Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Những Mạc khải Về Lịch Sử

Đa-ni-ên 7:1-8

"...Đa-ni-ên đang nằm trên giường thì thấy chiêm bao, và những sự hiện thấy trong đầu mình..." (c. #1).

Câu hỏi suy ngẫm: Sự hiện thấy trong đầu ở đây khác với giấc mơ thường như thế nào? Có những phương cách nào khác Chúa dùng để cho con người biết những việc sẽ xảy ra? Tại sao Chúa dùng hình ảnh những con thú để nói về các đế quốc hay các vua? Phân đoạn Kinh Thánh này có ý nghĩa gì cho chúng ta trong hiện tại?

Nếu bạn đã đọc chương hai của Đa-ni-ên thì trong chương 7 bạn sẽ thấy nhiều điểm tương hợp. Có thể cùng một mạc khải nhưng qua các biểu tượng khác nhau. Phần đầu của chương 7 cho ta biết các điều sau đây:

1. Ta nên phân biệt rõ giấc mơ thường và mạc khải qua giấc mơ. Giấc mơ thường là do từ trong đầu óc chúng ta, qua tiềm thức mà có, nhiều khi lộn xộn không mạch lạc, và thường vô nghĩa, không đáng kể lại vì tính chất mơ hồ. Còn mạc khải qua giấc mơ là những hình ảnh do Chúa đưa đến trong óc ta và ta tiếp thu được, ghi nhớ được, nhưng có thể không hiểu. Chúa cho Đa-ni-ên mạc khải để ông ghi chép lại cho đời sau chiêm nghiệm.

2. Đa-ni-ên chỉ ghi lại các điểm chính của mạc khải (câu #1). Câu #2 nói đến biển. Biển lớn không phải là biển trên mặt địa cầu, nhưng tượng trưng cho nhân loại. Bốn hướng gió có thể tượng trưng cho quyền phán xét của Chúa trên nhân loại. Ta thấy bốn con thú xuất phát từ biển, tức là từ trong nhân loại mà dấy lên, tượng trưng cho bốn đế quốc.

3. Con thú thứ nhất tương đương với cái đầu bằng vàng trong pho tượng vua Nê-bu-cát-nết-sa nhìn thấy. Biểu tượng sư tử có cánh chim ưng chỉ về Ba-by-lôn. Sự kiện con thú bị nhổ lông cánh và đứng trên đất, ứng vào cuộc trừng phạt mà chính Nê-bu-cát-nết-sa phải chịu, tức là hóa ra thú vật.

4. Con thú thứ hai một vai cao hơn vai kia, tượng trưng cho hai thế lực liên minh, đó là Mê-đô và Ba-tư, trong đó Ba-tư thế lực hơn Mê-đô. Ba xương sườn trong miệng là ba nước mà con thú đã thắng: nước Ly-đi (năm 546), nước Canh-đê (năm 539), nước Ai Cập (năm 525).

Bài học rút ra từ phần đầu chương 7:

a. Chúa là Đấng cầm nắm dòng lịch sử của cả nhân loại. Nếu Chúa không cho phép, không thế lực nào xuất hiện được. b. Các thế lực của người thật tàn bạo, như loài thú hoang, chỉ chém giết và hủy hoại công trình của Tạo Hóa. c. Người tin Chúa cần chiêm nghiệm lời Chúa để hiểu thời cuộc và không bị lôi cuốn vào những sức mạnh, những chủ nghĩa mà con người xướng lên. d. Ta nên cẩn thận, đừng lấy những cơn mộng mị vô nghĩa của mình mà gán cho các ý nghĩa thuộc linh nào đó, nếu Chúa không thật sự mạc khải thì đừng cố giả tạo.

e. Mạc khải về Chúa, về con người nói chung và về bản thân đã có đầy đủ trong Kinh Thánh. Còn những hiện tượng tương lai ta không có quyền hiểu biết hay tham dự gì vào, không cần quan tâm lắm. Có người đã chú trọng quá về mặt giải đoán tương lai mà sinh ra bội đạo.

Chúa ơi, giữa những chao đảo của cuộc đời, xin Chúa giúp con luôn nhớ Ngài đang chủ trị vũ trụ này.

(c) 2024 svtk.net