Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 20

Bài Cầu Nguyện Của Môn đệ

Ma-thi-ơ 6:9-15

"Vậy các ngươi hãy cầu như vầy…" (Ma-thi-ơ 6:9)

Câu hỏi suy ngẫm: Bài cầu nguyện này Chúa dạy cho ai? Với mục đích gì? Bài cầu nguyện Chúa dạy chia làm mấy phần? Bài cầu nguyện này cho chúng ta khuôn mẫu tổng quát nào?

Trước khi khởi sự suy gẫm chi tiết về bài cầu nguyện chung, có vài điều chúng ta cần ghi nhớ.

Cần chú ý đây là bài cầu nguyện Chúa Giê-xu dạy các môn đệ. Cả Ma-thi-ơ và Lu-ca đều xác định điểm đó. Ma-thi-ơ để Bài Giảng Trên Núi nhắm vào các môn đệ (Ma-thi-ơ 5:1) còn Lu-ca cho biết Chúa Giê-xu dạy bài cầu nguyện này vì cớ sự yêu cầu của một trong các môn đệ Ngài (Lu-ca 11:1). Điều trước nhất phải nhớ là bài Cầu Nguyện Chung chỉ dành cho tín hữu. Đó là bài cầu nguyện mà những ai cam kết phó mình cho Chúa Cứu Thế Giê-xu thốt ra thì mới có ý nghĩa. Bài cầu nguyện chung không phải là bài cầu nguyện của trẻ con như nhiều người thường nghĩ. Thật thế, bài đó không có ý nghĩa nhiều đối với trẻ con, cũng không phải là Bài cầu Nguyện Gia đình như thường gọi, trừ phi chữ gia đình có nghĩa là "gia đình của Hội Thánh". Bài cầu nguyện chung đặc biệt và được xác định là bài cầu nguyện của môn đệ, và chỉ trên môi miệng của môn đệ bài cầu nguyện này mới có ý nghĩa. Nói cách khác, chỉ có thể đọc bài cầu nguyện chung khi người đó biết mình đang nói gì, và người ấy không thể biết cho đến khi đã trở thành môn đệ thật.

Chúng ta cần chú ý đến trật tự những lời cầu xin của Bài Cầu Nguyện Chung. Ba điều lặp lại trước tiên liên hệ đến Đức Chúa Trời và sự vinh hiển của Ngài, ba điều lặp lại kế đó liên quan đến nhu cầu chúng ta. Nghĩa là trước hết Đức Chúa Trời phải được đứng vào chỗ tối cao rồi mới đến chúng ta và những điều lòng ta ao ước. Chỉ khi Đức Chúa Trời có vị trí xứng hiệp với Ngài thì mọi sự mới vào nền nếp đúng đắn. Cầu nguyện không bao giờ là một thứ cố gắng uốn ý chỉ Đức Chúa Trời xuôi theo lòng ao ước chúng ta. Cầu nguyện luôn luôn là sự cố gắng đem ý muốn chúng ta thuận phục ý chỉ Đức Chúa Trời.

Phần thứ hai của Bài Cầu Nguyện Chung là một kết hợp kỳ diệu những nhu cầu và nhu yếu của chúng ta. Phần này luận về ba nhu cầu cơ bản của loài người và ba phạm vi thời gian mà con người sinh hoạt. Trước hết, lời cầu xin bánh là xin điều thiết yếu duy trì sự sống và bởi đó đem nhu cầu của hiện tại đến trước ngôi Đức Chúa Trời. Thứ hai, cầu xin ơn tha thứ là đem quá khứ vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời và ơn tha thứ của Chúa. Thứ ba, là lờ cầu xin giúp đỡ trong cơn cám dỗ, nghĩa là giao phó cả tương lai vào trong tay Đức Chúa Trời. Trong ba lời cầu xin vắn tắt này chúng ta được dạy đặt để hiện tại, quá khứ và tương lai ở trước bệ chân Chúa.

Bài cầu nguyện này không những là bài trình bày trọn cuộc đời chúng ta ở trước sự hiện diện của Chúa, nhưng cũng là bài cầu xin Ba ngôi Đức Chúa Trời ngự trong cuộc sống chúng ta nữa. Khi xin bánh để duy trì cuộc sống trên đất là chúng ta hướng lòng về Đức Chúa Cha, Đấng Tạo hoá nâng đỡ mọi cuộc sống. Khi xin ơn tha thứ là hướng lòng đến Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa và Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Khi xin cứu giúp trong cơn cám dỗ tương lai là hướng lòng đến Đức Thánh Linh, Đấng Yên ủi, Đấng Thêm sức, Đấng Soi sáng, Đấng Hướng dẫn và Đấng Canh giữ đường lối chúng ta.

Bằng một cách thật lạ lùng phần thứ hai ngắn ngủi này của bà cầu nguyện chung đem hiện tại, quá khứ và tương lai của cuộc sống con người trình ra trước Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh, Ba Ngôi hiệp một Đức Chúa Trời. Trong Bài cầu Nguyện Chung, Chúa Giê-xu dạy chúng ta đem cả cuộc đời đến với Ba Ngôi Đức Chúa Trời và đem Ba Ngôi Đức Chúa Trời vào suốt cuộc đời chúng ta.

Cảm tạ Chúa cho con hiểu được điều Chúa muốn dạy con khi cầu nguyện. Xin Chúa giúp từ đây khi dâng lên Chúa Bài Cầu Nguyện Chung con thấy được mối liên hệ mật thiết với Ba Ngôi Đức Chúa Trời.

(c) 2024 svtk.net