Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Sự cáo chung của lòng oán hận và báo thù (III)

Ma-thi-ơ 5:38-42

"Nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường hãy đi hai dặm với họ." (c. #41)

Câu hỏi suy ngẫm: Lời dạy trong câu #41 liên hệ thế nào với bối cảnh xã hội thời đó? Chúng ta rút ra được nguyên tắc nào từ lời dạy này? Bạn áp dụng nguyên tắc này thế nào khi làm việc trong sở hay hầu việc Chúa trong Hội Thánh?

Đây là bức tranh chúng ta ít biết vì nó xuất phát từ một xứ bị chiếm đóng. Chữ 'bắt' ở đây dùng tiếng Y Lạp là aggareuein, động từ này cũng có một lịch sử. Nó có danh từ aggereus mà trong tiếng Ba-tư, có nghĩa là người đưa thư. Người Ba-tư có một hệ thống bưu điện hơi lạ. Mỗi con đường được chia thành nhiều chặng, mỗi chặng đường dài một ngày đường. Tại mỗi trạm đều có lương thực cho người đưa thư, nước và cỏ khô cho ngựa và ngựa mới để lên đường. Nhưng, nếu chẳng may còn thiếu món nào, một tư nhân được chỉ thị phải cung cấp thức ăn, nơi ở, ngựa cùng sự trợ cấp, thậm chí chính mình đem sứ điệp đi một dặm đường. Chữ 'bắt buộc' là aggereuein. Cuối cùng chữ đó có nghĩa là một sự trưng dụng vào công tác phục vụ quyền lực chiếm đóng. Đôi khi quyền lực chiếm đóng được trưng thu một cách tàn bạo và không thương xót, mọi hình thức đe dọa, áp bức luôn luôn treo trên đầu người dân. Palestine là một xứ bất trị, bất cứ lúc nào người dân Do thái cũng có thể thấy mũi giáo La Mã kề cổ và biết rằng mình phải phục vụ người La Mã theo phận tôi đòi, như Si-môn người Sy-ren khi bị bắt phải vác thập tự giá của Chúa Giê-xu. Nhưng Chúa Giê-xu phán: "Giả thử ông chủ đến cùng ngươi và bắt buộc ngươi phải hướng dẫn hoặc khuân vác đi một dặm thì đừng đi một dặm với cừu hận, cay đắng: hãy đi hai dặm với sự vui vẻ và thanh lịch". Điều Chúa Giê-xu dạy: "Đừng luôn luôn nghĩ về sư tự do của người muốn làm gì tùy ý, hãy luôn nghĩ về bổn phận và đặc ân được phục vụ kẻ khác. Khi một công việc đè nặng trên vai ngươi, dù là công việc vô lý, đáng ghét, đừng làm như một bổn phận thê thảm đáng cừu hận, những hãy làm cách vui mừng." Bao giờ cũng có hai cách làm việc: làm ở mức độ tối thiểu không thêmgì, làm để chứng tỏ mình thù ghét công việc, hoặc làm với một nụ cười, một sự nhã nhặn thanh cao, vớisự quyết tâm không phải chỉ làm cho xong nhưng còn làm tốt đẹp. Người có thể làm không phải chỉ vì phải làm, mà còn làm hơn điều người ta mong đợi. Công nhân không làm đúng mức, người đầy tớ để tâm oán hận, người giúp việc cộc cằn thì chưa khởi sự có ý niệm đúng về cuộc đời Cơ Đốc. Người Cơ Đốc không quan tâm đến việc được làm theo ý mình, chỉ quan tâm đến sự phục vụ, dù đòi hỏi phục vụ đó có vô phép, vô lý và độc đoán.

Đoạn sách này trong khung cảnh của những bức tranh linh động ở Đông phương. Chúa Giê-xu thiết định qui luật quan trọng: Người Cơ Đốc không bao giờ cừu hận hoặc tìm cách báo thù sụ sỉ nhục dầu có tính toán và độc ác đến đâu; người Cơ Đốc không bao giờ bám vào quyền hạn, cả quyền hạn pháp lý lẫn quyền hạn mình nghĩ đương nhiên hưởng. Người Cơ Đốc không bao giờ nghĩ đến quyền làm theo ý mình nhưng bao giờ cũng nghĩ đến bổn phận cứu giúp. Vấn đề là: Chúng ta đạt đến mức nào trong những tiêu chuẩn đó?

Chúa ơi sống theo Lời Ngài dạy thật khó, con chỉ làm được khi có Ngài giúp, xin giúp con sống mà không đòi hỏi.

(c) 2024 svtk.net