Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 15

Đời Sống Phước Hạnh

Đây là loạt bài học thứ nhì trong năm 2004 với chủ đề Tứ Mùa Tâm Linh.  Đây cũng là bài chót trong năm bài học

1.     Đời Sống Phục Hòa

2.     Đời Sống Phục Hồi

3.     Đời Sống Phối Hợp

4.     Đời Sống Phấn Hưng

5.     Đời Sống Phước Hạnh

Phục hòa cùng Chúa, phục hồi năng lực, phối hợp tài nguyên, phấn hưng tinh thần và đón nhận phước hạnh là những điều cần sở hữu và thực hành mỗi ngày trên bước đường theo Chúa.

Trong Hán Ngữ chữ phước hoặc phúc [fú] có nghĩa là thạnh vượng khá giả, tài sản sung mãn, của cải dư dật. Trong Anh Ngữ, chữ này có nghĩa là blessing, prosperity, good fortune, benefit, favor. Thiên phúc có nghĩa là phước đến từ trời. Một số người thường dùntg thành ngữ họa vô đơn chí, phước bất trùng lai [huò wú dān zhì fú bú chóng lái] với ý nói rằng họa thường không đến một mình trong khi phước hiếm khi trở lại.

Trong Hán Ngữ chữ hạnh [xìng] “lành” hoặc “lương” [liáng], có nghĩa là nỗi vui mừng, niềm sung sướng. Trong Anh Ngữ, chữ này có nghĩa là happiness.

Kinh Thánh dạy “mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào” Gia-cơ 1:17).

Đời sống phước hạnh trong Chúa không phải là đời sống tràn ngập sự thạnh vượng khá giả, tài sản sung mãn hoặc của cải dư dật của trần thế. Đời sống phước hạnh trong Chúa là đời sống đầy dẫy ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn từ nơi cao.

Đời sống phước hạnh trong Chúa là đời sống được xây dựng và trưởng dưỡng bởi phước ân thiên thượng. Giá trị của đời sống phước hạnh đó là giá trị bền vững. Giá trị đó không lệ thuộc giá trị trần thế, không bị qui định hoặc chi phối bởi giá trị trần thế.

Giá trị trần thế dễ thay đổi theo thời gian, không gian, hoàn cảnh. Nếu chúng ta mưu cầu hạnh phúc dựa trên giá trị trần thế và tiêu chuẩn của chúng, chúng ta khó có thể mãn nguyện. Ngược lại, nếu chúng ta khát khao phước ân thiên thượng và quyết tâm dùng đời sống mình để tích chứa và dẫn truyền ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn từ nơi cao, chúng ta dễ thỏa lòng hơn.

Tấm lòng vui mừng vốn là một phương thuốc hay, còn trí nao sờn làm cho xương cốt khô héo, Chúa dạy chúng ta như vậy. Niềm vui trong Chúa là điều vô cùng phước hạnh, không có giá trị nào trong trần thế này có thể đánh đổi hoặc thay thế.

Có người nói chỉ cần có tiền là có hạnh phúc. Có phải thật vậy hay không? Suzanne Chazin có viết bài xã luận khá tinh tế mang tựa đề Điều Bạn Chẳng Biết Về Tiền Bạc Và Hạnh Phúc trong đó có nhiều nhận xét chân thực về tâm lý con người trước ảnh hưởng của tiền bạc:

Milton McKnight, một người ở Orlando, Florida, mắc bệnh liệt não nhưng vẫn cố gắng mưu sinh bằng cách bán bông hồng từ chiếc xe lăn. Ông có hai con và muốn chúng nó có nhà cửa yên ổn để cư ngụ. Lợi tức 18.000 Mỹ Kim hàng năm không cho phép ông thực hiện được ước vọng của mình. Thấy ông lúc nào cũng cực nhọc nhưng vui cười, một số cảnh sát ở Orlando vận động quyên góp được 60.000 Mỹ Kim cùng với vật liệu xây cất và nhân lực để làm cho gia đình ông một căn nhà ấm cúng, tiện nghi. Chẳng những ông không cần phải trả tiền nhà mà còn có sẵn 10.000 Mỹ Kim để trang trải sở phí điện nước nữa. Khi lăn xe vào căn nhà mới Milton McKnight nói: Tôi hạnh phúc quá - Không có lời nào có thể diễn tả tấm lòng tri ân của tôi.

David Myers, giáo sư tâm lý Hope College và cũng là tác giả cuốn sách Mưu Cầu Hạnh Phúc, viết: Nếu hỏi người ta tiền bạc có mua được hạnh phúc chăng người ta thường trả lời là là không. Nhưng nếu tiếp tục hỏi rằng có thêm một chút tiền có thể giúp người ta hạnh phúc hơn hay không thì hầu hết mọi người đều đồng yù.

Nhưng vấn đề là có thêm chừng cỡ bao nhiêu? Khi thăm dò ý kiến chung của những nhóm người tiêu biểu thì Cơ Quan Roper cho biết những người có lợi tức từ 15.000 đến 30.000 cảm thấy họ cằn có từ 50.000 đến 60.000 để thực hiện mọi mơ ước thực tế của mình. Trong khi đó những người hiện đang có lợi tức 50.000 cảm thấy họ cần có 125.000 hoặc nhiều hơn. Trong vòng 15 năm vừa qua nhiều người đã bỏ nhiều công phu nghiên cứu về tương quan giữa tiền bạc và hạnh phúc. Sau đây là những khám phá của họ:

Ai cũng muốn một ít xa hoa, sang trọng. Lợi tức hàng trăm ngàn một năm mang lại cho người ta nhiều tiện nghi và thỏa mãn: nhà cao cửa rộng, xe cộ đắt giá, cơ hội du lịch, v. v.... Nhưng những tiện nghi đó có thật sự mang lại hạnh phúc chăng?

Giáo sư tâm lý Mihaly Csikszentmihalyi thuộc Viện Đại Học Boston nói: Thỏa mãn không giống như hạnh phúc. Thỏa mãn là sự vụt thoát nhất thời. Còn hạnh phúc đến từ kinh nghiệm trong đó năng lực tinh thần và tình cảm được đầu tư.

Theo Ken Sheets thi hạnh phúc là căn nhà đơn sơ nằm cạnh bờ hồ gần Auburn, Indiana. Là một công nhân trẻ, có ba con, Ken Sheets muốn ba con của mình có những kỷ niệm mùa hè đáng ghi nhớ. Ông thực hiện ước muốn đó bằng cách mua đất cất một căn nhà nho nhỏ bên bờ hồ, mua cát về làm bãi tắm và treo dây thừng chừng một đồng bạc ngang qua cành cây để làm dây đu cho con mình. Ông phải tự làm lấy mọi việc vì không có đủ tiền để mướn thợ. Bây giờ các con ông đã lớn. Khi chúng nó trở lại căn nhà mùa hè năm xưa, điều chúng nó nhớ hơn cả là công đức yêu thương của ông (his labors of love). Ken Sheets nói: Điều đặc biệt chẳng phải là căn nhà hoặc cái hồ nhưng là sự vui mừng mà cả gia đình chúng tôi đã gói ghém trong đoù.

Người đầy hạnh phúc là người biết đánh giá sự thỏa mãn qua nỗ lực phấn đấu và qua kỷ niệm ngọt ngào. Còn người kém hạnh phúc là người lượng định giá trị theo tài sản. Theo Csikszentmihalyi thì họ xem tài sản như phương tiện giúp họ có cảm giác khá hơn người khác. Người đầy hạnh phúc thì không giống như vậy. Tuy họ biết hưởng tiện nghi vật chất nhưng sự thỏa mãn sâu đậm của họ lại đến qua tương giao tốt lành với người khác.

Đối với Leo và Shirley Wingate thuộc Covington, Tennessee, thì tài sản quí giá nhất của họ là tập sưu tầm tranh ảnh gia đình trong suốt 52 năm. Shirley viết: Đó là chứng cớ cho biết chúng tôi là ai và từ đâu mà đến. Nhờ nó mà chúng tôi còn có thể cười đùa, vui sống và hạnh phuc bên nhau qua những lúc cùng khốn, nợ nần, tan vỡ, bệnh tật v. v...

Hạnh phúc có phải là hưu trí vĩnh viễn để được nhàn hạ không? Có cơ hội hưu trí sớm chưa hẳn đã hạnh phúc. Cứ xem trường hợp của W. Berry Fowler thì rõ. Vào năm 1979 Fowler thành lập một công ty dạy kèm. Ông ta thành công đến nỗi vào năm 1987 ông hưu trí với tài sản lên đến nhiều triệu Mỹ Kim khi ông mới có 41 tuổi. Ông mua chiếc du thuyền dài 50 bộ và một căn nhà ở Hawaii để nghỉ mát. Sau 5 năm ông ta không chịu đựng nổi cảnh nhàn hạ và sau đó lại lăn xả vào công việc mới. Ông nói: Những ngày vui nhất của tôi trên sân cù chưa được bằng phân nửa một ngày tốt của tôi trong sở làm.

Giá trị của việc làm không phải chỉ là lương bổng. Lương bổng hoặc tiền bạc là thù lao nhận được trong việc làm. Nó là phương tiện trao đổi. Chính nó không phải là mục tiêu hoặc cứu cánh của đời sống. Nhiều người thường nghĩ rằng phải có lương bổng cao hoặc  tiền bạc nhiều thì họ mới có thể có cảm giác an ninh. Đúng ra làm được việc tốt mới có thể giúp chúng ta cảm thấy vững lòng và có giá trị.  

Có phải được tăng lương khiến cho người ta cảm thấy được thỏa mãn chăng? 70 phần trăm dân chúng được thăm dò cho biết quả có như vậy. Tuy nhiên được tăng lương không làm cho người ta thỏa mãn bằng nhận được công việc xứng hợp với khả năng. Ít có ai hiểu rõ điều này hơn Richard Westerfield. Sau khi học dương cầm, vĩ cầm và xướng âm, năm 22 tuổi ông có cơ hội điều khiển giàn nhạc hòa tấu lần đầu tiên. Ông còn nhớ ngay trong lúc đó ông nghĩ rằng ông được sanh ra là để làm nhạc trưởng. Cha mẹ của Westerfield khuyên ông học ngành quản trị và sau khi tốt nghiệp cao học kinh doanh ông nhận được một chức vụ với mức lương cao cho một ngân hàng đầu tư quốc tế. Mặc dù rất bận rộn với công việc Westerfield vẫn tiếp tục yêu mến âm nhạc và không ngừng viết hợp âm. Có bao nhiêu ngày phép ông đều dùng để đi nơi này nơi khác điều khiển giàn nhạc. Cơ hội quan trọng đến với Westerfield khi ông được mời thay thế tạm cho vị nhạc trưởng danh tiếng Âu Châu Erich Leinsdorf để điều khiển Giàn Nhạc New York Philharmonic Orchestra. Sau năm đêm điều khiển giàn nhạc hòa tấu, ông được tin cha ông bị bạo bệnh, một chứng ung thư không có phương thuốc chữa trị. Ông nói: Lúc bấy giờ tôi mới thấy rõ cuộc đời thật quá ngắn ngủi để làm được việc mà mình cảm biết là quan trọng. Được sự đồng ý của gia đình, Westerfield dùng trọn thì giờ cho âm nhạc mặc 3ù lợi tức không bằng phân nửa lương hướng của ông trước đó.

Tiền bạc có thể giúp cho một số người vơi đi cơn sầu muộn, giảm bớt được cơn đau nhưng chỉ có tính cách tạm thời. Điều mà mọi người đều cần có là tình bạn chân thành. Giáo sư triết học và xã hội học Alex Michalos thuộc University of Guelph tại Ontario, Canada nói: Loài người được dựng nên để trở thành những động vật xã hội, để hiệp tác, hỗ trợ chứ không phải để đơn phương đảm đương mọi việc. Người có nhiều cọng sự viên là người dễ cảm thấy hạnh phúc hơn những người khác.

Tom và Rachel Leibacher có nhiều bạn thật tốt trong nhà thờ nơi họ nhóm lại thường xuyên. Họ biết bạn của họ rất tốt nhưng chưa biết rõ cho đến khi họ sanh ra đứa con tàn tật đặt tên là Tommy. Chưa được hai tuồi thì Tommy đã phải qua 12 lần giải phẫu vô cùng tốn kém. Sau khi được biết cha mẹ Tommy phải thay phiên nhau túc trực trong nhà thương với con mình suốt cả mùa hè thì bạn bè bắt đầu phân công phụ giúp gia đình của họ. Hết người này đến người khác lo nấu nướng, dọn dẹp, mua sắm, đỡ đần đủ cả mọi việc. Có khi họ ép Tom và Rachel phải đi ra ngoài để ăn trong khi họ trông chừng đứa bé đau yếu. Họ cố gắng hết sức mình để quyên góp hầu có thể trang trải phần nào chi phí thuốc men, bệnh viện. Tom và Rachel nói trong nước mắt: Không phải chỉ nhờø những nghĩa cử cao thượng nhưng còn nhờ tấm lòng quảng đại và tinh thần tương thân tương ái của bạn bè bằng hữu cho nên chúng tôi mới chịu đựng nổi. Không có giá nào có thể đo lường được điều đó.

Có phải thực hiện được mọi ước muốn thì được hạnh phúc chăng? Doris Duke được sanh ra trong một lâu đài ở Nữu Ước. Lớn lên nàng muốn gì thì được nấy: Muốn biến oanh tạc cơ thành phi cơ du lịch riêng cũng được; muốn có hòn non bộ tựa như trong hải dương học viện cũng có... Thế nhưng, khi Doris Duke chết người ta mới biết cả cuộc đời nàng đầy cô đơn và đau khổ. Như vậy, thực hiện được ước muốn chưa hẳn đã hạnh phúc. Theo nhận xét của một số người thì chính nỗ lực thực hiện mơ ước mới làm cho người ta cảm thấy hạnh phúc hơn là khi đã đạt được.

Nếu gặp Joan Smith đi trên đường phố, có lẽ chúng ta không biết cô là ai. Cô là nữ lực sĩ đứng hàng đầu của Hoa Kỳ và đã tham dự hai kỳ Thế Vận Hội. Dù chưa nhận được huy chương nào nhưng cô vẫn cảm thấy hài lòng. Cô nói: Sự tập tành giúp cho tôi hiểu không phải việc chi cũng dễ. Được huy chương cũng không làm thay đổi sự tốt lành và ảnh hưởng tích cực tôi nhận được trong các môn thể thao mà tôi tham dưï.

Mới gần đây, khi nghiên cứu về 55 quốc gia trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, nhiều nhà nghiên cứu thuộc viện Đại Học Illinois cho biết: Tại những quốc gia nào mà lợi tức trung bình của mỗi người trên 10.000 Mỹ Kim thì có thêm tiền người ta cũng không cảm thấy khỏe hơn bao nhiêu. Hoàn cảnh mỗi gia đình mỗi khác. Nhưng dân chúng Hoa Kỳ nói chung cảm thấy thoải mái hơn nhiều dân tộc khác.

Tài sản và hạnh phúc không nhất thiết phải đi đôi với nhau. Có thể có cả hai điều, hoặc có một trong hai, hoặc cũng có thể chẳng có điều nào. Nhiều người tin rằng đối với ai đã có, về sau sẽ có cơ hội được nhiều hơn. Ngay cả Oscar Wilde cũng nhìn nhận: Tiền bạc của cải có thể mất nhưng tài sản thật thì không thể mất được. Trong ngôi nhà châu ngọc của linh hồn bạn có những sự quí báu vô ngần không thể mất được.

Wilfred Grenfell viết: Sự vui mừng chân thật không đến từ sự tiện nghi hoặc giàu có hoặc sự khen tặng của loài người, nhưng đến từ việc thực hiện điều giá trị xứng đáng (Real joy comes not from ease or riches or from the praise of men, but from doing something worthwhile).

Xét cho cùng còn có gì xứng đáng hơn việc vâng theo tiếng gọi của Chúa? Chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc chân thật nơi nào? Nơi thú vui trần tục, tiền bạc, chức tước, danh vọng hoặc thế lực chăng? Chúng ta chỉ thật sự được hạnh phúc nhờ niềm vui trong Chúa mà thôi.

Hugh Elmer Brown viết như sau về Cơ Đốc Giáo:

Cơ Đốc Giáo chẳng phải là tôn giáo u sầu ảm đạm nhưng ấm áp vui mừøng. Nó mang theo trong tim mình hạnh phúc chốn thiên cung.

Cơ Đốc Giáo chẳng phải là sự cấm đoán nhưng là sự mở đàng, ngút ngàn trương cánh bay xa. Nó không trừ khử nhưng gia thêm.

Cơ Đốc Giáo làm cho những tấm lòng tàn tạ héo úa được xinh tươi ấm áp, làm cho những ai già nua được bừng sống trong ánh nắng ban mai, tâm tư thư thái.

Cơ Đốc Giáo không ngăn trở những niềm vui hồn nhiên nhưng khơi động lòng sốt sắng nhiệt thành nhờ ngọn lửa thiêng liêng.

Cơ Đốc Giáo để lại ánh sáng trên mỗi chặng đường trong trần thế, mang lại sự bình an mỗi khi có rối loạn, mang lại nụ cười ngay cả trong những lúc nguy nan.

Cơ Đốc Giáo nhằm gia tăng sinh lực, tựa như ánh nắng mặt trời chiếu trên hoa đang nở rộ chứ không như ánh trăng trên tuyết trắng.

Cơ Đốc Giáo làm cho cuộc đời ngày càng thêm phong phú và đã một lần đi qua thì chẳng cần phải quay trở lại.

Có một bài thơ được đăng trong The Treasure Chest, do Charles L. Wallis sưu tầm và Harper & Row Publishers xuất bản năm 1965:

I asked God for strength, that I might achieve,

I was made weak, that I might learn humbly to obey. . .

I asked for health, that I might do greater things

I was given infirmity, that I might do better things...

I asked for riches, that I might be happy,

I was given poverty, that I might be wise. . .

I asked for power, that I might have the praise of men,

I was given weakness, that I might feel the need of God.

I asked for all things, that I might enjoy life,

I was given life, that I might enjoy all things. . .

I got nothing that I asked for - but every thing that I had hoped for,

Almost despite of myself, my unspoken prayers were answered,

I am among all men, most richly blessed.

Bài thơ này được phỏng dịch như sau:

Tôi xin Chúa ban cho năng lực tôi đạt đến đích,

Tôi nhận được sự yếu đuối để tôi biết vâng lời. . .

Tôi xin được sức khỏe để làm việc cả thể,

Tôi lại phải ốm đau để làm việc tốt hơn. . .

Tôi xin được sang giàu để tôi được sung sướng,

Tôi lại chịu nghèo khó hầu có lòng khôn ngoan. . .

Tôi xin được quyền thế để được người khen ngợi,

Tôi được sự mỏi mòn để biết dựa nương nơi Chúa...

Tôi cầu xin mọi sự để tôi hưởng thụ đời sống,

Tôi được ban cho đời sống để thụ hưởng mọi sự. . .

Tôi chẳng nhận được điều mình cầu xin,

nhưng lại nhận được mọi điều tôi hằng hy vọng,

Dường như Chúa chẳng nghe lời nói ra thành tiếng

Nhưng Chúa lại biết rõ những khát khao câm nín. . .

Trong tất cả muôn người, phước hạnh thay đời tôi…

Bức thư Phao-lô gởi cho anh chị em trong Chúa tại thành Phi-líp là bức thư tràn ngập sự vui mừng. Dù trong cảnh lao tù Phao-lô vẫn một lóng trung kiên, một dạ sắt son với Chúa. Không những vậy, ông còn khuyên những người được thư thái tự do nên vui mừng, thỏa lòng trong mọi sự. Niềm vui lớn nhất trong Chúa không phải là niềm vui nhận được sự ban cho rời rộng những gì mắt có thể thấy, tai có thể nghe, miệng có thể trầm trồ khen ngợi. Nhưng niềm vui lớn nhất trong Chúa là niềm vui của người tìm thấy ý nghĩa thật cho cuộc đời, một cuộc đời biết đón nhận sự yêu thương của Chúa để thiết lập và gầy dựng mối tương quan tốt lành hơn, xứng đáng hơn với Chúa, với người, và với sự vật.

Có ít nhất 10 cách mang lại vui mừng hạnh phúc:

1.     Vui mừng thong thả.

2.     Nguyện cầu thiết tha.

3.     Dâng lời cảm tạ.

4.     Thương người gần xa.

5.     Sẵn sàng vị tha.

6.     Thăm viếng người già.

7.     Nghe tiếng trẻ thơ.

8.     Tiếp người bơ vơ.

9.     Tươi cười cởi mở.

10.                        Thở khí trong lành.

Vui mừng hạnh phúc trong Chúa khác với vui mừng hạnh phúc thông thường của trần thế. Trong Hy Văn, lupe có nghĩa là buồn thảm và chara có nghĩa là vui mừng.

1. Đó là sự vui mừng của những người có đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng (Phi-líp 2:2).

2. Đó là sự vui mừng khi nhận được tin vui của người thân yêu (Phi-líp 2:28).

3. Đó cũng là sự vui mừng của người ân cần niềm nở tiếp rước và tôn trọng bằng hữu (Phi-líp 2:29).

4. Đó còn là niềm vui sâu đậm của người đưa dần người khác đến cùng Chúa và đứng vững trong Ngài (Phi-líp 4:1).

5. Sau cùng, đó cũng là niềm vui và sự cảm tạ của người được các anh chị em trong Chúa chăm sóc, lo tưởng (Phi-líp 4:10).

Đấng Christ là đấng đã từng vui mừng nhận lấy thập tự giá (Hê-bơ-rơ 12:2). Phao-lô ngày xưa đã từng vui mừng vì nhiều cơ hội để phục vụ Chúa. Hội thánh Chúa ngày cảm thấy vui mừng vì được kể là xứng đáng để chịu khổ vì danh Chúa (Công Vụ 5:41). Chúng ta đang vui niềm vui nào? Có phải đó là niềm vui của người đắc thắng chăng, hay đó là niềm vui của người đầu phục? Đó là niềm vui theo cách của người cách xa Chúa hay là niềm vui trong Chúa? Hãy nhớ Chúa là niềm vui cho mỗi chúng ta (Phi-líp 3:1, 4:4). Hãy sống thể nào để sau cùng mỗi chúng ta đều được phép nhận lấy niềm vui đời đời do chính Chúa ban cho trong ngày sau cùng.

Thi Thiên 1 giúp chúng ta hiểu rõ hơn phước hạnh trong Chúa. Đó là phước hạnh của người từng ngày được nuôi dưỡng bằng Lời Hằng Sống của Chúa, từng ngày bước đi theo Chúa cách vui mừng hớn hở và sanh bông trái tốt lành trong đời sống:

1 Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, Chẳng đứng trong đường tội nhơn, Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng;

2Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, Và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm.

3Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, Sanh bông trái theo thì tiết, Lá nó cũng chẳng tàn héo; Mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng.

4Kẻ ác chẳng như vậy đâu; Nhưng chúng nó khác nào rơm rác gió thổi bay đi.

5Bởi cớ ấy kẻ ác chẳng đứng nổi trong ngày đoán xét, Tội nhơn cũng không được vào hội người công bình.

6Vì Đức Giê-hô-va biết đường người công bình, Song đường kẻ ác rồi bị diệt vong.

Ma-thi-ơ đoạn 5 thuật lại lời Chúa Giê-xu giảng dạy về thiên ân, về ơn phước đến từ trời và sau đó là lời kết luận trong đoạn 7:

3Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!

4Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi!

5Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưỡng được đất!

6Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ!

7Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!

8Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời!

9Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!

10Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!

11Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước.

12Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy.

Ma-thi-ơ 7:24-25

24Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên hòn đá. 25Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy; song không sập, và đã cất trên đá.


Tứ Mùa Tâm Linh

Tân Tạo

                                                        Tươi Tỉnh

Tăng Tiến

Tịnh Tâm