Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 31

Phước cho người nghèo khó

Ma-thi-ơ 5:3

".... phước cho người có lòng khó khăn (nghèo khó)"

Câu hỏi suy ngẫm: Người có "lòng khó khăn" có nghĩa là gì? Người có lòng khó khăn (nghèo khó) nhận thức thế nào về chính mình và có thái độ nào với Chúa? Tại sao một người như thế sẽ hưởng được nước thiên đàng? Bạn kinh nghiệm điều này thế nào?

Bắt đầu nói về hạnh phúc như thế này là một lối hơi lạ. Chữ nghèo khó trong tiếng Y Lạp là ptochos mô tả người tuyệt đối khốn cùng, hoàn toàn không có gì hết. Trong tiếng A-ram là ani và ebion mô tả người nghèo khiêm nhường và bất lực đặt trọn lòng tin nơi Đức Chúa Trời. Vậy, 'phước cho kẻ có lòng khó khăn' có nghĩa là: Phước cho người nhận biết sự bất lực hoàn toàn của mình và đặt hết lòng tin cậy vào Đức Chúa Trời. Nếu một người ý thức sự hoàn toàn bất lực của mình và đặt trọn lòng tin nơi Đức Chúa Trời, trong cuộc sống người ấy sẽ có hai mặt. Một mặt là người hoàn toàn tách biệt khỏi sự vật, vì người ấy biết trong sự vật không có gì đem lại an ninh và hạnh phúc. Thứ hai, người sẽ được ràng buộc trọn vẹn với Đức Chúa Trời, biết rằng chỉ có Đức Chúa Trời đem lại cho mình sự cứu giúp, hi vọng và sức mạnh. Người nghèo về phần tâm linh là người ý thức rằng vật chất không có nghĩa lý gì và Đức Chúa Trời là mọi sự. Ta phải cẩn thận không nên cho rằng phước lành gọi sự nghèo khó về vật chất là một điều tốt đâu. Nghèo khổ không phải là một điều tốt. Chúa Giê-xu không bao giờ gọi cảnh trạng người sống chen chúc trong chỗ bùn lầy nước đọng, ăn không đủ, sức khỏe mỗi ngày càng suy kém vì những điều kiện khắc nghiệt là phước hạnh. Loại nghèo khó đó là mục tiêu giải quyết của Cơ đốc giáo. Sự nghèo khó được kể phước là nghèo khó trong tâm linh, tâm linh cảm biết hoàn toàn thiếu thốn nguồn năng lực để đương đầu với cuộc đời nên tìm được sự cứu giúp và sức mạnh trong Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu bảo sự nghèo khó như thế thuộc về Nước Đức Chúa Trời. Tại sao? Nếu chúng ta lấy hai lời cầu xin trong bài cầu nguyện chung và đặt chúng với nhau: '... Xin Nước Cha được đến, ý Cha được nên, ở đất như trời'. Chúng ta sẽ tìm được một ý nghĩa: Nước Đức Chúa Trời là một xã hội trong đó ý chỉ Đức Chúa Trời sẽ được thực hiện trọn vẹn ở đất như trời. Nghĩa là ai làm theo ý chỉ Đức Chúa Trời là công dân của Nước Trời, và chúng ta chỉ có thể làm theo ý chỉ Chúa khi chúng ta nhận thức mình hoàn toàn bất lực, hoàn toàn ngu dốt, hoàn toàn không thể đối chọi với đời và hoàn toàn đặt lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Sự vâng phục bao giờ cũng đặt nền tảng trên lòng tin cậy. Nước Đức Chúa Trời là sở hữu của kẻ nghèo khó tâm linh, vì người nghèo khó trong tâm linh biết rõ nếu thiếu Đức Chúa Trời, họ hoàn toàn bất lực nên đã học tập tin cậy và vâng lời. Vậy phước lành đầu tiên có nghĩa là: "Ồ, phước cho người nào nhận biết chín chắn sự hoàn toàn bất lực của mình và hoàn toàn đặt lòng tin nơi Đức Chúa trời, vì chỉ có cách đó người ấy mới hoàn toàn vâng phục Chúa và trở thành công dân thiên quốc."

Chúa ơi, Ngài biết ngoài Ngài con không tìm được phước hạnh nào khác, xin cho tâm linh con luôn khao khát Ngài, xin ở trong con luôn luôn.

(c) 2024 svtk.net