Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 19

Cá Nhân Chứng Đạo

Công-vụ các Sứ-đồ 8:26-40

" Hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời "(I Ti-mô-thê 4:2).

Câu hỏi suy ngẫm: Những chi tiết nào trong phân đoạn Kinh Thánh này cho thấy Chúa dẫn dắt Phi-líp trong công tác cá nhân chứng đạo? Bạn học được điều gì về phương pháp làm chứng của Phi-líp? Bạn có thể áp dụng phương pháp này thế nào trong việc làm chứng về Chúa của bạn?

Nếu chúng ta có tinh thần lúc nào cũng sẵn sàng để chia sẻ về Chúa cho người khác thì chúng ta sẽ rất ngạc nhiên và thích thú về những cơ hội mà Chúa đưa đến cho chúng ta để có thể chia sẻ Tin Mừng của Chúa. Trước đó, Phi-líp có cơ hội đem một thầy phù thủy đến với Chúa, trong phần Kinh Thánh này. Phi-líp có cơ hội đem một vị quan phục vụ trong triều đình của nước Ê-thi-ô-bi đến với Chúa, và khai sanh công việc Chúa ở một nước ngoại quốc tại Bắc Phi. Ngày nay Ê-thi-ô-bi là một nước Cơ Đốc giáo chiếm đa số, chúng ta có thể cho rằng kết quả ấy, một phần bởi sự đóng góp của ông nhân viên ban chấp hành, Phi-líp.

Vài điểm ở đây chúng ta cần học từ phương pháp làm chứng của Phi-líp:

1. Nghe: Phi-líp nghe trước khi nói. Nghe để tìm hiểu tâm trạng, nguyện vọng của người mình muốn chia sẻ về Chúa. Dĩ nhiên, mục đích chính của Phi-líp chạy theo vị hoạn này là để làm chứng chớ không phải chỉ để nghe. Nhưng NGHE bày tỏ sự quan tâm của chúng ta đối với người đối thoại. NGHE để biết, để thông cảm, để chia sẻ Tin Mừng một cách mà người nghe cảm thấy đó thật sự là Tin Mừng cho họ. Trong hoàn cảnh hiện đại, nhiều khi giai đoạn NGHE phải chiếm nhiều thì giờ hơn, có thể nhiều tháng, nhưng chỉ khi nào nghe, chúng ta mới có thể thấu nhu cầu về Phúc Âm của người khác. Vậy, LẮNG NGHE, NGHE ĐẾN KHI CHÚNG TA HIỂU.

2. Mở: Khi chúng ta hiểu được nhuu cầu của người đối thoại rồi thì chúng ta mới mở miệng mà truyền giảng. Mặc dầu trong giai đoạn nghe chúng ta cũng mở miệng để nói, nhưng đó là hỏi để nghe, chứ không phải chia sẻ. Khi chúng ta cảm thấy đã hiểu được nhu cầu một cách đầy đủ rồi chúng ta cần chia sẻ Phúc Âm. Có một số người khi làm chứng chỉ nghe mà không nói. Nếu bạn thuộc thành phần chỉ nghe mà không nói, có lẽ bạn chưa biết Phúc Âm này hiệu lực gì đối với người nghe bạn. Bạn nên trở lại với niềm tin căn bản, trở lại kinh nghiệm tin Chúa của bạn, và của người khác. người khác chỉ tin khi bạn nói (Rô-ma 10:14), đừng nghĩ chỉ hành động là đủ. Sự làm chứng lúc nào cũng vậy; hành động và lời phải đi đôi với nhau.

3. Thuyết phục: Kinh Thánh không nói rõ Phi-líp đã nói những gì. Nhưngđiều rõ ràng là vị hoạn quan này đã bày tỏ nguyện vọng đi theo Chúa. Thuyết phục không phải là bắt buộc người khác theo Chúa, nhưng trong cách trình bày của bạn có lời mời gọi, rồi chính người nghe tự quyết định đặt niềm tin nơi Chúa, vì chỉ có Chúa mới đáp ứng nhuu cầu của người đó.

Như vậy những điều bạn cần nhớ khi làm chứng : LẮNG NGHE, CHIA SẺ và THUYẾT PHỤC một cách tế nhị để người nghe tự quyết định.

Lạy Chúa, xin cho con có tinh thần chia sẻ và luôn luôn biết tận dụng mọi cơ hội Chúa cho để chia sẻ Phúc Âm cho người khác.

(c) 2024 svtk.net