Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 26

Gia Phả Của Vua

Ma-thi-ơ 1:1-17

"Từ Áp-ra-ham cho đến Đa-vít, hết thảy có mười bốn đời; từ Đa-vít cho đến khi bị đày qua nước Ba-by-lôn, cũng có mười bốn đời; từ khi bị đày qua nước Ba-by-lôn cho đến Đấng Christ, lại cũng có mười bốn đời" (c. #17).

Câu hỏi suy ngẫm: Theo bạn, phổ hệ (Gia-cơ phả) quan trọng thế nào đối với người Do Thái? Bản phổ hệ trong Ma-thi-ơ được phân chia như thế nào? Có những đặc điểm nào? Các phân đoạn trong phổ hệ tiêu biểu cho những giai đoạn nào trong lịch sử thuộc linh của loài người?

Đối với chúng ta dường như Ma-thi-ơ đã chọn một phương pháp rất lạ mở đầu cho sách Phúc Âm của ông. Nhưng với người Do Thái cách này rất tự nhiên, càng lý thú và cần thiết để khởi đầu tiểu sử của một cuộc đời.

Người Do Thái quan tâm đến phổ hệ, vì nó đã bảo tồn được một kho tàng quí nhất về tính thuần chủng của dân tộc họ. Nếu một người nào hơi có sự pha trộn dòng máu ngoại bang, người đó mất quyền được gọi là người Do Thái và quyền làm thành viên của dân Đức Chúa Trời. Với chúng ta dường như đây là một phân đoạn chẳng có gì thích thú, nhưng với người Do Thái phổ hệ của Chúa Giê-xu có thể truy ngược đến tận đời Áp-ra-ham gây một ấn tượng sâu đậm nhất. Cũng nên lưu ý rằng phổ hệ này được sắp đặt rất kỹ lưỡng, chia làm ba nhóm, mỗi nhóm 14 người, với mục đích chứng tỏ Chúa Giê-xu là con vua Đa-vít, được sắp đặt để người ta học thuộc, và để ghi khắc vào trí nhớ. Cách sắp xếp phổ hệ này có một biểu tượng về cuộc sống con người. Nó được sắp đặt làm ba phần dựa trên ba giai đoạn lớn của lịch sử Do Thái. Phần thứ nhất ghi những sự kiện từ đầu đến đời vua Đa-vít, vị vua lớn nhất của Y-sơ-ra-ên đã làm cho dân Do Thái trở thành một dân hùng mạnh bậc nhất của thế giới. Phần thứ hai ghi những sự kiện cho đến cuộc lưu đày qua Ba-by-lôn. Đó là phần nói đến giai đoạn hổ nhục bi đát và tai họa của dân tộc. Phần thứ ba ghi đoạn sử cho đến thời Chúa Giê-xu. Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng giải phóng loài người khỏi vòng nô lệ, đã cứu vớt họ khỏi thảm họa và trong đó cảnh bi đát đã biến thành sự thắng trận khải hoàn. Ba phân đoạn này cũng tiêu biểu cho ba giai đoạn trong lịch sử thuộc linh của loài người:

1. Loài người được dựng nên cách cao trọng. "Đức Chúa Trời phán rằng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta" (Sáng-thế Ký 1:26). Loài người được dựng nên theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời, ý định của Chúa là muốn cho con người được cao trọng. Loài người được dựng nên để tâm giao với Chúa. Người được sáng tạo để được thân cận với Chúa.

2. Loài người mất sự cao trọng. Thay vì làm tôi tớ Đức Chúa Trời, người đã trở nên nô lệ cho tội lỗi. G.K.Chesterton đã nói: "con người bây giờ không còn là con người đúng như ý nghĩa nguyên thủy nữa." Con Người đã dùng ý chí tự do của mình để bài bác và bất tuân Đức Chúa Trời, thay vì bước vào mối thân hữu và tâm giao với Ngài. Người đã trở nên kẻ phản loạn chống nghịch Chúa, thay vì kết thân với Ngài. Để cho con người theo ý mình, con người đã làm hỏng chương trình và kế hoạch của Chúa trong công cuộc sáng tạo.

3. Loài người có thể phục hồi sự cao trọng. Tuy thế Chúa không bỏ mặc con người theo phương kế riêng của họ. Ngài không cho phép con người bị tiêu diệt bởi chính sự điên dại của họ. Kết thúc câu chuyện không phải là một kết thúc bi đát, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu đến trong thế gian, cứu con người khỏi vũng lầy tội lỗi là nơi loài người bị đắm chìm, lạc mất, giải thoát con người khỏi xiềng xích của tội lỗi mà con người đã tự dùng để buộc mình. Bởi Chúa Giê-xu, con người có thể phục hồi mối tương giao đã mất với Đức Chúa Trời. Trong bản gia phả Ma-thi-ơ, ta thấy vương quyền đã thắng, thảm cảnh của tự do đã bị đánh bại, và vinh quang của tự do được phục hồi. Trong ơn thương xót của Chúa, đó là truyện tích của cả nhân loại nói chung và của mỗi cá nhân nói riêng.

Cảm tạ Chúa, vì trong ơn thương xót của Ngài, Ngài đã vào đời vì con.

(c) 2024 svtk.net