Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 3

Phước Của Cuộc Đời Có Chúa Cai Quản

Ma-thi-ơ 5:5

"Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất"

Câu hỏi suy ngẫm: Nhu mì là gì? Nói lên thái độ nào của chúng ta đối với Chúa và đối với người khác? "Hưởng được đất"có nghĩa gì? Mô tả phước hạnh nào? Tại sao người nhu mì sẽ hưởng phước hạnh này?

Ngày nay chữ "nhu mì" không phải là một từ ngữ đáng quí. Nó mang một ý niệm không xương sống, khúm núm và tinh thần hèn hạ. Nó là hình ảnh một người bất tài chỉ biết phục tùng. Nhưng trong tiếng Y Lạp nhu mì là chữ prauss, một trong những chữ đạo đức quan trọng.

Aristotle nói nhiều về đức tính nhu mì (praotes). Phương pháp bất dịch của Aristotle để định nghĩa mỗi đức hạnh là dùng con đường trung dung giữa hai thái cực. Một bên là thái quá, một bên là bất cập, ở giữa là đức hạnh, trung dung. Thí dụ, một bên là hoang phí, một bên là bần tiện, ở giữa là người rộng lượng. Aristotle định nghĩa nhu mì là điểm trung dung giữa orgilotes cuồng nộ và aorgesia, không giận. Praotes nhu mì như Aristotle thấy, là điểm trung dung giữa giận quá đáng và giận quá ít. Vậy cách thứ nhất khả dĩ dịch được phước lành này là:

Phước cho người bao giờ cũng giận đúng lúc và không bao giờ giận sai thời.

Nếu hỏi lúc nào là đúng lúc và lúc nào là không đúng lúc, ta có thể nói như một luật chung của cuộc sống. Chúng ta giận dữ khi cá nhân mình bị thương tổn hoặc thiệt hại thì không bao giờ đúng. Người Cơ Đốc không được nổi giận như vậy. Thời điểm đúng là giận đối với những thiệt hại làm cho người khác. Giận ích kỷ bao giờ cũng là tội, giận không vì tư kỷ là động lực đạo đức lớn trong thế gian.

Nhưng chữ prauss trong tiếng Y Lạp còn một cách dùng chính nữa là dùng chỉ một con thú đã thuận phục, đã được huấn luyện để tuân thủ mệnh lệnh và dây cương. Đó là chữ dùng cho con vật đã học biết chấp nhận sự kiểm soát. Vậy cách thứ hai khả dĩ dịch phước lành này là:

Phước cho người làm chủ được mọi trực giác, mọi xúc động và khát vọng của mình. Phước cho người nào hoàn toàn tự chủ.

Khi đã nói như vậy chúng ta thấy cần có một sửa đổi. Không hẳn là "Phước cho người nắm quyền tự chủ", vì hoàn toàn tự chủ là điều vượt quá khả năng con người, thật ra là "Phước cho người nào hoàn toàn được Đức Chúa Trời cai quản", vì chỉ trong sự phục vụ Chúa, chúng ta mới hoàn toàn tự do, và chỉ khi làm theo ý chỉ Chúa chúng ta mới tìm thấy sự bình an.

Lạy Chúa, xin ban cho con đức tính nhu mì, thuận phục Ngài trọn vẹn vì Ngài biết tính ương nghịch, phản loạn trong con.

(c) 2024 svtk.net