Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 27

Hiệp Một

E-xơ-ra 3:1-7

" Đến tháng bảy, khi dân Y-sơ-ra-ên đã ở trong bổn thành mình rồi, thì dân sự hiệp lại như một người ở tại Giê-ru-sa-lem" (E-xơ-ra 3:1)

Câu hỏi suy ngẫm: Những yếu tố nào khiến đoàn người hồi hương hiệp một như thể một người? Theo bạn tinh thần hiệp một quan trọng thế nào trong việc tái thiết Đền thờ cũng như trong sinh hoạt xã hội và tôn giáo của đoàn người hồi hương? Bằng cách nào chúng ta có thể hiệp một để xây dựng và phát triển Hội Thánh ngày nay?

Đức Chúa Trời phán bảo Môi-se truyền dạy cho dân chúng ba kỳ lễ quan trọng mà tất cả nam công dân Do Thái phải đều thờ phượng Chúa Hằng Hữu (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:14-16). Các ngày lễ trong tháng Bảy quan trọng bậc nhất đối với họ. Ngày mồng Một là lễ Thổi Kèn, mồng Mười là lễ Chuộc Tội và ngày rằm là lễ Lều Tạm (Lê-vi Ký 23:24-44). Câu E-xơ-ra 3:1 ghi trên không nói rõ họ giữ lễ nào. Tuy nhiên, câu E-xơ-ra 3:4 cho biết họ cũng giữ lễ Lều tạm. Như thế họ đã làm đúng theo lời dạy của Chúa và biệt riêng thời gian đầu của tháng Bảy đề cử hành các thánh lễ Chúa truyền bảo. Điểm nổi bật chúng ta thấy trong phân đoạn ngắn ngủi này là tinh thần hiệp một của con dân Chúa lúc bấy giờ.

Bảy mươi năm lưu đày, số người thuộc thế hệ thứ nhất không còn bao nhiêu và đã quá cao tuổi. Thế hệ trẻ sinh tại Ba-tư, mới lớn lên, hoàn toàn xa lạ đối với đời sống tại quê nhà của những người dân quá nghèo khổ còn sống sót. Thêm vào đó, những thành phần cực đoan chắc không thiếu và phương diện một xã hội phong kiến, quân chủ, đế quốc. Trở về quê hương đổ nát, đời sống bấp bênh, không có ngày mai. Như thế, họ không thể tránh khỏi tình trạng phân hoá về ngôn ngữ, văn hoá, ảnh hưởng xã hội và khác biệt to lớn về quan điểm, thái độ. Tuy nhiên, Thánh Kinh ghi rõ họ hiệp lại như một người. Cùng hướng về một mục đích tờ phượng Chúa Hằng Hữu, trong một khải tượng xây lại Đền thờ Chúa bị phá huỷ. Họ bằng lòng từ bỏ mọi khác biệt để hiệp chung, đứng chung với nhau ra mắt Chúa.

Hội Thánh Việt Nam cũng đang đứng trước một hoàn cảnh tương tự nhất là khi chúng ta đang sống trong những ngày cuối tháng Tư này. Nhìn lại lịch sử đất nước, dân tộc và Hội Thánh Chúa, nhiều người thường lặp lại câu nói của người xưa: "Mỗi người Việt là một ông quan". Có công thức, mẫu số chung nào để con dân Chúa có thể ngồi lại với nhau, đứng chung, góp sức xây dựng công việc nhà Chúa? Người Do Thái ngày xưa đã đi bước đầu rất hay: cùng đến thờ phượng Chúa Hằng Hữu. Trước Đức Chúa Trời quyền uy, thánh khiết, công chính, đầy tình yêu và ân sủng, đến với Ngài để kinh nghiệm dòng huyết quý báu tha thứ, cứu chuộc, chữa lành, rịt những vết thương lòng và lấp đầy mọi thung lũng cay đắng, dị biệt. Công việc nhà Chúa tại chi hội địa phương, từng khu vực, mỗi vùng... ngày một nhiều. Nhu cầu chung ngày càng lớn, phải có nhiều người cùng chung vai đóng góp mới đạt đến mục tiêu nhanh chóng và làm rạng danh Chúa. Đây là lãnh vực mà mỗi chúng ta cần hết sức, hết lòng cầu nguyện và đem thiện chí đóng góp, xây dựng.

Xin Chúa tha thứ cho con, giúp con nhìn anh chị em con trong ánh mắt thương yêu, thông cảm, tha thứ và giúp con vượt qua mọi dị biệt để cùng đến thờ phượng Chúa và xây lại những gãy đổ trong mối liên hệ giữa anh chị em trong Chúa.

(c) 2024 svtk.net