Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 12

Mối Liên Hệ Sinh Tử

Giăng 15:1-5

"Ta là cây nho thật, Cha ta là người vun trồng… các ngươi là nhánh" (Giăng 15:5)

Câu hỏi suy ngẫm: Lúc nào và trường hợp nào Chúa Giê-xu phán những lời này? Thí dụ cây nho nói lên những chân lý nào? Tại sao có thể gọi sự liên hệ giữa Chúa với ta là một sự liên hệ sinh tử? Bạn đã sống trong mối liên hệ này chưa?

Nhiều nhà giải Kinh đồng ý là những lời phán và lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu mà Giăng đã ghi chép lại trong ba đoạn 15,16,17 đều nhằm lúc ra khỏi phòng cao nơi vừa ăn lễ Vượt Qua, trước khi vào vườn Ghết-sê-ma-nê cầu nguyện và lên thập tự giá chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Lời Chúa vốn quí báu lại được phán ra trong giờ phút và trường hợp quan trọng như thế khiến càng quí báu muôn phần hơn, chúng ta nên đọc và suy gẫm cách nghiêm túc.

Chúa Giê-xu phán rằng: "Ta là cây nho thật". Tĩnh từ "thật" (true) có nghĩa thông thường là trái với "giả", nhưng ở đây chắc không những có ý so sánh thật với giả, nhưng còn có ý so sánh sự khác biệt giữa bóng và hình, giữa sự bất toàn và sự hoàn toàn trọn vẹn. Theo nguyên tự có thể dịch là "very" (chính là) hay là "indeed" (quả thực là). Một người giữ đúng theo lời môi miệng đã hứa là "a true man", nhưng một người giữ đúng lời hứa vì bản chất, tên tuổi và danh dự mình là "a very man", "a man indeed". Đức Chúa Trời "thật" chẳng những có nghĩa là Ngài khác với các thần "giả", mà cũng có nghĩa là bản chất Ngài không dối trá. Dân Y-sơ-ra-ên cũng được gọi là cây nho nhưng không là cây nho "thật" như chính Chúa Giê-xu.

"Các ngươi là nhánh". Nhờ dính liền với gốc, các nhánh nhận được nhựa để sống và kết quả. Gốc là nguồn gốc của nhánh. Sự liên hệ ấy là sự liên hệ sinh tử: dính vào thì sống, rời ra thì chết. Cơ Đốc nhân liên hệ với Chúa Cứu Thế cũng như thế, không phải miệng nói: Chúa, Chúa, mà được sống đâu, bèn là phải có kinh nghiệm dính liền với Chúa, Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa. Kết quả là có sự sống dư dật và ra trái ngày càng sai trĩu hơn.

"Cha ta là người vun trồng" (vine dresser theo bản nhuận chánh), diễn tả ý nghĩa chăm sóc, vun xới, vô phân tưới nước, gìn giữ bảo vệ tỉa sửa, lo lắng cho sự lớn lên và kết quả của cây nho. Cảm tạ ơn Chúa về ơn phước đó.

Lạy Chúa, con nguyện luôn luôn liên kết với Chúa như nhánh nho liền gốc để sống dư dật và kết quả cho Ngài.

(c) 2024 svtk.net