Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 29

Khôn Ngoan Thiên Thượng

Gia-cơ 1:5-6

"Hãy cầu xin Đức Chúa Trời sự khôn ngoan thì Ngài sẽ ban cho" (c. #5).

Câu hỏi suy ngẫm: Khôn ngoan thiên thượng và khôn ngoan trần gian khác nhau thế nào? Thế nào là khôn ngoan thật? Tại sao? Sự khôn ngoan này cần thiết thế nào trong hoàn cảnh thử thách? Bạn thường sử dụng loại khôn ngoan nào để đối phó với thử thách?

Khôn ngoan rất cần yếu để sống trong thử thách và hoạn nạn. Sự khôn ngoan từ trên cao này sẽ giúp tín hữu kiên nhẫn chịu đựng và tránh được những hiểm họa cám dỗ. Đây là sự khôn ngoan khác hẳn loại có xuất xứ từ trần gian mà kết quả chỉ là ghen tương, tranh cạnh, lộn lạo (Gia-cơ 3:14-16) để cốt vinh thân.

Sự khôn ngoan từ trên là một ân tứ của Đức Chúa Trời. Và vì sự khôn ngoan này đến từ trên, không do nỗ lực của con người tạo ra nên thường không lẫn lộn được. Thật ra ở một chiều sâu kinh nghiệm nào đó, tín hữu cần phải trút bỏ sự khôn ngoan từ thế gian để nhận được sự khôn ngoan do Chúa ban cho.

Trong liên hệ với diễn tiến phát triển con người Cơ Đốc nêu trên (#1:2-4) sự khôn ngoan này cần yếu để thấy và kinh nghiệm được thử thách là niềm vui trọn vẹn. Sự khôn ngoan này cũng cần để tín hữu trưởng thành (I Cô-rinh-tô 2:6).

Đức Chúa Trời hứa ban "một cách rộng rãi, không trách móc ai." Ý nghĩa ở đây là Đức Chúa Trời sẽ ban cho mà không suy tính lại, và sẽ ban cho dư dật, rất rộng rãi. Điều cần yếu là phải xin; chúng ta cần phải xin trong đức tin, không được nghi ngờ. Nan đề xin mà không được nhậm Gia-cơ đề cập trở lại ở Gia-cơ 4:2-4. Ở cả hai chỗ, lỗi ở tại người xin, không phải tại Đức Chúa Trời, Đấng ban cho. Bản chất của sự nghi ngờ ở đây không nói rõ. Có thể là nghi ngờ về điều mình xin, mà người xin có thật lòng mong muốn hay không, hoặc có thể là nghi ngờ về khả năng hay lòng sẵn sàng của Chúa. Câu #7 minh định rõ ràng hậu quả là một cảnh cáo quan trọng cho cuộc đời theo Chúa của chúng ta.

Xin cho con có được sự khôn ngoan thật của Chúa để con có thể sống mạnh mẽ và kết quả tốt cho Ngài.

(c) 2024 svtk.net