Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 6

Vị Trí Của Tài Sản

Ma-thi-ơ 6:24-34

"Chẳng ai được làm tôi hai chủ: ...Các ngươi không thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn nữa"

Câu hỏi suy ngẫm: Theo bạn, của cải, tiền bạc chúng ta có đến từ đâu? Có giá trị như thế nào? Đối với bạn, của của vật chất đang chiếm vị trí nào trong đời sống? Giữa của cải vật chất và lòng kính yêu Chúa, bạn chọn điều nào? Tại sao?

Lời phán này của Chúa buộc ta phải hướng suy nghĩ đến vị trí đúng đắn của tài sản vật chất trong đời sống. Trong lời dạy của Chúa Giê-xu có ba nguyên tắc quan trọng liên quan đến tài sản.

1. Mọi sự đều tuỳ thuộc Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói rất rõ: "Đất và muôn vật trên đất, thế gian và những kẻ ở trong đó đều thuộc về Đức Giê-hô-va" (Thi-thiên 24:1). "Vì hết thảy thú rừng đều thuộc về ta, các bầy súc vật trên ngàn núi cũng vậy. Nếu ta đói, ta chẳng nói cho ngươi hay vì thế gian và muôn vật ở trong đều thuộc về ta" (Thi-thiên 50:10,12). Trong lời dạy của Chúa Giê-xu, chủ là người ban ta lâng cho tôi tớ (Ma-thi-ơ 25:15) và chủ vườn là người giao vườn nho cho kẻ làm thuê (Ma-thi-ơ 21:33). Nguyên tắc này có những hiệu quả rộng rãi. Con người có thể mua bán, sắp xếp, điều chỉnh sự vật nhưng không thể tạo ra sự vật. Quyền sở hữu tối hậu trên mọi vật là thuộc về Đức Chúa Trời. Con người không thể bảo một vật gì trên trần gian này là 'của mình' mà chỉ được nói 'cái này thuộc về Đức Chúa Trời và Ngài đã cho tôi sử dụng nó'. Do đó xuất hiện nguyên tắc căn bản này: không có gì trên thế gian này thuộc về tôi, nên tôi không được phép sử dụng thế nào tuỳ ý, mà phải nói rằng: 'Cái này thuộc về Đức Chúa Trời và tôi phải dùng nó theo ý Ngài'. Một bé gái ở thành phố được về quê chơi, lần đầu tiên trong đời thấy chùm hoa chuông xanh biếc, em hỏi cô giáo: "Thưa cô, không biết Đức Chúa Trời có cho phép em hái một bông hoa của Ngài không?" Đây chính là thái độ đúng đối với cuộc sống và mọi sự vật trên thế gian.

2. Con người luôn luôn quan trọng hơn sự vật. Nếu tài sản, tiền bạc, của cải được thâu góp, tích tụ qua sự lạm dụng của con người, cư xử với con người như với sự vật thì tất cả của cải và sự giàu có đó đều sai. Ở đâu và khi nào nguyên tắc này bị quên lãng, khinh thường thì những hậu quả nghiêm trọng chắc không tránh khỏi. Mỗi khi con người bị đối xử như đồ vật, như máy móc, như dụng cụ, để gia tăng lao động và để làm giàu cho bọn chủ nhân thì thảm hoạ sẽ đến, chắc chắn như sự luân chuyển của ngày đêm. Nước nào quên nguyên tắc con người quí hơn sự vật, là đang chuốc lấy hiểm hoạ cho mình.

3. Kinh Thánh không nói: "Tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác", nhưng dạy: "Lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác" (I Ti-mô-thê 6:10). Trong của cải vật chất có thể có điều được gọi là "sự cạnh tranh cứu rỗi", người ta cho rằng vì mình giàu nên có thể mua tất cả, có thể cứu mình ra khỏi mọi cảnh ngộ. Của cải trở thành thước đo, trở thành mong ước độc nhất, trở thành vũ khí duy nhất giúp người ta đối phó với cuộc đời. Nếu muốn có của cải để sống độc lập trong danh dự, để giúp đỡ gia đình và đồng bào thì đó là điều tốt. Nhưng nếu muốn giàu để sung sướng càng thêm sung sướng, xa xỉ thêm phần xa xỉ, nếu của cải trở thành nguồn sống, mục đích đời sống thì nó không còn là phương tiện tốt nữa mà nó đã soán đoạt địa vị chỉ dành cho một mình Đức Chúa Trời.

Từ tất cả những suy nghĩ này xuất hiện một vấn đề: sự sở hữu của cải, tiền bạc, tài sản vật chất không phải là tội, mà là một trách nhiệm nặng nề. Nếu người nào có nhiều của thì vấn đề không phải là ca tụng người mà phải đặt vấn đề cầu nguyện để người ấy biết sử dụng của cải theo ý muốn của Đức Chúa Trời.

Lạy Chúa, xin dạy con biết sử dụng mọi sự Chúa cho theo ý muốn Ngài.

(c) 2024 svtk.net