Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 18

Sự Trung Tín Và Phần Thưởng

Ma-thi-ơ 10:32-33

"Bởi đó, ai xưng ta ra trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ xưng họ trước mặt Cha ta trên trời" (c. #32)

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa xác nhận nguyên tắc nào trong câu #32-33? Nguyên tắc này cho thấy mối liên hệ nào giữa hiện tại và tương lai? Ngày nay chúng ta có thể chối Chúa trong những phương diện và hình thức nào? Bằng cách nào chúng ta xưng Chúa ra trước mặt thiên hạ?

Đoạn Kinh Thánh này đề cập đến hai phương diện của lòng trung thành trong đời sống người Cơ Đốc. Nếu một người trung thành với Chúa Giê-xu trong đời này. Ngài sẽ trung thành với người ấy trong đời hầu đến. Nếu một người hãnh diện nhận Chúa Giê-xu là chủ, Ngài sẽ vui nhận người là đầy tớ của Ngài.

Một sự kiện rõ ràng của lịch sử là nếu trong Hội Thánh đầu tiên không có những người khi đối diện với sự chết, khổ hình, đau đớn, đã không chịu chối bỏ Chúa Cứu Thế Giê-xu thì chắc không có Hội Thánh Cơ Đốc ngày nay. Hội Thánh ngày nay được xây dựng và thiết lập trên sự trung thành tuyệt đối của những người giữ vững lòng trung tín và đức tin.

Pliny, quan tổng đốc xứ Bi-thi-ni, ra lệnh cho những Cơ Đốc nhân cầu khẩn các thần của La Mã, dâng hương và rượu lên ảnh tượng Hoàng Đế và cuối cùng là bắt buộc họ rủa sả danh Giê-xu. Và ông thêm rằng: "Không thể bắt buộc những người thật sự là Cơ Đốc nhân làm những việc này." Ngay cả đến các quan tổng đốc cũng thừa nhận sự bất lực của mình trong việc lay chuyển lòng trung thành của Cơ Đốc nhân thật.

Dầu vậy ta vẫn có thể chối Chúa qua cách khác:

Chúng ta có thể chối Chúa bằng lời nói. Người ta thuật chuyện về J.P. Mahaffy, một học giả nổi danh thế giới, xuất thân từ đại học Trinity, Dublin, được hỏi ông có phải là Cơ Đốc nhân không, ông đáp: "Có, nhưng không tích cực như vậy." Ông muốn nói rõ rằng mình không để Cơ Đốc giáo xen vào xã hội mà ông đang giao du và những thú vui mà ông ưa thích. Đôi khi chúng ta nói với người khác rằng mình là thuộc viên Hội Thánh nhưng chẳng quan tâm gì đến nếp sống Cơ Đốc. Chúng ta sẵn sàng tham dự đầy đủ mọi sự vui chơi của thế gian; và ta lại trông mong người đời tôn trọng những nguyên tắc mơ hồ của chúng ta.

Người Cơ Đốc không thể trốn tránh bổn phận sống khác biệt với thế gian. Nhiệm vụ của chúng ta không phải là đồng hóa với thế gian mà biến đổi mình cho khác với thế gian.

Chúng ta có thể chối Chúa bằng sự im lặng. Một nhà văn Pháp thuật chuyện đem người vợ trẻ vào một gia đình cổ. Gia đình này không chấp thuận cuộc hôn nhân đó, dầu vậy họ rất lịch thiệp, không biểu lộ sự phản đối bằng lời nói hoặc chỉ trích. Về sau, người vợ trẻ thố lộ bà khốn khổ suốt đời vì "sự đe dọa của những cái không nói ra"

Trong đời sống Cơ Đốc cũng có những đe dọa của những điều không được nói ra. Nhiều lần chúng ta có cơ hội nói vài lời cho Chúa Cứu Thế để phản đối điều ác, giữ một lập trường và tỏ ra chúng ta ở bên nào. Trong những trường hợp đó, nhiều khi chúng ta thấy giữ im lặng dễ hơn là nói lên. Nhưng sự im lặng đó là sự chối bỏ Chúa. Thật vậy, có thể nhiều người Cơ Đốc đã chối Chúa Cứu Thế Giê-xu do sự im lặng hèn nhát của mình hơn là bởi những lời có chủ tâm.

Chúng ta có thể chối Chúa bằng hành động. Chúng ta có một lối sống biểu lộ một sự khước từ liên tục đức tin mà chúng ta đã xưng nhận. Có người đã tỏ lòng trung thành với Phúc Âm thánh khiết lại vẫn có thể phạm mọi điều nhỏ nhặt không ngay thật và vi phạm nghiêm trọng đến danh dự. Người đã quyết định đi theo Thầy là Đấng bảo phải vác thập tự giá, lại sống cuộc đời chỉ chú ý đến tiện nghi và thoải mái; người đã bước vào phục vụ Đấng tha thứ cho mình và được truyền phải tha thứ anh em mình lại sống cuộc đời giận dữ, cay đắng, thù oán anh em mình. Người từng chăm nhìn lên Chúa Giê-xu đã chịu chết vì tình thương nhân loại lại có thể sống cuộc đời hoàn toàn không có chút ý niệm gì về sự phục vụ Cơ Đốc. tình yêu thương Cơ Đốc và sự quảng đại Cơ Đốc.

Lạy Chúa, xin ban ơn cho con, để con không chỉ nghe mà làm theo lời thánh của Chúa, không chỉ thương yêu mà còn sống Phúc Âm của Chúa. Xin cho những gì con học biết về vinh quang của Ngài được con nhận vào lòng và bày tỏ ra trong cuộc sống con.

(c) 2024 svtk.net