Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 18

Tùng Phục Và Vâng Lời

Cô-lô-se 3:18-4:1

"Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm như làm cho Chúa chứ không phải làm cho người ta" (c. #23).

Câu hỏi suy ngẫm: Đối chiếu với Ê-phê-sô 5:21-33, "tùng phục" và "yêu thương" có thể là hai bổn phận tách rời nhau (đứng độc lập với nhau) không? "Chọc giận con cái" là gì? Tại sao "hết lòng" lại là yếu tố quan trọng trong sự phục vụ? Phần thưởng tối hậu cho người "hết lòng phục vụ" là gì?

Mệnh lệnh trong câu #18 dành cho người làm vợ là tùng phục chồng. Tùng phục có thể có nghĩa là vâng phục, tuy nhiên ở đây cũng như trong Ê-phê-sô 5:21,22, "tùng phục" là sẵn lòng từ bỏ quyền hoặc quyền lợi của mình trong mối tương quan vợ chồng. Chính vì thế, yêu thương và tùng phục khó có thể là hai bổn phận tách rời nhau. Yếu tính của yêu thương là hy sinh, quên mình (I Cô-rinh-tô 13:4-7) và trong tình yêu hy sinh quên mình như thế, đã có hàm ý tùng phục trong nghĩa đầy trọn hơn hết, và vì vậy được áp dụng cho cả vợ lẫn chồng.

Trong khi đó, "vâng phục" có nghĩa là "vâng lời" được áp dụng trong quan hệ con cái với cha mẹ, hay tớ đối với chủ. Tuy nhiên mệnh lệnh vâng phục trong tương quan cơ bản nhất là vâng phục Chúa. Chỉ khi một người thực sự có lòng vâng phục Chúa, người đó mới có thể vâng phục cha mẹ đúng nghĩa. Không vâng phục Chúa, con người rơi vào tội đầu tiên của loài người, để lại bao nhiêu hậu quả nghiêm trọng cho đến ngày nay.

Một trong những sai lầm của các bậc làm cha mẹ được Phao-lô nêu lên là "chọc giận con cái." Có nhiều hình thức chọc giận con cái, nhưng hầu hết đều phát xuất từ quan niệm cho rằng mình có công sinh dưỡng, nên có toàn quyền với con, nhất là quyền áp chế, buộc con phải tùng phục tuyệt đối. Thật ra muốn con vâng phục mình, cha mẹ phải sống nêu gương chứ không phải áp chế. Muốn con sống ngay thẳng mà trong chính đời sống mình có những chỗ quanh co, là cha mẹ đã khiến cho con cái nỗi loạn, không chỉ với cha mẹ mà với cả niềm tin của cha mẹ nữa.

Nguyên tắc phục vụ quan trọng nhất được Phao-lô nêu lên trong câu #23-25: "Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm như làm cho Chúa..." Như vậy trị giá công việc không nhất thiết tính bằng phẩm chất hay khối lượng công việc, nhưng tính bằng mức độ của tấm lòng đặt vào trong công việc đó. Làm với tinh thần trách nhiệm, làm với lòng vui vẻ, làm với tình yêu thương, hay làm một cách miễn cưỡng cho xong việc.

Xin Chúa giúp con bày tỏ lòng tôn kính Chúa, không chỉ bằng những công tác ở nơi công cộng hay trong Hội Thánh, nhưng ở ngay trong cuộc sống gia đình; không chỉ làm cho xong bổn phận, nhưng làm với tình yêu chân thật.

(c) 2024 svtk.net