Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 22

Con Cái của Thượng Đế

I Giăng 2:29-3:1

Nếu các con biết Chúa công nghĩa thánh thiện, thì các con cũng hiểu rằng người nào làm việc công nghĩa thánh thiện phải là từ Ngài sinh ra. Hãy xem loại tình thương mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta đặc biệt dường nào, vì cho chúng ta được làm con cái của Thượng Đế, và chúng ta thật là con cái Ngài. Lý do thế gian không nhận biết chúng ta vì thế gian không chịu nhìn nhận Ngài.

Hai câu này đưa chúng ta vào một phần mới trong bức thư dài của sứ đồ Giăng, phần này khởi đầu từ Chương 2, câu 29. Đây là một lý luận mới sâu sắc hơn mà Giăng đưa ra sau khi đã trình bầy một số lý luận.

Mục tiêu chính của Giăng trong thư này là để cho người đọc có được một niềm vui trọn vẹn. Mục tiêu này được ghi rõ trong chương một câu 4. Ông có ý bảo rằng người tin Chúa có thể có được niềm vui tràn đầy ngay trong cuộc đời, trong trần thế này, ngay giữa những khó khăn và thử thách. Ông muốn mọi người hưởng cho trọn niềm vui. Vì vậy ông đưa ra những giáo huấn để thực hiện. Điều quan trọng nhất ông cho họ biết là họ phải luôn luôn nhớ rằng chúng ta có mối tương giao mật thiết với Chúa Cha và Chúa con nhờ Thánh Linh. Dù rằng chúng ta sống dưới đất, chúng ta vẫn có thể hưởng mối tương giao với Chúa Cha.

Ông tiếp tục chứng minh rằng, nếu đó là điều đầu tiên chúng ta phải nhận định, thì chúng ta cũng phải nhận ra ngay rằng có những điều kiện tuyệt đối quan trọng để duy trì mối tương giao và bước đi với Chúa. Các điều kiện này được trình bày từ đầu thư cho đến chương 2 câu 28 và có thể tóm gọn lại trong một từ là công nghĩa thánh thiện hay công chính. Vâng, công nghĩa thánh thiện chính là điều thiết yếu trong quan hệ giữa ta và Chúa. Phước hạnh ta nhận rất nhiều qua Chúa Cứu Thế, nhưng nếu ta muốn vui hưởng và tiếp tục vui hưởng, thì phải bước đi trên đường công nghĩa thánh thiện.

Từ chương 2:29 chúng ta sang một chuyển đoạn: Nếu các con biết Chúa công nghĩa thánh thiện, thì các con cũng hiểu rằng người nào làm việc công nghĩa thánh thiện phải là từ Ngài sinh ra. Giăng có ý nói rằng: Các con không những nhờ công lao của Chúa Giê-xu mà được tương giao với Thượng Đế, nhưng các con còn là con thật của Ngài nữa. Các con được sinh ra trong nhà của Chúa. Các con ở trong Chúa Cứu Thế, Chúa ở trong các con và huyền nhiệm làm con cái được xảy ra.

Nếu trong tương giao với Chúa tôi phải sống một cuộc đời thánh thiện công nghĩa, như thế làm con của Chúa tôi còn phải thánh thiện công nghĩa đến mức nào nữa cho xứng đáng.

Thánh thiện công nghĩa không phải chỉ là đạo đức, cũng không phải sống một cuộc đời tốt lành. Nhiều người không sống trong Hội Thánh của Chúa, không nhận đức tin Cơ-đốc, nhưng sống rất đạo đức v2 trong sạch. Họ là những người rất tốt theo nghĩa luân lý và triết học, nhưng vẫn không phù hợp với tiêu chuẩn công nghĩa thánh thiện của Kinh Thánh Tân Ước. Công nghĩa thánh thiện là phẩm tính của đời sống giống như Chúa Giê-xu từng sống. Giăng dường như nói rằng: Nếu các con thấy có người nào sống lối sống như chính Chúa Giê-xu đã sống, thì người ấy phải sinh ra từ Thượng Đế. Không ai có thể sống đúng theo lời dạy của Chúa trong bài giảng trên núi cho đến khi người ấy được tái sinh thật. Bài Giảng trên núi vì vậy không phải cho mọi người đâu. Thật vậy, không ai có thể sống đời sống tín đồ Chúa Cứu Thế, dù rằng người ấy tốt đến đâu chăng nữa. Vì không có cuộc tái sinh, trở thành người mới, không có thể làm con Chúa được. Những người ấy có thể sống cuộc đời thiện lành, nhưng không thể sống đời sống môn đệ Chúa Giê-xu được.

Giăng lý luận rằng: Nếu chúng ta do Thượng Đế được sinh ra thì chúng ta cần phải sống một cuộc đời như thế nào chứ? Nếu vi phạm điều răn và sống trong tội thì sao gọi là con của Chúa được? Sống như thế không phải là con của Chúa mà là con của ma quỷ. Vì con của Chúa phải sống một đời sống khác hẳn.

Tuy nhiên trước khi lý luận tiếp, Giăng dừng lại trong mấy câu đầu của chương ba để nói về ý nghĩa đích thực của danh hiệu con cái Thượng Đế.

Chúng ta cần định nghĩa rõ danh hiệu “Con cái Thượng Đế” . Con cái là một địa vị, một chỗ đứng và vì thế có những ưu quyền. Từ con nói đến ở đây là theo pháp luật, nói về tương quan, tư cách, và quyền lợi của một người trong gia đình. Thượng Đế là cha chung của tất cả mọi người và mọi người đều là anh em cả, đó là theo nghĩa thông thường, tức là mọi người đều do Chúa sáng tạo cả. Nhưng “con cái Thượng Đế” trong khúc Thánh Kinh này là kết quả của việc Chúa Giê-xu hi sinh cứu chuộc, và vì vậy mang tính chất đặc biệt.

“Con cái Thượng Đế” trong Tân Ước được phân biệt với “con cái của ma quỷ”. Vì đây là những người đã được tái sinh nhờ tin nhận Chúa Giê-xu. Đây là những người thật sự là Con của Thượng Đế, sống trong Chúa Giê-xu và được Thánh Linh ấn chứng. Địa vị này khác hẳn với việc được sinh ra trong dòng A-đam. Người nào không thuộc về mối tương giao huyền nhiệm này Thánh Kinh gọi là ở ngoài sự sống của Đức Thượng Đế. Chúa Giê-xu đã minh định: “Sự sống đời đời là nhìn biết Cha có một và thật và Chúa Cứu Thế Giê-xu mà Cha đã sai đến.” Đây là việc tin nhận Chúa Giê-xu và được tái sinh. Bên ngoài niềm tin này con người vẫn chết trong tội và không có ưu quyền làm con. Giăng nói rằng, chúng ta đã được kêu gọi làm con cái Thượng Đế, nghĩa là từ địa vị không là con cái, hay con cái của ma quỷ, sang địa vị làm con Thượng Đế.

Nhưng địa vị làm con Thượng Đế còn có nghĩa là được chia sẻ sự sống với Thượng Đế nữa. Phi-e-rơ gọi những người tin Chúa là “kẻ dự phần bổn tính của Đức Chúa Trời.” Đây là một tính cách rất khó giải thích nhưng được Tân Ước nói đến rất thường. Hình ảnh cây nho và cành là biểu tượng khá rõ. Khi một cành nho nối liền với cây nho thì nhựa sống của cây nho truyền lên cành và làm cho cành sống như cây nho, đó là quan hệ hữu cơ. Đây cũng là hình ảnh về việc chia sẻ bản chất của Thượng Đế mà con dân Chúa được hưởng.

Chúng ta đừng bao giờ quan niệm người tin Chúa chỉ là những người cố gắng sống một cuộc đời tốt lành, cố sao sống khá hơn những người chung quanh mình, người có một niềm tin trong khi thực hiện một số công việc, những người đã gia nhập vào một Hội Thánh, một nhà thờ nào đó và nhận các lễ nghi của Giáo Hội. Đúng, người tin Chúa phải có các phần việc đó cho đủ bổn phận, nhưng trên tất cả, người ấy là con thật của Chúa. Người ấy phải được tái sinh hay là sinh lại từ trên cao, sinh bởi Thánh Linh; người ấy phải nhận được bản thể và sự sống của chính Chúa, chính Thượng Đế. Đây là những người đã được thay đổi, trở thành tạo vật mới, và vì vậy, trên căn bản, hoàn toàn khác với những người chưa bao giờ kinh nghiệm sự sống đó. Đây là định nghĩa về con cái Thượng Đế mà nhiều người chưa quan niệm được.

Chúng ta vừa nói đến ý nghĩa của cụm từ “Con cái Thượng Đế”, câu hỏi đặt ra tiếp theo là: Lam thế nào trở thành con cái Thượng Đế được? Giăng trả lời: “Hãy xem loại tình thương mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta đặc biệt dường nào.” Chữ quan trọng trong câu này là chữ “ban”. Nói như thế có nghĩa là Thượng Đế đã đặt tình thương của Ngài trong chúng ta, hay có thể nói, Chúa đem sự sống của Ngài đặt trong chúng ta để cho chúng ta trở thành con cái Thượng Đế. Như vậy chính Thượng Đế đã đem sự sống vĩnh hằng của Ngài đặt vào chúng ta. Bản chất của Chúa là thương yêu và khi Ngài đặt bản chất ấy vào chúng ta, chúng ta có tình thương của Chúa. Chúng ta không thể nào trở thành con cái Thượng Đế nếu chúng ta không giống Thượng Đế.

Điều thứ ba ta cần đề cập trong câu Thánh Kinh này là: “Lý do thế gian không nhận biết chúng ta vì thế gian không chịu nhìn nhận Ngài.” Việc chúng ta làm người tin Chúa và trở thành con của Chúa là một huyền nhiệm lớn. Thế gian không hiểu được và cũng không biết làm con cái Thượng Đế nghĩa là gì. Người trần gian chê cười vì họ “không biết Chúa”. Họ thấy chúng ta vẫn bình thường như họ, vậy mà chúng ta dám tuyên bố mình là con cái Thượng Đế, mang bản chất và sự sống của Chúa. Nhưng căn bản là họ không biết Chúa. Đây là điều người tin Chúa cũng cần biết rõ để kiên nhẫn và chịu đựng.

Mặt khác, những người được Chúa đổi mới và được làm con của Chúa luôn luôn biết rõ ai là con thật của Chúa, vì những phẩm tính trong bản chất của Chúa được thể hiện ra trong đời sống những người ấy. Vì thế trong Hội Thánh nếu có người nào mạo xưng, người ta đều biết rõ. Người thế gian không biết ai là người con của Chúa, vì họ không biết Chúa.

Nhưng còn một điều cuối cùng ta cần nói đến, đó là: Hãy xem loại tình thương mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta đặc biệt dường nào! Đây là điều thắc mắc mà nhiều người không hiểu, đó là: “Tại sao Chúa thương tôi?” Tình thương của Chúa hoàn toàn vô điều kiện, dù ta là kẻ phạm tội, dù ta bướng bỉnh, cứng đầu, không xứng đáng, dù ta nhơ nhuốc vì sống trong dòng phạm tội và làm nhiều điều đáng bị trừng phạt, nhưng Chúa vẫn thương. Không những Chúa tha thứ, nhưng còn đưa tình thương đó vào tâm hồn ta, cho ta được chia sẻ bản chất của sự sống thánh khiết và vĩnh hằng. Tất cả đều nhờ công lao của Chúa Giê-xu. Tình thương thể hiện qua cái chết hi sinh của Chúa Giê-xu và nhờ lòng tin nơi Chúa mà chúng ta được tái tạo, làm con Chúa.

Nếu bạn chưa biết Chúa, thì đây là lúc bạn tin để biết Chúa. Nếu bạn đã tin nhận Chúa, xin hiểu rõ địa vị làm con của mình và làm theo đúng những gì Chúa dạy trong Kinh Thánh, sống xứng đáng với danh hiệu là con của Chúa Toàn Năng, Thánh Khiết, Thương Yêu.