Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 13

Đời Sống Phối Hợp

Đây là loạt bài học thứ nhì trong năm 2004 với chủ đề Tứ Mùa Tâm Linh.  Đây cũng là thứ ba trong năm bài học

1.     Đời Sống Phục Hòa

2.     Đời Sống Phục Hồi

3.     Đời Sống Phối Hợp

4.     Đời Sống Phấn Hưng

5.     Đời Sống Phước Hạnh

Phục hòa cùng Chúa, phục hồi năng lực, phối hợp tài nguyên, phấn hưng tinh thần và đón nhận phước hạnh là những điều cần sở hữu và thực hành mỗi ngày trên bước đường theo Chúa.

Hattie Green[1] qua đời năm 1916. Gia tài bà để lại trị giá hơn 100 triệu Mỹ Kim. Dầu vậy, khi còn sinh tiền, Hattie sống cách nghèo túng, chật vật. Bà ăn cháo nguội vì nghĩ rằng hâm cháo nóng lên phải tốn tiền nhiên liệu. Khi chân con trai bà bị nhiễm trùng bà không đưa đến bác sĩ để được điều trị ngay nhưng chờ cho đến khi tìm được nơi trị liệu miễn phí; bấy giờ đã quá trễ, nên chân con bà phải bị cưa. Ngay trước khi chết bà còn tranh luận về loại sữa mà mình nên uống. Hattie Green có đủ tiền để cung phụng cho mọi nhu cầu của cá nhân và gia đình và cũng có dư để san xẻ cho thật nhiều người. Dầu vậy, bà đã chọn để sống cách nghèo nàn, chật vật.

Đối nghịch với chuyện trên đây là trường hợp phung phí. Tật hay phung phí không phải chỉ là tật của những người có nhiều của cải. Để chứng tỏ rằng “mình cũng khá chẳng thua gì ai,” một số người cố xoay trở để vay nợ đến mức tối đa hầu có thể mua sắm hoặc tiêu xài cách sang trọng. Người ta nợ nần nặng nề, nhọc nhằn lao khổ phần lớn vì những điều mình muốn hơn là vì những điều mình cần.

Bài học hôm nay giúp chúng ta phối hợp tài nguyên Chúa ban cho cách khôn ngoan hầu có thể sinh sống cách vui thỏa, đạt đến mục tiêu cao trọng, gìn giữ giá trị xứng đáng, làm được việc ý nghĩa, và góp phần xây dựng gia đình và hội thánh cách hữu hiệu.

Tài nguyên (resources) Chúa ban cho từng cá nhân nói riêng và cả hội thánh của Chúa nói chung lớn lao vô cùng. Trong đời sống cá nhân chúng ta không nên để cho tài nguyên của mình bị lãng phí hoặc tản mác. Trái lại, chúng ta cần tập trung tài nguyên năng lực của mình trong việc học hành, làm lụng để xây dựng đời sống tốt lành. Cũng vậy, trong sinh hoạt hội thánh chúng ta cần biết cách phối hợp và tận dụng mọi nguồn tài nguyên Chúa ban cho để xây dựng công việc nhà Chúa cách hiệu quả.

Trong bài học trước đây về đời sống định hướng chúng ta đã biết đó là đời sống có mục tiêu được xác định rõ ràng; đó là đời sống khởi đầu cùng Chúa và trở về cùng Chúa; đó là đời sống trong đó nhân cách được uốn nắn, bản chất được đổi mới; đó cũng là đời sống dốc lòng thờ phượng, phục vụ, qui vinh hiển danh Chúa.

Khi đời sống đã được định hướng, chúng ta cần tập trung mọi nguồn tài nguyên trong đó có kiến thức, kinh nghiệm, năng lực, thì giờ, tiền bạc v. v… trong đời sống định hướng.

Trong cuộc tấn công chiếm thành Giê-ri-cô như đã được mô tả cách tường tận trong sách Giô-suê đoạn 6, đoàn dân Y-sơ-ra-ên chiến thắng cách vẻ vang vỉ họ đã tin cậy vào quyền năng của Chúa cách triệt để, tuân hành mạng lịnh của Chúa cách nghiêm chỉnh và gìn giữ giao ước của Chúa cách thật thà. Ngoài ra, còn có một yếu tố vô cùng quan trọng nữa.  Đó là họ đồng tâm nhất trí, triệu người như một.

Trong một ban chấp sự hoặc ban chấp hành, mười người như một đã là khó. Trong một hội thánh nhỏ, trăm người như một dĩ nhiên phải khó hơn. Trong một hội thánh lớn, ngàn người như một, phải nói là rất khó. Kế đến, muôn người như một, vạn người như một, ức người như một, triệu người như một càng khó bội phần hơn.

Cả mặt hồ đang phẳng lặng như tờ, chỉ cần một người cầm cây quậy một cái cũng đủ để phá hỏng sự phẳng lặng đó.  Mặt hồ sau đó trở lại tình trạng phẳng lặng. Tuy nhiên, khi có người quậy, hồ dầu lớn đến mấy cũng khó tránh né tình trạng bị giao động.

Khuynh hướng tiêu cực, phân rẽ, chấp nê, câu nệ là khuynh hướng tai hại. Chúng có thể làm tản mác tài nguyên, tiêu tan sinh lực, tiêu hao năng lực, tiêu tán nội lực. Nếu không đạt mình dướI sự tể trị của Thánh Linh Chúa, nếu không nhờ Thánh Linh mà sống, nếu không bước đi theo Thánh Linh thì khó tránh khỏi hoạn nan, tai ương. Phao-lô cắt nghĩa thực trạng đó trong Ga-la-ti 5:13-22 như sau:

13Hỡi anh em, anh em đã được gọi đến sự tự do, song chớ lấy sự tự do đó làm dịp cho anh em ăn ở theo tánh xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu thương làm đầy tớ lẫn nhau. 14Vì cả luật pháp chỉ tóm lại trong một lời nầy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.

15Nhưng nếu anh em cắn nuốt nhau, thì hãy giữ, kẻo kẻ nầy bị diệt mất bởi kẻ khác. 16Vậy tôi nói rằng: Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt. 17Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt; hai bên trái nhau dường ấy, nên anh em không làm được điều mình muốn làm. 18Nhưng, ví bằng anh em nhờ Thánh Linh chỉ dẫn, thì chẳng hề ở dưới luật pháp.

19Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, 20thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, 21ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Ðức Chúa Trời. 22Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ: 23không có luật pháp nào cấm các sự đó.

Phao-lô giải thích thật rõ những ai phạm những việc được liệt kê trong các câu 19, 20 và 21 hoặc những việc tương tự thì không thể hưởng nước Đức Chúa Trời. Gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép ít khi thấy xảy ra trong hội thánh. Tuy nhiên thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cải lẫy, bất bình, bè đảng, v. v. . . vẫn thường xảy ra trong những đời sống thiếu sự đầu phục Đức Thánh Linh. Khi điều đó xảy ra chính cá nhân bị tổn hại và  thân thể của Chúa có thể bị tổn thương.

Người biết phối hợp tài nguyên dưới sự tể trị của Chúa là người sống đẹp lòng Chúa. Và đời sống đẹp lòng Chúa là đời sống đầy dẫy bông trái Đức Thánh Linh.

Hội thánh biết phối hợp tài nguyên dưới sự tể trị của Chúa là hội thánh sinh hoạt đẹp lòng Chúa. Và hội thánh sinh hoạt đẹp lòng Chúa là hội thánh phước hạnh vô cùng. Đó là hội thánh có thể dắt đưa nhiều người đến cùng Chúa để tiếp nhận ơn cứu rỗi và lớn lên trong đời sống tin kính. Đó là hội thánh có thể làm được việc lớn lao cho Chúa.

Thông thường những học viên siêng năng, cần mẫn, chuyên cần, chuyên chú, chuyên tâm học hành là những người có thể học đến nơi, đến chốn. Học đến nơi đến chốn có nghĩa là hoàn tất học trình sở nguyện. Học đến nơi đến chốn cũng có nghĩa là học cách thấu đáo một chuyên đề, một bộ môn nào đó. Khi học hành như vậy những học viên đó phải dồn phần lớn năng lực của mình vào việc học, phải tập trung tư tưởng trong việc học, phải phấn đấu để vượt qua những hoàn cảnh khó khăn, những trở ngại hoặc những thử thách, và tựa như Phao-lô, phải nhắm mục đích mà chạy. Khi học như vậy những học viên đó phải xác định mục tiêu rõ ràng cần thực hiện và phải sắp xếp thứ tự ưu tiên phù hợp với lý tưởng. Nếu thiếu lý tưởng cao thượng có sức hấp dẫn, nếu thiếu động lực mạnh mẽ liên tục thôi thúc, không mấy ai có thể thành công mỹ mãn trong việc học hành. Thông minh đỉnh ngộ do Chúa ban cho là yếu tố quan trọng trong việc học hành. Ngoài ra, kiên trì, chăm chỉ, chuyên cần, chuyên chú, chuyên tâm, phối hợp tài nguyên, tập trung năng lực là yếu tố không thể thiếu trong việc học hành.

Một số việc thực tiễn con cái Chúa có thể áp dụng trong nỗ lực phối hợp tài nguyên, tập trung năng lực là những việc sau đây:

Bàn định công việc nhà Chúa với anh chị em đồng niềm tin trong cung cách khiêm tốn, nhã nhặn. Nên tôn trọng lẫn nhau để có thể hợp tác cách dễ dàng hơn, vui vẻ hơn. Nên thận trọng để tránh sự sơ ý hoặc lỡ lời.

Chủ định chăm làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh chị em yêu dấu trong Chúa. Thương nhau không biết để đâu cho hết thì không thể ấm ức hoặc bực tức vì bất cứ lý do gì.

Khẳng định lập trường với lý trí sáng suốt Chúa ban cho chớ không hành động chỉ theo cảm xúc. Dĩ nhiên cảm xúc góp phần quan trọng trong mọi sinh hoạt của đời sống nhưng những cảm xúc đó dù tốt đến mấy cũng cần phải được phối hợp với lý trí do Chúa hướng dẫn. Khẳng định lập trường còn có nghĩa là có nền tảng tín lý chân chánh vững vàng theo Kinh Thánh.

Lượng định khả năng để tránh tình trạng thái quá hoặc bất cập. Làm việc vừa tầm sức thì dễ chu toàn công việc hơn là làm việc quá sức. Việc khó quá e làm không nổi. Việc dễ quá e dễ nhàm chán. Một số người quan niệm rằng chẳng thà lượng định khả năng hơi cao một chút để cố gắng phấn đấu hơn là lượng định khả năng thấp hơn và sau đó trở nên chán nản, bi quan.

Minh định lý tưởng xứng đáng. Lý tưởng phải đủ cao trọng, xứng đáng con cái Chúa mới nên theo. Lý tưởng tầm thường trong trần thế không phải là điều con cái Chúa nên nhọc nhằn theo đuổi. Chúng ta được Chúa dựng nên, sau lại đuợc Chúa cứu chuộc bằng giá rất cao để chúng ta tương giao với Chúa và nhận lãnh trách nhiệm quản trị những loài tạo vật khác. Chúng ta có bổn phận phối hợp tài nguyên Chúa ban cho cách sáng suốt. Người không tin Chúa thường làm điều ngược lại. Họ sống xa cách Chúa và thay vì quản trị tài vật, họ bị tài vật quản trị.

Ổn định tinh thần để có thể suy nghĩ cách thấu đáo, nói ra lời ân hậu, bày tỏ sự chế ngự của Thánh Linh và biểu lộ tình thương sâu đậm của Đấng Christ. Người ổn định tinh thần không để cho thế sự lay động niềm tin. Người ấy được Chúa ban cho sự bình an, thư thái không giống như thế gian cho. NgườI ấy sống trọn vẹn từng ngày với sự vui thỏa và với năng lực do Chúa ban cho.

Phân định thì giờ tĩnh nguyện cá nhân với Chúa mỗi ngày. Việc tương giao cùng Chúa cách mật thiết trong giờ nghe, đọc, học, suy gẫm và thuộc lòng những câu Kinh Thánh nền tảng sẽ giúp cho con cái Chúa nhận được sự soi sáng, tiếp thu thêm năng lực và phối hợp tài nguyên Chúa ban cho theo thánh ý của Chúa. Sau khi tĩnh nguyện có thể suy nghĩ đến những ý kiến xây dựng, những công tác cần thiết, những đóng góp ý nghĩa, những cơ hội tham gia cách hăng hái, những quan tâm chân thành dành cho anh chị em trong hoàn cảnh cùng khốn.

Qui định tiêu chuẩn hành động để tỏ rõ con cái Chúa là những người đuợc biệt riêng làm dân thánh cho Chúa. Đã được kể là dân thánh của Chúa thì tiêu chuẩn hành hành động phải khác hơn tiêu chuẩn của người chưa biết Chúa, chưa tin Chúa. Đã tin Chúa rồi và mỗi ngày bước đi theo Chúa thì tiêu chuẩn hành động phải khá hơn lúc chưa tin Chúa, chưa theo Chúa. Đời sống của môn đồ Đấng Christ phải là đời sống được biến hóa bởi sự đổi mới từ trong tâm thần (Rô-ma 12:1-2).

Quyết định dứt khoát để bày tỏ sự bền lòng trung tín cho đến cuối cùng. Từ ngày tin Chúa, theo Chúa cho đến lúc về với Chúa trong vương quốc của Ngài, con cái Chúa cần tận dụng thì giờ, năng lực, kiến thức, khả năng, sản vật và hết thảy những tài nguyên khác để phục vụ Chúa và xây dựng vương quốc của Ngài. Chúa từng dạy rằng người đã tra tay cầm cày không ngoái cổ lại phía sau.

Thẩm định giá trị theo mực thước của Thánh Kinh. Con cái Chúa cần thẩm định giá trị tâm linh, thể chất, cảm xúc, nhân cách, tập quán, xã hội, văn hóa dưới ánh sáng Thánh Kinh. Nhận thức cách chính xác những giá trị này giúp con cái Chúa sắp xếp thứ tự ưu tiên cách quân bình và hợp lý. Ví dụ, về phương diện tâm linh Chúa dạy rằng vâng lời tốt hơn dâng hiến tế lễ (Sa-mu-ên), tha thứ tốt hơn phán xét (Giăng 8), thờ phượng bằng tâm thần và lẽ thật cần yếu hơn là nơi chốn hoặc tập tục thờ phượng; về phương diện thể chất, Chúa dạy thân thể là đền thờ của Đức Thánh Linh và phải dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời. Nói chung, giá trị nào Chúa xem trọng thì con cái Chúa cũng phải xem trọng; điều gì là điều cần yếu, con cái Chúa cũng phảI xem là điều cần yếu.

Xác định mục tiêu thực tiễn. Mục tiêu có được xác định cách rõ ràng thì hướng đi mới vững vàng và người đi mới mạnh dạn tiến bước. Người không mục tiêu, “không chí hướng chẳng khác nào như thuyền không lái, như ngựa không cương, trôi dạt lông bông, không ra thế nào cả.” Xác định mục tiêu thực tiễn phải là một trong những công tác đầu tiên trong việc tận dụng năng lực và phối hợp tài nguyên.


Tứ Mùa Tâm Linh

Tân Tạo

Tươi Tỉnh

Tăng Tiến

Tịnh Tâm