Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 15

Sống Đạo Và Giữ Đạo

I Cô-rinh-tô 15:1-2

"...Phúc Âm mà tôi đã rao giảng và anh em đã nhận lấy, cùng đứng vững vàng trong đạo ấy..." (c. #1).

Câu hỏi suy ngẫm: Tin Lành trong câu #1 là gì? Đứng vững trong đạo là thế nào? Cứu rỗi là gì? Xin giải thích thể nào là giữ đạo? Tại sao có thể có trường hợp tin đạo mà lại không giữ đạo?

Các câu hỏi trên đây có lẽ đối với một số quý vị đã hiểu Kinh Thánh, cho là quá đơn giản, tuy nhiên chính tác giả Phao-lô ngày xưa cũng đã phải nhắc lại cho các tín hữu của ông nhớ những điều họ đã nghe, đã nhận, cùng đã đứng vững. Phao-lô dường như biết rằng các tín hữu của ông đang nghi ngờ những điều mình tin, hoặc là đang theo một lý thuyết nào mới. Ông nhấn mạnh: Phải giữ lấy những chân lý đã nghe, nhận và đã kinh nghiệm quyền năng tái tạo của Chúa, đang mong chờ ngày được cứu toàn vẹn.

Trong hai câu Thánh Kinh này ta thấy vấn đề được nêu lên là: chỉ có lòng tin nhiệt thành, đủ hay không? Thật ra nhiều người vô tín cũng tin rất nhiệt thành vào lý thuyết vô thần, nhiều người thờ cúng ma quỷ cũng rất nhiệt thành; có người vì truyền thống xã hội, cũng giữ đúng mọi phép tắc, lễ nghĩa mà không tin hay là không có xúc động nào cả.

Phao-lô nói rõ: phải tin đúng Phúc Âm hay Tin Mừng mà chính ông rao giảng, nghĩa là sự ra đời, chịu khổ hi sinh, sống lại, thăng thiên và tái lâm của Chúa Cứu Thế. Tất cả năm tín lý này được gọi là Phúc Âm. Người nào tin như vậy thì chắc chắn được cứu rỗi.

Giữ đạo tức là thể hiện niềm tin qua đời sống. Một thái độ giữ đạo quan trọng là không nghe những lý thuyết khác, dù có hay đến bậc nào. Giữ đạo tức là nắm chắc lấy điều mình tin, không nghi ngờ, không nghe theo tà thuyết.

Chúng ta ngày nay cũng phải nhận lời dạy này cho mình. Hãy chăm chỉ đọc Thánh Kinh, và xin Chúa cho mình hiểu lời Chúa. Đừng nghi ngờ gì cả, vì lời Thánh Kinh là chân lý không suy suyển. Ai hết lòng tin sẽ có phước hạnh, ai nghi ngờ, sẽ bị các tà thuyết trong đời lôn cuốn đi. Xin nhớ: Nếu đã nghe Phúc Âm, đã nhận, đã biết rõ, thì chỉ cần giữ cho chắc, không lay động. Có như thế mới gọi là tin. Mời bạn xác nhận niềm tin với Chúa hôm nay...

Lạy Chúa, xin Chúa giúp con trung tín học hỏi Lời Chúa, và thể hiện Lời Chúa ngay trong cuộc sống.

(c) 2024 svtk.net