Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 28

Giấc Mộng Kỳ Lạ

Đa-ni-ên 4:10-27

"Vậy nên, hỡi vua, xin hãy nghe lời tôi khuyên vua: hãy lấy sự công bình mà chuộc tội lỗi, hãy thương xót những kẻ nghèo khó để chuộc những điều gian ác mình. Như vậy sự bình an vua còn có thể lâu dài hơn nữa" (c. #27).

Câu hỏi suy ngẫm: So sánh "Đấng Thánh canh giữ" và "Đấng Rất Cao". Tại sao có hai cách xưng hô đối với Chúa như vậy? So sánh địa vị của vua trước khi hóa thành con vật ăn cỏ như bò.

Nê-bu-cát-nết-sa dường như vẫn còn muốn nhập những gì thuộc về huyền thoại Ba-by-lôn với những gì Đa-ni-ên cho biết. Đấng Thánh canh giữ hoàn toàn do Vua đưa ra để gọi Chân Thần. Trong nguyên văn là "các đấng thánh canh giữ," nghĩa là có một số thần linh. Nhưng Đa-ni-ên minh định trong câu #24: "...đây là mạng định (hay định mạng) của Đấng Rất Cao (Đức Chúa Trời)" và câu #25: "...Đấng Rất Cao cai trị trong nước loài người..."

Ta để ý đến những điều Chúa mạc khải qua điềm chiêm bao này:

1. Trước mắt loài người, Vua Ba-by-lôn được coi như vô cùng vĩ đại, cũng như bao nhiêu người sau vua trong lịch sử. Thật ra đó là thái độ của những kẻ kiêu ngạo, sống dưới đất, đáng phận ăn cỏ, mà lòng kiêu căng cho mình cao như trời (trong chủ nghĩa, trong triết lý) và quyền uy trên toàn thế giới (trong sức mạnh của vũ khí, trong lối thống trị). Chúa nhìn những con người "vĩ đại" đó vẫn trong thân phận làm người cát bụi, vì nếu trước mặt Chúa, sinh vật làm chủ thiên hạ, vẫn không hơn gì sinh vật ăn cỏ như bò, đều do Chúa chỉ định và ban cho quyền hành, hay lấy lại, tùy ý Ngài.

2. Dòng lịch sử luôn luôn do Chúa cầm nắm. Không có ai là anh hùng khôn ngoan đáng cho thế giới ca ngợi suy tôn cả, nếu biết rõ nguồn gốc quyền hành của mình.

3. Mục đích chính của những cuộc trừng phạt là để cho người kiêu ngạo biết khiêm nhường và tôn kính Chúa là cội nguồn của tất cả.

Biết ba điều kể trên, bạn có thể áp dụng vào chính mình như thế nào, và hãy cầu nguyện theo như Chúa chỉ dẫn cho mình qua bài học hôm nay.

(c) 2024 svtk.net