Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Sự Phục Vụ Độc Quyền

Ma-thi-ơ 6:24-34

"Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người này mà yêu người kia, hoặc trọng người này mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn nữa".

Câu hỏi suy ngẫm: Từ "Làm tôi" có nghĩa gì? Tại sao không ai có thể làm tôi hai chủ? Tại sao không thể làm tôi Đức Chúa Trời vừa làm tôi Ma-môn? Điều này cho thấy Chúa đòi hỏi chúng ta phải có mối liên hệ nào với Ngài? Bạn đang có mối liên hệ nào với Chúa?

Với người thời xưa, câu này có ý nghĩa hơn đối với chúng ta. Từ ngữ "làm tôi" tiếng Hy-lạp là douleuein; doulos là nô lệ và douleuein là "làm nô lệ cho", kurios là "chủ" và đây là chữ dùng chỉ quyền sở hữu tuyệt đối. Y nghĩa câu này sẽ rõ ràng hơn nếu chúng ta dịch: "Không ai có thể làm nô lệ cho hai ông chủ".

Để hiểu hết nghĩa hàm ý, có hai điều chúng ta cần nhớ về người nô lệ thời xưa. Trước hết, nô lệ trong quan điểm luật pháp không phải là một con người mà là một đồ vật. Nô lệ tuyệt đối không có gì cả, chủ có thể sử dụng nô lệ thế nào cũng được. Đối với luật pháp, nô lệ là một dụng cụ sống, ông chủ có thể bán, đánh, ném ra ngoài hoặc giết đi; vì ông ta sở hữu người nô lệ y như sở hữu một đồ vật. Thứ hai, nô lệ ngày xưa không có chút thì giờ nào là của riêng. Mỗi giây phút của đời sống nô lệ đều thuộc chủ. Ngày nay, người ta làm việc trong một số thì giờ qui định, ngoài ra là thì giờ của riêng mình. Ngoài giờ làm việc trong sở, mỗi tối người thư ký có thể chơi vĩ cầm cho một dàn nhạc hoà tấu, anh ta có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống qua âm nhạc. Đó là điều hoàn toàn ngược lại đối với một nô lệ. Tất cả thì giờ của đời nô lệ nằm trong quyền sử dụng của chủ.

Đây chính là mối liên hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Ta không có quyền gì cả. Đức Chúa Trời là chủ tuyệt đối. Không bao giờ chúng ta được phép hỏi: "Tôi muốn làm gì?", nhưng phải luôn luôn hỏi "Đức Chúa Trời muốn tôi làm gì?" Chúng ta không có giờ nào của riêng mình, nên không thể lúc thì nói: "Tôi sẽ làm điều Chúa muốn tôi làm", khi khác lại nói: "Tôi sẽ làm điều tôi thích". Không có giây phút nào người Cơ Đốc ngừng làm Cơ Đốc nhân, không lúc nào người có thể ngưng theo các tiêu chuẩn Cơ Đốc. Sống cho Chúa tuỳ hứng hay bán thời gian không thể chấp nhận được. Sống đời Cơ Đốc nhân là trọn thời gian. Không chỗ nào trong Kinh Thánh đòi hỏi phục vụ Đức Chúa Trời cách tuyệt đối và độc quyền rõ ràng hơn ở đây.

Chúa Giê-xu tiếp tục nói:"Các ngươi không thể làm tôi Đức Chúa Trời lại có thể làm tôi Ma-môn nữa". Ma-môn là từ ngữ Hê-bơ-rơ chỉ của cải vật chất – nguyên nghĩa của nó không có ý xấu. Các ra-bi Do Thái có câu: "Hãy quí trọng ma-môn của người khác như của chính ngươi", nghĩa là mỗi người phải coi tài sản vật chất của người khác quí trọng như của mình. Từ ma-môn có nghĩa gốc là phó thác, là vật ký thác tại ngân hàng. Ma-môn là tài sản được giao cho người nào đó bảo quản giúp. Dần dần ma-môn không còn có nghĩa là vật ký thác nữa, mà là cái người ta đặt lòng tin cậy của mình vào đó. Cuối cùng Ma-môn được viết hoa và được coi như một ông thần.

Lịch sử từ ngữ đó đã đến diễn tả sống động cách thức tài sản vật chất chiếm đoạt một vị trí nó không được phép chiếm trong cuộc sống. Ban đầu tài sản là những thứ được giao phó cho người bảo quản, nhưng cuối cùng nó lại biến thành những điều con người đặt lòng tin cậy. Thần tượng của một người là quyền lực người tin cậy. Khi người đặt lòng tin cậy nơi vật chất, nó trở thành thần tượng chứ không còn là phương tiện nữa.

Lạy Chúa, xin giúp con tin cậy nơi một mình Ngài thôi.

(c) 2024 svtk.net