Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 8

Nghe

Thi-thiên 5:1-3

" Hỡi Đức Giê-hô-va xin lắng tai nghe lời tôi, xem xét sự suy gẫm tôi" (c. #1).

Câu hỏi suy ngẫm: Điều mong muốn và tin tưởng của Đa-vít khi cầu nguyện là gì? Chúng ta được khích lệ điều gì khi tin tưởng rằng Chúa nghe lời cầu nguyện chúng ta? Chúa "nghe" và Chúa "nhậm lời" có khác nhau không? Làm sao bạn biết rằng Chúa nghe lời cầu nguyện của bạn?

Thi Thiên là tập thơ của những con người tâm sự với Chúa, với người khác và với chính mình. Thi Thiên là biểu lộ của con người đối với Chúa. Các nhà thơ này rất chân thành, đến nỗi không giấu giếm cả những ý nghĩ rất là người của mình. Huyền nhiệm của Thi Thiên không phải chỉ là những dòng thơ chân tình, nhưng còn chứa đựng những mạc khải về Chúa Cứu Thế, về số phận con người và về cuộc đời nữa. Bạn hãy kiên nhẫn học Thi Thiên với chúng tôi, vì kho báu này sẽ làm cho tâm hồn bạn giàu có.

Bài thơ ta học hôm nay dùng để ngâm với ống quyển, tức là sáo. Ba câu đầu của Thi Thiên 5 mỗi câu đều có một chữ "nghe". Câu thứ nhất "xin lắng nghe", câu thứ hai: "xin hãy nghe"; câu thứ ba "Ngài sẽ nghe".

Khi đến với một viên chức cao cấp của nhà nước để xin một đặc ân nào đó trong quyền hạn của người ấy, nếu ta trình bày cẩn thận, lễ phép, đúng nguyên tắc trong khi đó người ấy có vẻ tâm trí để tận đâu đâu, chắc ta nản lắm. Mặt khác, có những người được chỉ dẫn là muốn được hanh thông, thăng tiến, lành bệnh, làm ăn thành công, phải sắm đồ cúng cho hậu, phải đến những nơi linh thiêng và cúng vái. Những người ấy cúng vái cả ngày cũng không có ai nghe, và chắc chắn không ai đáp lời.

Chúa của nhà thơ Đa-vít thì khác. Chúa nhìn thấu tư duy của người đến với Ngài trước khi người ấy mở miệng kêu xin (câu Thi-thiên 5:1). Chúa cũng sẵn sàng nghe lời cầu xin. Đây không phải là điều con người nghĩ ra như khi đề cập đến các thần cho là linh thiêng, đây chính là lời Chúa hứa như vậy. Khi ta tin Chúa, cầu nguyện chân thành thì Ngài nghe. "Chúa nghe!" Điều này không làm bạn ngạc nhiên sao? Những khi bạn gặp khó khăn trong đời sống, bạn chạy ngược xuôi, chẳng ai nghe lời kêu xin của bạn, nên nhớ rằng Chúa nghe.

Khi nói mà biết có người nghe thì ta mới có hứng mà nói. Khi cầu nguyện mà tin rằng Chúa nghe thì lời cầu nguyện thiết tha và chân thành hơn. Có người hễ cầu nguyện là buồn ngủ. Chắc chắn người ấy không tin mình cầu nguyện Chúa nghe, vì nếu cầu nguyện cho Chúa nghe mà mình buồn ngủ hay ngủ gật, thì thật bất xứng.

Mặt khác, nếu biết rõ lúc nào Chúa cũng nghe, ta có thể cầu nguyện bất cứ giờ phút nào, và việc cầu nguyện trở thành một cuộc đối thoại thật sự.

Các câu này không nói rằng lúc nào Chúa cũng nhậm lời và ban cho điều ta cầu xin, chỉ nói rằng Chúa nghe. Tác giả gọi Chúa là Vua, nghĩa là Đấng có quyền ban cho những ân huệ. Chúa nghe và ban ân huệ tùy theo ý Chúa. Nhiệm vụ của ta chỉ là cầu xin. Bạn có đến với Chúa như đến với một vị Vua Cao Cả đầy quyền năng không?

"Buổi sáng Ngài sẽ nghe tiếng tôi", nghĩa là mỗi ngày Chúa đều nghe. Chúa vẫn ở đó lắng nghe ta cầu nguyện. Còn ta có cầu nguyện với Chúa không?

Cầu nguyện là: Cầu xin với Chúa những nhu cầu cấp thiết của mình, vì tin rằng Chúa biết rõ từng tư tưởng của ta, Chúa sẵn sàng nghe. Chúa thành tín, bằng lòng ban ơn huệ, hi vọng Chúa đáp lời. Bài học cho bạn: Bạn cầu nguyện nhưng có ý thức rằng Chúa nghe mình không? Nếu Chúa không nghe là vì sao? Khi biết Chúa nghe, ta nên cầu nguyện như thế nào?

Cảm tạ Chúa vì Ngài luôn nghe tiếng khẩn cầu của con.

(c) 2024 svtk.net