Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 1

Thức Canh Cầu Nguyện

Cô-lô-se 4:2-6

"Phải bền đỗ và tỉnh thức trong sự cầu nguyện, mà thêm sự tạ ơn vào" (c. #2).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao phải bền đỗ và tỉnh thức trong sự cầu nguyện? Cầu nguyện và tạ ơn liên hệ nhau thế nào? Bền đỗ và tỉnh thức quan trọng thế nào trong việc rao truyền Phúc Âm? Cầu nguyện? Phao-lô cho chúng ta gương mẫu nào về đời sống cầu nguyện?

Cầu nguyện và tạ ơn không thể tách rời được. Lòng biết ơn Chúa về ơn phước Ngài ban, về những lời cầu nguyện được Chúa trả lời thúc đẩy sự cầu nguyện của chúng ta thêm tươi mới hơn.

Người thức canh cầu nguyện rất nhạy cảm đối với ý Chúa cho mình, và thấy được nhu cầu của thế giới. Phao-lô đưa con dân Chúa ở Hội thánh Cô-lô-se vào tinh thần sống thức canh cầu nguyện, nhất là cầu nguyện cho ông và những người cộng tác với ông được khôn ngoan để rao truyền Phúc Âm cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Phao-lô xin Hội thánh cầu nguyện cho cửa Phúc Âm được mở ra để ông truyền giảng trong tù, trong triều đình La Mã. Ông khuyên Hội thánh hãy lợi dụng cơ hội truyền bá Phúc Âm cho người chưa biết Chúa. Người chưa biết Chúa thường hiểu lẩm về đạo Chúa. Họ không đọc Kinh thánh nên người giảng đạo Chúa phải có tư cách, lời nói khôn ngoan, ân hậu, đượm tình thương. Dù bị hạch hỏi, chống đối, nhưng cách công bố Phúc Âm sẽ khiến chính người chống đối chịu nghe Phúc Âm.

Cuộc sống tù đày không ngăn chặn được lòng nóng cháy và khải tượng giảng Phúc Âm của Phao-lô. Đời sống thức canh cầu nguyện của ông đã tạo ra một Phao-lô, người truyền bá Phúc Âm có phẩm cách, đầy tình thương, khôn ngoan và ân hậu. Mọi hoàn cảnh đều là cơ hội truyền rao Phúc Âm của ông. Đời sống thức canh cầu nguyện của bạn hiện nay ra sao?

Xin Chúa giúp con sống thức canh cầu nguyện, sống chia sẻ Phúc Âm cho bè bạn gần xa.

(c) 2024 svtk.net