Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 18

Cơ Hội Làm Chứng

Công-vụ các Sứ-đồ 8:1-17

"Vậy, những kẻ đã bị tan lạc đi từ nơi này đến nơi khác, truyền giảng đạo Phúc Âm" (c. #4).

Câu hỏi suy ngẫm: Sự bách hại và tản lạc đã cho Hội Thánh Giê-ru-sa-lem cơ hội? Tại sao giữa cơn bắt bớ họ vẫn có thể làm chứng về Chúa? Những thành phần nào trong Hội Thánh tích cực truyền giảng đạo? Bạn được nhắc nhở điều gì qua tinh thần truyền giảng của các tín hữu Giê-ru-sa-lem?

Sau việc Thánh Linh giáng xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Hội Thánh Chúa đã phát triển một cách mạnh mẽ tại Giê-ru-sa-lem. Mỗi người đều cảm thấy thỏa mãn với sự tiến triển và cả về số lượng cũng như về phẩm. Về lượng mỗi ngày Chúa lấy thêm nhiều người được cứu vào Hội Thánh, và phẩm thì họ chăm chỉ thờ phượng Chúa, tấn tới trong sự yêu mến anh em mình (Công-vụ các Sứ-đồ 2:40). Tuy nhiên, điều mà con cái Chúa và những nhà lãnh đạo Hội Thánh lúc bấy giờ không lưu tâm: họ đang bành trướng theo bề trong, là sự gắn bó của tình anh chị em trong Chúa với nhau mà không chịu đi vào những nơi xa lạ để chia sẻ về Tin Mừng của Chúa.

Sự bắt bớ xảy đến cho họ tại Giê-ru-sa-lem như là phương cách Chúa dùng để làm cho họ tản mạn khắp mọi nơi để gieo rắc hạt giống của đạo Chúa. Câu Kinh Thánh mà tôi muốn cùng bạn suy nghĩ hôm nay, đó là câu thứ 4: "Những kẻ đã bị tan lạc đi từ nơi này đến nơi khác, truyền giảng đạo Phúc Âm." Một trong những nan đề của Hội Thánh là các con cái Chúa thường vui hưởng tình thương mình có trong Hội Thánh, mà bỏ qua những cơ hội làm quen, thân thiện với những người cùng sở, cùng trường học hoặc láng giềng chưa biết Chúa, và phát triển tình bạn đến độ họ có thể tin những gì mình chia sẻ. Chúng ta cảm thấy mối liên hệ mới đó sẽ chiếm mất đi thì giờ chúng ta sinh hoạt với Hội Thánh, với ban chấp hành, với ban thanh niên, ban phụ nữ… nhưng chúng ta quên sứ mạng duy nhất của chúng ta là: "Đi khắp thế gian giảng Phúc Âm cho mọi người" (Mác 16:16). Những tín hữu của Hội Thánh Giê-ru-sa-lem đã phải tản mác vì sự bắt bớ, nhưng nơi nào họ đi đến, họ rao truyền về Phúc Âm của Chúa. Trong đó có ông nhân viên ban chấp hành, Phi-líp, đã rời bỏ những bận rộn của các cuộc họp ban chấp hành, tổ chức Nô-ên, vận động gây quỹ tạo mãi… để đi vào trong nỗ lực chính đó là giảng Phúc Âm. Có lẽ lâu nay Phi-líp nghĩ rằng công tác giảng dạy, làm chứng, gây dựng Hội Thánh là của Mục sư quản nhiệm. Nhưng trong kinh nghiệm này, Phi-líp được Chúa dùng để mở Hội Thánh mới tại Sa-ma-ri. Mong rằng chúng ta hết thảy học được bài học của Phi-líp và các tín hữu của Hội Thánh Giê-ru-sa-lem đầu tiên để thi hành đúng mức sứ mạng mà Chúa giao phó cho chúng ta.

Xin Chúa giúp con luôn sốt sắng làm chứng cho Chúa trong bất cứ môi trường, hoàn cảnh nào Chúa đặt để. Và cho con ý thức rằng trách nhiệm làm chứng cho Chúa là trách nhiệm của chính con.

(c) 2024 svtk.net