Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 1

Sự ràng buộc không được bứt đứt

Ma-thi-ơ 5:31-32; Ê-phê-sô 5:22-23

"Nếu người nào để vợ mà không phải vì cớ ngoại tình, thì người ấy làm cho vợ mình ra người tà dâm; lại nếu người nào cưới đàn bà bị để, thì cũng phạm tội tà dâm." (Ma-thi-ơ 5:31).

Câu hỏi suy ngẫm: Cựu Ước có quan niệm thế nào về hôn nhân? Nhiều nhân vật trong Cựu Ước có nhiều vợ; điều này có phải là Chúa chấp nhận đa thê không? Chúa Giê-xu nói gì về vấn đề li dị? Bạn nghĩ gì về vấn đề li dị trong xã hội ngày nay?

Khi thiết định luật này cho hôn nhân, Chúa Giê-xu đã có ý chống lại thực trạng xã hội thời ấy. Trong lịch sử, không thời nào sự bền vững của hôn nhân bị đe dọa nghiêm trọng cho bằng những ngày Cơ Đốc giáo mới ra đời. Thời đó, thế giới đang trong cơn nguy chứng kiến sự tan vỡ của hôn nhân và sự sụp đổ của gia đình. Cơ Đốc giáo có một bối cảnh lưỡng diện: một là bối cảnh thế giới Do thái, hai là bối cảnh thế giới La Mã và Y Lạp. Chúng ta hãy xem lời dạy của Chúa Giê-xu chống lại với hai bối cảnh này.

Theo lý thuyết, người Do thái xem hôn nhân là nghĩa vụ thánh mà người nam buộc phải làm. Người chỉ được trì hoãn, kiêng cử việc cưới hỏi vì một lý do thôi: dâng trọn thì giờ để nghiên cứu luật pháp. Nếu người nam từ chối không chịu cưới vợ và sinh con thì đã vi phạm điều răn truyền cho con người là phải kết quả và sinh sản thêm nhiều, người đã 'làm nhỏ đi hình ảnh của Đức Chúa Trời trong thế gian và đã giết chết dòng dõi mình'. Theo lý tưởng, người Do thái ghê tởm sự ly dị. Đức Chúa Trời đã phán: "Ta ghét người nào bỏ vợ" (Ma-la-chi 2:16). Nhưng thực tế kém xa lý tưởng. Điều làm hỏng mối liên hệ hôn nhân là luật pháp coi người nữ như một đồ vật, nàng hoàn toàn ở dưới quyền cha và chồng, không có quyền pháp định, nên việc ly dị dễ dàng đến nỗi nhiều thiếu nữ không muốn lập gia đình vì hôn nhân không có gì bảo đảm cả. Chúa Giê-xu dạy không như lý tưởng gia mà là một nhà cải cách thực tế. Ngài đang tìm thế đối xử với một tình huống, trong đó cơ cấu đời sống gia đình đang sụp đổ và nền đạo đức quốc gia đang trở nên vô luân.

Chúng ta cũng cần thấy tình trạng hôn nhân trong thế giới rộng lớn mà những giáo huấn của Cơ Đốc giáo sẽ lan truyền đến. Quan điểm Y Lạp về hôn nhân là một sự trái nghịch lạ thường. Người Y Lạp đòi hỏi người đàn bà đáng kính trọng phải sống cuộc đời ẩn dật, đến nỗi bà không được phép ra đường một mình, thậm chí cũng không được dùng bữa trong những phòng của đàn ông. Bà không được tham dự vào cuộc sống xã hội. Người đàn ông Y Lạp đòi hỏi vợ mình phải trinh khiết trọn vẹn còn chính mình lại tự do phóng túng. Trong một nền văn minh như thế, sự dạy dỗ của Cơ Đốc giáo về trinh tiết và lòng chung thủy trong hôn nhân quả là một điều mới lạ.

Cả tôn giáo và xã hội La Mã nguyên thủy được thiết lập trong gia đình. Căn bản của nền thịnh vượng chung La Mã là patria potestas, phụ quyền. Người cha có quyền trên sự sống và sự chết của gia đình. Đối với người La Mã, gia đình là tất cả. Người đàn bà La Mã không ẩn dật như đàn bà Y Lạp, họ tham dự vào mọi lãnh vực. Về phương diện quân sự và quyền lực thì La Mã chinh phục Y Lạp, nhưng trong nghĩa đạo đức và xã hội thì Y Lạp đã chinh phục La Mã. Vào thế kỷ thứ hai trước Chúa, luân lý Y Lạp thâm nhập La Mã, sự sụp đổ của hôn nhân là thê thảm. Ly hôn cũng trở nên quá bình thường như kết hôn vậy.

Vì thế, những đòi hỏi về trinh tiết Cơ Đốc đã làm cho thế giới xưa kinh ngạc biết chừng nào. Cơ Đốc giáo đã đưa lý tưởng về sự trinh tiết và chung thủy vào thế giới, một lý tưởng mà con người không dám ước mơ.

Lạy Chúa xin giúp con biết giá trị cao trọng của hôn nhân mà Chúa đặt để, giúp con biết tôn trọng và bảo vệ vì đấy là món quà Chúa ban cho con người.

(c) 2024 svtk.net