Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 16

Biết Chúa

Nếu chúng ta giữ lời răn dạy của Chúa thì việc đó chứng tỏ rằng chúng ta đã biết chúng ta biết Chúa. Ai nói biết Chúa mà không giữ lời răn dạy của Ngài là kẻ dối trá, Trong người ấy không có sự thật. Nhưng ai giữ lời Chúa, thì lòng kính mến Chúa thật là trọn vẹn trong người ấy; do đó biết mình ở trong Ngài. Ai nói ở trong Chúa thì cũng bước đi như chính Chúa đã bước đi.

1 Giăng 2:3-6

Tin Chúa là vào một đời sống mới chứ không phải chỉ là vấn đề chấp nhận một giáo lý, và vì thế, nói đến tin Chúa là phải có những điều dạy bảo cụ thể để sống và thực hiện.

Tác giả Giăng ngay từ đầu đã chú trọng vào việc tương giao với Chúa như là điều căn bản nhất trong niềm tin, và ông cũng nêu lên những chướng ngại cho việc tương giao đó.

Trong chương 2:3-6 Giăng đề cập đến một trong các chướng ngại này. Mỗi tác giả Tân Ước có những từ mà ông ta ưa dùng hơn cả. Tác giả Giăng thường chú trọng vào các từ như: biết, Ở với, giữ và bước đi. Đây cũng là những từ ông đã dùng nhiều trong Phúc Âm do ông trước tác. Các từ này có quan hệ với nhau cả và rất là thực tiễn, mục đích là để người học thấm nhuần tư tưởng và đem vào thực hành.

Tân ước thật ra không phân chia lý thuyết với thực hành, nhưng phần áp dụng bao giờ cũng phải là kết quả của phần giáo lý. Cũng như nguồn nước và con sông, dù là nguồn, là sông, nhưng vẫn chỉ là một.

Sứ đồ Giăng dạy rằng người tin Chúa phải biết một điều gì đó. Ông nói: "Việc đó chứng tỏ rằng chúng ta biết chúng ta đã biết." Giăng có ý muốn bảo rằng, người tin Chúa biết rõ là mình biết. Trong chương 5:13 ông kết luận: "Ta đã viết cho các con những điều này để cho các con biết mình có sự sống đời đời, vì các con là kẻ tin đến danh Con Đức Chúa Trời."

Phao-lô viết: "Nhưng ta chẳng hề hổ thẹn, vì biết ta đã tin Đấng nào, chắc rằng Đấng ấy có quyền phép giữ sự ta đã phó thác cho đến ngày đó."

Tại đây Sứ đồ Giăng nói về hai điều phải biết. Thứ nhất là biết Chúa Giê-xu. Ta cần minh bạch về điểm này. "Việc đó chứng tỏ rằng chúng ta biết chúng ta biết Chúa." Giăng không nói rằng chúng ta cần phải biết một số điều về Chúa, nhưng chính là biết Chúa. Trước đó Giăng vừa nói rõ về Chúa. Ngài là Đấng biện hộ cho chúng ta trướng ngôi Chúa Cha, Ngài là Đấng yhánh thiện, Ngài chuộc tội cho chúng ta và tất cả nhân loại.

Rồi Giăng bảo rằng chúng ta phải biết rằng mình biết Chúa.

Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta có biết Chúa không? Đây không phải biết một số tư liệu về Chúa, như

Chúa sinh ra trong hình hài một em bé ở Bết-lê-hem, Chúa là một thiếu niên nổi danh ở đền thờ về tài đối đáp trong một ngày nọ, Chúa lớn lên làm nghề mộc, chúng ta đã đọc tiểu sử của Chúa, biết các phép lạ Chúa từng làm. Chúng ta biết rất đầy đủ về các tư liệu này. Nhưng đó không phải là điều Giăng bảo phải biết. Chữ biết được dùng trong kinh văn này là một việc làm cá biệt, trực tiếp, và ngay tức khắc.

Cái biết mà Kinh Thánh đề cập đến không phải chỉ là sự quen biết tổng quát, bề mặt; nhưng là cái biết thân mật với một nghĩa đặc biệt; đây là quen biết riêng, thân và thích thú. Giăng dạy rằng chúng ta phải biết Chúa như thế. Cuộc tương giao, thông công của chúng ta phải có đối với Chúa Cha và Chúa Con. Trong câu này chữ Chúa hay Ngài là chỉ Chúa Giê-xu, nhưng cũng hàm ý Chúa Cha nữa. Câu hỏi đặt ra là: Tôi có biết Chúa thật không? Tôi thường cầu nguyện, dâng lên Chúa những hi vọng, nguyện ước và lo sợ nhưng có biết rằng Chúa hiệïn diện, và Chúa Giê-xu rất là thật, là gần với chính tôi không? Tôi có chuyện trò với Chúa, tương giao và thông công với Ngài không?

Điều thứ hai mà Giăng bảo chúng ta phải biết là biết mình ở trong Chúa. "Nếu chúng ta giữ lời răn dạy của Chúa thì việc đó chứng tỏ rằng chúng ta đã biết chúng ta biết Chúa. Ai nói biết Chúa mà không giữ lời răn dạy của Ngài là kẻ dối trá, Trong người ấy không có sự thật. Nhưng ai giữ lời Chúa, thì lòng kính mến Chúa thật là trọn vẹn trong người ấy; do đó biết mình ở trong Ngài. Ai nói ở trong Chúa thì cũng bước đi như chính Chúa đã bước đi."

Giăng bảo rằng chúng ta không ngừng ở chỗ chỉ biết Chúa trong ý nghĩa cá biệt, thân mật và quen thuộc, nhưng còn phải hợp nhất với Chúa nữa, đây là cuộc hợp nhất huyền nhiệm của người tin Chúa với Ngài.

Một trong những từ quan trọng của Kinh Tân Ước là Trong Chúa Cứu Thế. Trong Rô-ma chương 16 Phao-lô liệt kê ra tên những người mà ông chào thăm, một số người ông gọi là "họ ở trong Chúa Cứu Thế trước tôi". Đây là lối đề cập đến những người đã tin nhận Chúa xưa nay. Chúng ta tin Chúa là ở trong Chúa với ý nghĩa là thuộc về một thân thể mà Chúa là đầu.

Người tin Chúa Giê-xu là ở trong Chúa Giê-xu. Phúc Âm Giăng chương 15 đã diễn tả quan hệ này bằng hình ảnh cây nho và các cành. Đây là một quan hệ sống còn và hữu cơ chứ không phải cơ khí máy móc. Đây cũng là quan hệ sống thật chứ không phải chỉ lý thuyết. Giăng nhắc lại là chúng ta với Chúa có một quan hệ sống và thật, nên phải nhớ rằng chúng ta ở trong Chúa và nhờ Chúa mà sống.

Như thế người tin Chúa không phải chỉ là những người chủ trương một số tư tưởng, cũng không phải chỉ là những người biết rõ việc được tha tội; họ là những người có thể nói như Phao-lô rằng: "Hiện tôi sống, không phải là tôi nữa, nhưng Chúa Cứu Thế sống trong tôi". Những người tin Chúa biết được một phẩm chất khác của sự sống; đó là họ ở trong Chúa Cứu Thế và sự sống của Chúa Cứu Thế đã đến với họ và qua họ. Giăng bảo: "Chúng ta biết rằng chúng ta biết". Bạn có biết mình ở trong Chúa hay không? Bạn có biết chắc chắn rằng sự sống của Chúa ở trong mình chăng?