Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 8

Người Của Cộng Đồng

E-xơ-ra 8:1-20

"Nhằm năm thứ bảy đời vua Ạt-ta-xét-xe, có mấy người trong dân Y-sơ-ra-ên, trong bọn thầy tế lễ, và người Lê-vi, kẻ ca hát, người giữ cửa, và người Nê-thi-nim đều đi cùng người trở lên Giê-ru-sa-lem" (E-xơ-ra 7:7).

Câu hỏi suy ngẫm: Với tư cách người lãnh đạo đoàn người hồi hương, E-xơ-ra đối diện với những khó khăn nào? Bằng cách nào ông chuẩn bị cho việc tái thiết? E-xơ-ra cho chúng ta kiểu mẫu nào về phương pháp lãnh đạo Hội Thánh ngày nay?

Phân đoạn này từ câu #1-14 ghi lại 13 gia tộc cùng đi với E-xơ-ra trong chuyến hồi hương. Chuyến về đầu tiên có 11 gia tộc (chương 2) lần này số gia tộc tham dự đông hơn vì ngoài thành phần cũ còn thêm những thành phần khác, nhưng vì E-xơ-ra chỉ ghi số người nam, nên chúng ta không biết rõ đoàn người trở về là bao nhiêu. Chuyến về đầu tiên sau 70 năm lưu đày dưới quyền lãnh đạo của Xô-rô-ba-bên và thầy tế lễ Giê-sua vào 538 TC, đoàn người của E-xơ-ra về đến Giê-ru-sa-lem năm 458 TC, khoảng cách giữa hai đoàn người này là 80 năm. Trong bối cảnh lịch sử bấy giờ, 150 năm sống trên đất lưu đày, nhưng khi E-xơ-ra trở về, ông vẫn động viên, kêu gọi được đoàn người đông đảo là điềm lạ. Nơi đây chúng ta học được đức tin của người Do Thái. Họ không có đầy đủ sách vở, tài liệu, phương tiện truyền thông như chúng ta có ngày nay. Nhưng đức tin truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác: Đức tin trong hành động, đức tin trong cuộc sống, trong sự thờ phượng, sự chia sẻ trong gia đình. Đó là nguyên nhân họ đáp ứng, gia nhập đoàn người hồi hương khi E-xơ-ra kêu gọi. Đặt mình vào vai trò của E-xơ-ra chúng ta thấy ông phải đối diện với nhiều khó khăn. Bởi vì những người này 150 năm xa cách xứ sở, làm sao họ biết được hình ảnh quê hương, những động cơ thôi thúc trở về ban đầu, hay có lòng ái quốc. Nhưng E-xơ-ra đã học, đã chuẩn bị những điều chúng ta có thể khám phá trong bài học hôm nay:

1. Ông nhìn vào bài học lịch sử: Ông xem lại, học qua sách vở ghi chép lại, qua truyền khẩu, qua sự tiếp xúc với tất cả mọi thành phần kêu gọi được nhiều gia tộc hơn.

2. Ông nghiên cứu truyền thống văn hóa dân tộc: Cách động viên tốt nhất là đến với từng trưởng tộc, với từng gia đình. Qua đó tiếng nói của người trưởng tộc khích lệ, ảnh hưởng mọi người trong gia tộc và họ cùng tham gia.

3. Bài học của đức tin: Ở đây ông đã khéo động viên họ qua tình yêu, ơn quan phòng, sự chăm sóc của Chúa, cùng sự hình phạt và ứng nghiệm của Lời Chúa như một thôi thúc họ.

4. Bài học của lòng ái quốc: Yêu dân tộc, ông giúp họ nhìn thấy nhu cầu, khải tượng tương lai của dân tộc tùy thuộc vào sự đóng góp của họ.

5. E-xơ-ra, người của cộng đồng: Ông không đơn thân độc mã làm một mình, nhưng chia sẻ khải tượng, ước vọng và ông đã thành công.

So với E-xơ-ra 150 năm họ bị đày biệt xứ trong hoàn cảnh tang thương, khủng hoảng bấy giờ, dân tộc và Hội Thánh của chúng ta 20 năm qua có nhiều thay đổi. Dù vậy, ngày nay phương tiện, truyền thông dễ dàng hơn, chúng ta sẽ làm gì để kêu gọi, đưa người khác cùng dấn thân, cùng xây dựng công việc Chúa nơi quê hương, xây dựng Hội Thánh Chúa tại hải ngoại để đem mọi người cùng đến phục vụ Chúa để đưa ánh sáng tình yêu đến với bao người Việt quanh ta.

Xin Chúa giúp con học hỏi nơi E-xơ-ra, chia sẻ ân lành, nhu cầu, khải tượng Chúa dành cho dân tộc con để cả gia đình, bạn bè, người thân yêu cùng dự phần trong công việc Chúa, xin giúp chúng con hiệp một trong cộng đồng đức tin để cùng xây dựng Hội Thánh Ngài.

(c) 2024 svtk.net