Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 10

Câu chuyện thánh (I)

Ma-thi-ơ 4:1-11

"Chúa Giê-xu đến nơi đồng vắng, đặng chịu ma quỉ cám dỗ." (c. #1).

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu chịu cám dỗ lúc nào? Thời điểm Chúa chịu cám dỗ có ý nghĩa và tầm quan trọng nào trong chức vụ của Chúa Giê-xu? Trong kinh nghiệm, bạn thấy lúc nào dễ bị cám dỗ nhất? Làm sao chúng ta có thể đề phòng sự tấn công của ma quỉ?

Có một số sự việc khác cần lưu ý trước khi chúng ta đi vào chi tiết câu chuyện cám dỗ.

1.Dường như cả ba trước giả Phúc Âm đều nhấn mạnh thời điểm cám dỗ là liền ngay sau lễ báp-tem. Mác chép: "Tức thì, Đức Thánh Linh giục Ngài đến nơi đồng vắng" (Mác 1:12). Một chân lý vĩ đại về đời sống là sau mỗi thì giờ trọng đại là đến thời gian để phản ứng. Ở những khoảng thời gian phản ứng như thế, nguy hiểm lúc nào cũng chờ sẵn. Dường như sự sống có một qui luật là, ngay sau khi sức mạnh của chúng ta lên đến cao điểm thì nó bổ nhào xuống chỗ thấp nhất. Kẻ cám dỗ cẩn thận khôn khéo, tài tình, lựa chọn giờ tấn công Chúa Giê-xu, nhưng Ngài đã chiến thắng. Chúng ta phải đặc biệt cẩn thận giữ mình ở những giờ vinh quang, vì đó chính là lúc chúng ta đứng trước hiểm hoạ của vực thẳm.

2. Đây là cuộc chiến diễn ra trong lòng, trong tâm trí và linh hồn Ngài, đó là cuộc chiến đấu nội tâm. Qua chính những tư tưởng và ước vọng thầm kín nhất mà kẻ cám dỗ đến với chúng ta. Cuộc tấn công của nó phóng ra ngay trong tâm trí chúng ta, cuộc tấn công hiện thực đến nỗi hầu như chúng ta có thể nhìn thấy được ma quỉ. Cho đến nay, chúng ta còn có thể thấy vết mực trên tường trong căn phòng của Luther trong lâu đài Wartburg ở nước Đức. Luther đã làm dính vết mực đó vì ném bình mực vào ma quỉ khi nó cám dỗ ông. Quyền lực của ma quỉ nằm ở chỗ nó tấn công và chọc thủng phòng tuyến từ bên trong. Đồng minh và vũ khí của nó chính là những tư tưởng và ước vọng thầm kín ở trong ta.

3. Chúng ta không được phép nghĩ rằng, trong một cuộc chiến Chúa Giê-xu đã thắng kẻ cám dỗ là sẽ chiến thắng mãi mãi, và nó không bao giờ còn trở lại với Ngài nữa. Kẻ cám dỗ đã một lần nữa nói với Chúa Giê-xu tại thành Sê-ra-rê Phi-líp, khi Phi-e-rơ cố khuyên Chúa đừng đi đường thập tự giá, và Ngài đã nói với Phi-e-rơ chính những lời đã phán với ma quỉ trong sa mạc: "Hỡi Sa-tan, hãy lui ra" (Ma-thi-ơ 16:23). Vào cuối ngày Chúa Giê-xu có thể nói với các môn đệ rằng: "Còn như các ngươi đã bằng lòng theo ta trong mọi sự thử thách ta" (Lu-ca 22:28). Và trong lịch sử cũng chưa bao giờ có cuộc chiến đấu với sự cám dỗ nào dữ dội như cuộc chiến đấu tại vườn Ghết-sê-ma-nê, khi kẻ cám dỗ tìm cách khiến Chúa từ chối thập tự giá (Lu-ca 22:42-44). "Luôn luôn cảnh giác là giá của tự do". Trong cuộc chiến của người Cơ Đốc không bao giờ có sự thả lỏng. Đôi khi có người nghĩ rằng họ đã tới một giai đoạn không còn sự cám dỗ nữa, giai đoạn mà quyền lực của kẻ cám dỗ vĩnh viễn bị bẻ gãy. Chúa Giê-xu chẳng bao giờ đạt đến giai đoạn ấy, từ đầu đến cuối, lúc nào Chúa cũng phải chiến đấu và chiến thắng, đó là lý do vì sao Ngài có thể giúp chúng ta.

Xin Chúa cho con biết cảnh giác sự tấn công của ma quỉ ngay những lúc đời sống tâm linh con lên cao điểm....

(c) 2024 svtk.net