm về giáo lý Chúa Giê-xu, Con Thượng Đế vào đời làm một người và chết trên thập giá là điều không tâm trí con người nào quan niệm được, nhưng không ai có thể chối cãi, vì là sự thật. ”...máu Chúa Giê-xu, Con Ngài thanh tẩy tội lỗi chúng ta.”

Câu Thánh Kinh này còn dạy ta một điều khác nữa, đó là nói đến mục đích cuộc vào đời của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu vào đời để chết. Đây là hai sự việc không thể tách rời. Chúa vào đời để chết, vì ngoài cái chết này, không có gì cứu rỗi con người chúng ta được.

Cuộc vào đời của Chúa Cứu Thế là do tình thương. Máu Chúa Giê-xu đổ ra chứng minh tình thương của Thượng Đế đối với nhân loại phản nghịch.

Tình thương đó dành cho mỗi chúng ta là những người muốn biết hạnh phúc thật trong đời này và đời sau.