Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 17

Yêu Anh Em

Thưa anh em, tôi không viết điều răn mới nào cho anh em cả, nhưng điều răn cũ mà anh em đã có từ ban đầu. Điều răn cũ này là lời anh em đã nghe dạy từ ban đầu. Tuy nhiên đó cũng là điều răn mới tôi viết cho anh em, là điều chân thật trong Chúa và trong anh em: vì tối tăm đã tan rồi và ánh sáng thật đã soi sáng. Kẻ nào nói mình ở trong ánh sáng mà còn ghét anh em, thì vẫn còn sống trong tối tăm. Ai yêu anh em là sống trong ánh sáng, nơi người ấy chẳng có điều gì gây cho vấp phạm. Nhưng ai ghét anh em sống trong tối tăm, làm những việc tối tăm và không biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm mù mắt người.

1 Giăng 2:7-11

Năm câu Kinh Thánh kể trên phải được nghiên cứu chung vì cùng nói về một đề tài đặc biệt và quan trọng. Trước khi phân tích chi tiết, ta thử xem các câu ấy có quan hệ như thế nào với cac phần đi trước. Trước đó Sứ Đồ Giăng nói rằng dấu hiệu cuối cùng chứng tỏ một người là tín đồ của Chúa Giê-xu là người ấy đang giữ, vui giữ và sẽ còn giữ các điều răn dạy của Chúa Giê-xu. Giăng cũng nói rằng có một trắc nghiệm thực sự chắc chắn, chắc chắn hơn bất cứ kinh nghiệm, và chắc chắn hơn bất cứ xúc động nào hay cảm thức nào mà ta ý thức được. Đây là một trắc nghiệm khách quan nhưng thực sự là một chứng nghiệm về chính đời sống.

Sau khi đã trình bầy như thế, Giăng đưa vấn đề vào thực tế. Giăng đề cập ở đây một giáo lý quan trọng của Tân Ước, đó là yêu anh em.

Chúng ta đối diện với một điều tuyệt đối cốt yếu cho vai trò của người tín đồ Chúa Cứu Thế. Giăng rất quan tâm về mối tương giao của người tin Chúa đối với Chúa, đến đây ông cho chúng ta biết có một số điều cản trở mối tương giao ấy, và ông đề cập đến một điều quan trọng hơn cả. Không yêu anh em sẽ làm cho mối tương giao của chúng ta đối với Cha bị gián đoạn và vì vậy cướp đi của chúng ta nhiều phước hạnh trong cuộc đời làm môn đệ Chúa.

Nhưng ta cũng có thể nói một cách khác nữa. Đây là một trắc nghiệm về vai trò làm môn đệ của mỗi người. Lá thư này chúng ta có thể thường xuyên nghiên cứu theo hai cách. Chúng ta có thể xét đến những điều mà Giăng kể là ngăn cản cuộc tương giao với Chúa, đồng thời ta cũng có thể coi những điều đó là các tra1c nghiệm về cuộc đời tin kính của chúng ta. Cả hai cách phân tích này đều chính xác và hữu ích.

Giăng mở đầu nói như thế này: Thưa anh em, tôi không viết điều răn mới nào cho anh em cả, nhưng điều răn cũ mà anh em đã có từ ban đầu. Điều răn cũ này là lời anh em đã nghe dạy từ ban đầu. Tuy nhiên đó cũng là điều răn mới tôi viết cho anh em, là điều chân thật trong Chúa và trong anh em: vì tối tăm đã tan rồi và ánh sáng thật đã soi sáng.

Điều nổi bật trong các câu này là “cũ” và “mới”. Giăng có ý nói rằng: “Tôi sắp nói cho anh em biết điều mà anh em đã biết. Tôi không thêm gì vào phúc âm mà anh em đã nghe và học. Tôi chỉ xin nhắc lại điều anh em biết rồi.” Như thế có nghĩa là nói về một điều đã cũ. Thật ra khi Chúa Giê-xu dạy về điều răn này, Chúa gọi đó là điều răn mới, mặc dù ngay trong Kinh Thánh Cựu Ước cũng đã dạy: Ngươi phải yêu người lân cận như mình.” Phúc âm của Chúa Giê-xu là toàn bộ ý niệm về một gia đình mới trong đó các thành phần thương yêu nhau.

Chúa Giê-xu do việc vào trần gian và làm những việc Ngài đã làm đã khiến điều răn này thành một điều răn mới vì có một hoàn cảnh mới liên hệ tới điều răn đó. Giăng bảo: “Tuy nhiên đó cũng là điều răn mới tôi viết cho anh em, là điều chân thật trong Chúa và trong anh em.” Chúa đây là Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu đã cho chúng ta có thể giữ điều răn này trong một thể cách hoàn toàn mới. Ngày xưa dân Chúa đã nhận điều răn này nhưng họ thấy rất khó thể hiện, bây giờ trong niềm tin nơi Chúa Giê-xu, trong nhân loại mới, việc ấy thực hiện được. Tình thương của Chúa Giê-xu là động lực thúc đẩy người ta có thể thương yêu nhau. Vì bây giờ mọi người nhận sự sống mới từ Chúa Giê-xu với quyền năng tái tạo của Thánh Linh, họ có thể yêu thương người khác đúng như Chúa muóùn.

Người đời không thể nào làm được việc này. Dù cho ta có tuyên truyền về tình yêu Chúa cho người đời làm theo thì họ cũng không làm được, vì chưa tin nhận Chúa Giê-xu. Đạo đức của Chúa phải khởi đầu bằng việc tin nhận Chúa chứ không bằng cách nghe và tuân thủ. Người tin Chúa thì khác. Khi Chúa có tình thương thì người tin Ngài cũng thương yêu, vì tình thương đã thể hiện trong Chúa cũng sẽ thể hiện trong người tin Ngài.

Có ba điều ta cần bàn đến ở đây:

1. Chúa Giê-xu đã đem vào trần gian này một trật tự mới về đời sống, trật tự ấy đã thay đổi tất cả. Điều Chúa đã làm là khiến người ta phân biệt được sáng và tối. “vì tối tăm đã tan rồi và ánh sáng thật đã soi sáng.” Dĩ nhiên đây là điều căn bản cho toàn bộ lập trường của Tân Ước. Sứ đồ Phao-lô diễn ta như sau:”Vậy nếu ai ở trong Đấng Christ thì nấy là người được dựng nên mới: Những sự cũ đã qua đi; nầy mọi sự đều trở nên mới” 2 Cô-rinh-tô 5:17. Như thế là môn đệ Chúa Giê-xu ta thành người mới trong một thế giới mới, cuộc đời hoàn toàn khác hẳn khi trước.

Giăng nói tương tự như thế. Ông bảo rằng trần gian là một nơi tăm tối. Phao-lô thì diễn tả việc người tin nhận Chúa như là được thoát khỏi quyền năng của tối tăm mà vào nước vinh hiển của Con Ngài (Cô-lô-se 1:13) Sứ Đồ Phi-e-rơ cũng dạy cùng một ý đó khi ông nói rằng: anh em ngày trước không phải là một dân, mà bây giờ là dân của Đức Chúa Trời...Đấng đã gọi anh em từ trong tăm tối ra đến ánh sáng la5 lùng của Ngài. (1 Phi-e-rơ 2:10). Chính Chúa Giê-xu từng tuyên bố: “Ta là ánh sáng của trần gian, ngu7ời nào theo ta sẽ không đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống.” Giăng 8:12.

Nhưng Giăng đi xa hơn nữa, bảo rằng: Nhưng ai ghét anh em sống trong tối tăm, làm những việc tối tăm và không biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm mù mắt người. Giăng dạy, người không tin Chúa là đi trong bóng tối và bóng tối ở trong người ấy nữa. Nan đề của người không tin Chúa và tội nhân là bóng tối không những vây quanh lấy họ mà còn làm họ mù lòa nữa. Ta nên lưu ý điểm này. Người vô tín sống trong cõi tối tăm những chính họ cũng ở trong tình trạng tăm tối, nghĩa là dù ta có đưa họ vào vùng ánh sáng, họ cũng không thấy gì cả. Vì vậy khi một người tin nhận Chúa thì có hai việc xẩy ra: mắt họ được mở ra và họ nhìn thấy được; và họ cũng được vào một vùng hoàn toàn mới mẻ. Đây là điều Tân Ước dạy rõ: Người tin Chúa là được chuyển từ nước tối tăm vào nước sang láng hay vào nước của “Con Yêu Dấu Ngài”. Chỗ đứng của họ thay đổi, nhưng chính họ cũng thay đổi. Khi tôi tin Chúa, tôi là người mới trong một nước mới.

Như vậy điều ta cần nhớ là: Nếu ta thật sự là môn đệ Chúa, ta không có thể viện ralý cớ nào mà không thương yêu anh em trong cùng một đức tin. Tăm tối đã chìm vào quá khứ, ánh sáng đã đến và ta là con người mới.

2. Cuộc trắc nghiệm xem ta có thật sự ở trong phạm vi ánh sáng hay không là đáp ứng của chúng ta đối với điều răn thương yêu anh em này.

Giăng nói: Kẻ nào nói mình ở trong ánh sáng mà còn ghét anh em, thì vẫn còn sống trong tối tăm. Ai yêu anh em là sống trong ánh sáng, nơi người ấy chẳng có điều gì gây cho vấp phạm. Đây là trường hợp một người tin Chúa trong một giáo hội chân chính nhưng không thật sự có tình thương. Như thế, giáo hội người ấy tin không có giá trị nào đối với người ấy, nếu người ấy không có tình thương. Ta có thể là người nói rất hay về đạo, có thể là đứng ra bênh vực cho đạo nữa, nhưng nhiều khi chính tinh thần bênh vực đạo đó lại phủ nhận chính đạo mà ta muốn bảo vệ.

Trắc nghiệm ở đây là: Tin đạo đúng quan trọng, nhưng chưa đủ. Giăng bảo: “Nếu anh không thương yêu anh em, anh còn sống trong tăm tối, anh chưa có tình thương của Chúa.” Như thế thương yêu anh em quan trọng hơn là sống trong lý thuyết của đạo. Chúa Giê-xu dạy: “Các ngươi biết các điều này rất là tốt, miễn là các ngươi biết thực hành.”

Ta thử nhìn vào đức tính của một người tin Chúa và một người vô tín qua ánh sáng của lời dạy này. Giăng dường như bảo: Điều chứng tỏ anh có thật là tín đồ của Chúa hay không là thái độc của anh đối với anh em mình. Giăng nói rằng: người không có tình thương là đang sống trong tăm tối. Cõi tăm tối này được Phao-lô tả vẽ trong Tít3:3 như sau: “Vì chưng chúng ta ngày trườc cũng ngu muội, bội nghịch, bị lừa dối, bị đủ thứ tình dục dâm dật sai khiến, sống trong sự hung ác tham lam, đáng bị người ta ghét và tự chúng ta cũng ghét lẫn nhau.” Đó là tượng trưng cho tối tăm của trần gian này, là tình trạng của thế gian bên ngoài Chúa Cùứu Thế. Bạn có thể bảo, hình ảnh thế gian như thế hơi quá đáng, nhưng đó là lối tả vẽ đơn giản và chính xác nhất. Thế gian có nhiều ngụy trang qua các thu hút bên ngoài và lối sống mà thoạt nhìn ta không biết gì cả, nhưng thực tế mới là phũ phàng.

Nhưng Giăng nói: Nhưng ai ghét anh em sống trong tối tăm, làm những việc tối tăm và không biết mình đi đâu.. Đây là người ở ngoài Chúa. Người ấy không làm chủ được chính mình, không chế ngự được mình nhưng bị hoàn cảnh chi phối.

Có đúng như thế không? Loại người sống ngoài Chúa luôn luôn bị hoàn cảnh quản chế. Nếu sự việc xảy ra êm đẹp, người ấy vui thích; gặp được một người mình thích thì sung sướng, nhưng nếu có người nào khác làm rộn, người ấy sẽ tức giận. Như thế cuộc sống phụ thuộc vào một loại ngẫu nhiên nào đó - như người nào người ấy gặp, việc gì xảy ra, tình trạng người ấy ra sao v.v. Người ấy không biết hướng mình đi, không có tiêu chuẩn, không kiểm soát. Người ấy là nạn nhân của tăm tối và như thế cuộc đời luôn luôn không chắc chắn và không tin tưởng gì được.

3.... không biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm mù mắt người. Nói khác đi, vì mọi nan đề của người không tin Chúa là người ấy thực sự mù lòa nênkhông thể hiểu đạo Chúa, mà cũng không biết có gì sẽ xẩy ra cho mình trong thế gian này. Người ấy không nhận ra rằng mình đang đi vào một thế giới khác; cũng không biết rằng phải đối diện với Chúa trong cuộc phán xét tội; chẳng biết gì về ý nghĩa thật của cuộc đời. Hơn thế nữa, người ấy không hay rằng Chúa sẽ hỏi người ấy về thái độ đối với anh em; người ấy hoàn toàn mù lòa đối với số phận đời đời của mình.

Điều cuối cùng Giăng nói về người đó là, người ấy sẽ trở thành một tảng đá gây vấp phạm. Giăng nói: Ai yêu anh em là sống trong ánh sáng, nơi người ấy chẳng có điều gì gây cho vấp phạm. Nói ngược lại: Ngừi nào sống trong bóng tối, tâm trí tăm tối là dịp vấp váp cho mình và cho mọi người khác. Vì không có tinh thần thương yêu nên những gì người ấy gặp đều gây cho vấp ngã, và vì người ấy không thương yêu nên cũng ga6y cho kẻ khác vấp ngã nữa.

Thật vậy, người có bản tính không thương yêu luôn luôn nhìn thấy nan đề và khó khăn. Lúc nào cũng thấy bất mãn, thấy như mình bị loại ra, dễ tức giận và hay làm cho người khác gặp rắc rối.

Nhưng người tin Chúa thì sao?

Dĩ nhiên là ngược lại. Những người tin Chúa sống trong ánh sáng chứ không trong tối tăm. Cuộc đời của những người ấy có một mục đích; không bị phụ thuộc vào hoàn cảnh, tai nạn hay chuyện ngẫu nhiên tình cờ. Mắt những người tin Chúa đã được mở ra, đã hiểu tin mừng về Chúa Giê-xu, vì thế không có chuyện vấp ngã. Lý do là họ sống luôn luôn trong ánh sáng, tâm hồn họ được ánh sáng tràn ngập, họ đã nhìn thấy nhiều điều huyền nhiệm. Họ biết phân biệt tối và sáng. Khi nhìn vào thế gian, họ thấy rõ con người thật của trần gian đúng như khi họ chưa được mở mắt, và nhận ra rằng họ là những nạn nhân cần thương yêu cứu giúp, và cầu nguyện cho họ thấy được chính mình và biết tình yêu của Chúa và được giải phóng khỏi tội lỗi. Người tin Chúa thấy thương người đời hơn là ghét. Họ thương bằng tình thương thật của Chúa mà họ đã nhận. Họ sống với sức sống của Chúa và chứng nghiệm mình là môn đệ thật của Chúa.

Điều ta học được trong khúc Kinh Thánh này là:

Mỗi chúng ta chỉ có thể sung sướng về địa vị làm môn đệ Chúa nếu chúng ta có tinh thần yêu mến, tha thứ trong con người của chúng ta. Điều nghịch lý và vô nghĩa là ta nói biết Chúa tha thứ cho mình mà lại khôâng thương yêu và tha thứ cho người khác. Người nào nói mình đi trong ánh sáng mà còn ghét và không tha thứ là vẫn đi trong đêm tối.

Cầu xin Chúa cho chúng ta biết tự xét mình dưới ánh sáng của lời Chúa để biết chắc rằng mình đang sống trong ánh sáng và hết lòng thương yêu tha thứ đối với người khác.