Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 2

Không Kiêng An Cách Nào

Ma-thi-ơ 6:16-18

"Khi các người kiêng ăn, chớ làm bộ buồn rầu..." (Ma-thi-ơ 6:6)

Câu hỏi suy ngẫm: Đối với người Do Thái kiêng ăn có mục đích gì? Quan niệm về kiêng ăn của người Do Thái có thể đưa đến những hiểm hoạ nào? Với chúng ta ngày nay, kiêng ăn nhằm mục đích gì? Bày tỏ điều gì trong mối tương giao với Chúa?

Trong sự kiêng ăn của người Do Thái, có ba ý niệm chính:

1. Kiêng ăn là một nỗ lực, cố ý làm Đức Chúa Trời chú ý đến mình và để khiến Ngài thăm viếng kẻ ép linh hồn mình như vậy.

2. Kiêng ăn là một sự cố ý bày tỏ lòng ăn năn thật. Kiêng ăn là đảm bảo lòng thành thật của lời nói và lời cầu nguyện cốt để làm chứng cớ cho sự ăn năn thật. Điều nguy hiểm ở đây là bằng chứng của sự kiêng ăn rất dễ bị dùng để thay thế cho sự ăn năn.

3. Phần lớn sự kiêng ăn có tính cách thay thế, không vì mục tiêu cá nhân nhưng để cảm động Đức Chúa Trời giải quyết cho xứ sở. Như người sùng đạo từng nói: "Người thường không thể làm điều này vì bị công việc và thế gian lôi cuốn. Chúng ta kiêng ăn để bù đắp cho sự thiếu sùng kính của người khác". Đó là lý thuyết và thực hành sự kiêng ăn của người Do Thái.

Dù lý tưởng về sự kiêng ăn có cao đến đâu, trong thực hành vẫn có những hiểm hoạ không thể tránh. Hiểm hoạ lớn nhất là người ta có thể coi kiêng ăn là dấu chỉ lòng tin kính cao trội, trở thành sự cố ý trình diễn không phải với Đức Chúa Trời mà với con người, để tỏ ra mình là người kỷ luật và sùng đạo. Đó chính là điều Chúa Giê-xu lên án. Ngài lên án sự kiêng ăn khi nó được dùng để phô trương lòng tin kính. Người Do Thái kiêng ăn vào ngày thứ hai và thứ năm, đó là những ngày phiên chợ và trong những thành phố, làng mạc, nhất là tại thành Giê-ru-sa-lem, có những người từ miền quê lên rất đông, kết quả là những người muốn phô trương thì trong những ngày ấy có thể có số khán giả đông hơn, sẵn sàng khâm phục lòng tin kính của họ. Cố nhiên họ đã cố ý dùng những biện pháp để người khác không thể bỏ qua sự kiện họ đang kiêng ăn. Họ ra đường đầu tóc bù xù không chải, quần áo lấm lem, xốc xếch. Thậm chí họ còn cố ý làm da mặt trắng để trông có vẻ xanh xao. Đó không phải la hành động của sự khiên nhường mà là một hành động cố ý của sự kiêu ngạo thuộc linh và phô trương.

Các ra-bi khôn ngoan nhất cũng nghiêm khắc lên án điều này y như Chúa Giê-xu. Họ biết rất rõ sự kiêng ăn chỉ để kiêng ăn thì không có giá trị gì. Họ bảo lời khấn kiêng ăn giống như cái gông sắt của tù nhân. Ai tự buộc mình vào lời khấn ấy bị coi như một người thấy một cái gông ở đâu đó và tự nguyện chui đầu vào đó để trở thành nô lệ cách vô ích. Một trong những lời nói tinh tế nhất của các ra-bi là: "Trong ngày phán xét mọi người phải khai ra những điều tốt lành đáng lẽ mình hưởng mà lại không hưởng". Bổn phận của con người là đón nhận và vui hưởng vẻ đẹp của thế giới, đừng chối bỏ. Kiêng ăn chỉ để kiêng ăn hoặc để phô trương lòng sùng kính thì chẳng có một giá trị tôn giáo nào cả.

Chúa ơi, con dễ vấp phải lỗi phô trương lòng sùng kính, xin giúp con gần Chúa hơn để con không làm điều này.

(c) 2024 svtk.net