Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 27

Nước Cha và ÝCha

Ma-thi-ơ 6:10

"Nước Cha được đến, ý Cha được nên, ở đất như trời"

Câu hỏi suy ngẫm: Nước Đức Chúa Trời có nghĩa là gì? Tại sao Nước Đức Chúa Trời là trọng tâm sứ điệp Chúa Giê-xu rao giảng? Nước Đức Chúa Trời đến với ai? Ở đâu? Bằng cách nào? Nước Trời có đến với bạn chưa? Bằng cách nào?

Từ ngữ "Nước Đức Chúa Trời" là đặc trưng của Tân Ước. Không có câu nào được dùng nhiều hơn câu này trong lời cầu nguyện, giảng dạy và trong văn chương Cơ Đốc. Bởi vậy, chúng ta phải biết rõ ý nghĩa từ đó là gì.

"Nước Đức Chúa Trời" là trung tâm sứ điệp của Chúa Giê-xu. Lần đầu tiên Ngài xuất hiện là khi Ngài đến xứ Ga-li-lê rao giảng Tin lành về Nước Đức Chúa Trời (Mác 1:14). Chính Chúa Giê-xu cho biết giảng về Nước Đức Chúa Trời là một nghĩa vụ đè nặng đôi vai Ngài: "Ta cũng phải rao Phúc Âm của Nước Đức Chúa Trời nơi các thành khác, vì cốt tại việc đó mà ta được sai đến" (Lu-ca 4:43; Mác 1:48). Lu-ca mô tả hoạt động của Chúa Giê-xu là "Ngài đi thành này đến thành kia, làng này đến làng khác giảng dạy và rao truyền Phúc Âm của Nước Đức Chúa Trời" (Lu-ca 8:1). Như thế chúng ta buộc phải tìm hiểu ý nghĩa Nước Trời.

Khi tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ này chúng ta gặp một khúc mắc. Chúa Giê-xu nói về Nước với ba lối khác nhau. Ngài nói về Nước như đã có từ trong quá khứ. Ngài phán rằng Ap-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp cùng hết thảy đấng tiên tri đều ở trong Nước Đức Chúa Trời (Lu-ca 13:28; Ma-thi-ơ 8:11). Nước Chúa có từ trong lịch sử xa xưa, Ngài cũng nói về Nước trong hiện tại khi Ngài phán: "Này, Nước Đức Chúa Trời ở trong các ngươi" (Lu-ca 17:21). Vậy Nước Đức Chúa Trời là một thực tại hiện có ở thế hạ này, Ngài lại nói về Nước như sẽ có trong tương lai vì Ngài dạy ngươi ta cầu xin Nước Chúa được đến. Một "Nước" làm sao đồng thời mà có cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai? Làm thế nào Nước lại có thể đồng thời là điều gì đã có, hiện có và chúng ta còn phải có bổn phận cầu nguyện cho Nước đó đến nữa?

Đặc điểm của các hành văn Hê-bơ-rơ thuật đặt câu song hành, nói điều gì đó cách này rồi nói lại một cách khác lặp lại, nói rộng hơn và giải nghĩa cách trên. Ví dụ để thấy rõ điều đó: "Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân" (Thi-thiên 46:1). "Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì. Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi, dẫn tôi đến mé nước bình tịnh" (Thi-thiên 23:1-2). Ap dụng phương pháp này cho hai lời cầu nguyện của Bài Cầu Nguyện Chung. Hãy để :Nước Cha được đến" bên cạnh "Ý Cha được nên, ở đất như trời". Giả định lời cầu xin thứ hai cắt nghĩa lời cầu xin thứ nhất, chúng ta sẽ thấy định nghĩa trọn vẹn về Nước Đức Chúa Trời. Nước Đức Chúa Trời là một xã hội trên đấ tmà ý chỉ Đức Chúa Trời được thực hiện trọn vẹn như ở trên trời. Tại đây chúng ta có lời giải thích tại sao đồng thời Nước Chúa có thể là quá khứ, hiện tại và tương lai. Người nào trong thời quá khứ của lịch sử đã làm trọn ý muốn của Đức Chúa Trời thì ở trong Nước Ngài; người nào hiện đang làm trọn ý muốn Đức Chúa Trời cũng ở trong Nước Ngài. Nhưng vì thế gian thật còn xa vời chưa phải là nơi ý chỉ Đức Chúa Trời thực hiện cách phổ thông và trọn vẹn nên điểm tuyệt đích của Nước vẫn còn trong tương lai và còn là điều chúng ta phải cầu nguyện.

Ở trong Nước Chúa là vâng phục ý chỉ của Chúa. Như vậy chúng ta thấy ngay rằng Nước ở đây không liên quan gì đến các nước, các dân, các xứ, nhưng liên hệ đến mỗi người chúng ta. Nước ấy quả là điều riêng tư trong thế gian này. Nước đòi hỏi sự thuận phục ý muốn tôi, tấm lòng tôi, đời sống tôi. Chỉ khi nào mỗi người chúng ta tự ý quyết định và thuận phục thì Nước Chúa đến. Cầu nguyện cho Nước Trời là cầu nguyện cho ý muốn của chúng ta hoàn toàn thuận phục ý chỉ của Chúa.

Có lời cầu nguyện của người Trung Hoa rất hay: "Lạy Chúa, xin phục hưng Hội Thánh Ngài, bắt đầu từ tôi". Chúng ta có thể đổi lời cầu nguyện ấy lại thành:

Lạy Chúa, xin đem Nước Trời đến, bắt đầu từ con.

(c) 2024 svtk.net