Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 26

Thư Phi-lê-môn (3)

Phi-lê-môn 1:8-16

"Dầu trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm, song vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn." (c. #8,9)

Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lô viết thư cho Phi-lê-môn với mục đích gì? Đời sống Ô-nê-sim bây giờ đã thay đổi ra sao? Động cơ nào và bằng cách nào Phao-lô nối kết Phi-lê-môn và Ô-nê-sim lại với nhau? Cách xử sự của Phao-lô phản ảnh tinh thần Cơ Đốc như thế nào?

Qua bài đọc ngày 24, chúng ta đã biết rõ mục đích của Phao-lô khi viết thư cho Phi-lê-môn. Ông viết thư này để xin Phi-lê-môn tiếp nhận Ô-nê-sim, người nô lệ đã bỏ nhà đi trốn. Trong lời xin cho Ô-nê-sim, chúng ta học được những điều sau:

1. Phao-lô có quyền ra lệnh cho Phi-lê-môn vì ông là người cha tinh thần và là sứ đồ, nhưng ông đã không ra lệnh; trái lại, ông nói: "Vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn." (c. #9) Đây cũng là cách chúng ta nên đối xử với nhau trong Chúa. Có những trường hợp ta có quyền ra lệnh, nhưng vì tình yêu thương trong Chúa với nhau; chúng ta nên đề nghị, yêu cầu hoặc kêu gọi thiện chí và sự hiểu biết của người khác hơn là ra lệnh. Khi chúng ta ra lệnh, người khác làm theo nhưng có thể không vui và như vậy sẽ mất đi nhiều phước hạnh nơi người làm cũng như người ra lệnh.

2. Phao-lô gọi Ô-nê-sim là "con tôi đã sinh trong vòng xiềng xích" (c. #10). Câu này hàm ý là Phao-lô đã đưa dẫn Ô-nê-sim đến với Chúa trong thời gian ông bị tù, Thánh Kinh Hiện Đại dịch câu này là: "Tôi đã dìu dắt nó đến với Chúa giữa khi tôi mắc vòng lao lý."

3. Câu #11 là một lối chơi chữ vì tên Ô-nê-sim nghĩa là "hữu ích". Thánh Kinh Hiện Đại dịch là: "Trước kia đối với anh, nó thật là vô dụng nhưng nay đã thành người hữu ích cho cả anh và tôi." Câu: "Ngưòi như lòng dạ tôi vậy" (c. #12) được diễn ý như sau: "Tôi sai Ô-nê-sim về với anh, như đem cả tấm lòng tôi gửi cho anh."

4. Câu #14 tương tự như câu #9, Phao-lô không ép buộc nhưng chỉ kêu gọi sự thông cảm và hiểu biết của Phi-lê-môn. Đây cũng là cách chúng ta nên đối xử với người khác.

5. Hai câu #15 và #16 cho thấy một mối liên hệ mới giữa Phi-lê-môn và Ô-nê-sim. Phao-lô muốn Phi-lê-môn nhìn vào phương diện tích cực của vấn đề, việc Ô-nê-sim ra đi không phải là điều tai hại nhưng là điều lợi: "Có lẽ Ô-nê-sim đã xa anh một thời gian ngắn, để trở về với anh mãi mãi" (TKHĐ). Câu #16 nhắc lại ý Phao-lô nói trong Cô-lô-se 3:22-4:1; Ga-la-ti 3:28 trong Chúa tất cả đều là anh em. Vì thế, dù ở cương vị nào, chúng ta vẫn giữ mối liên hệ tốt đẹp giữa người này với người khác. Thánh Kinh Hiện Đại dịch lại câu #16 như sau: "Ô-nê-sim...không phải làm nô lệ như ngày trước, nhưng đã trở thành đứa em thân yêu của anh. Ô-nê-sim thân thiết với tôi nên đối với anh lại càng thân yêu hơn nữa, theo cả tình người lẫn tình huynh đệ trong Chúa." Mỗi chúng ta dù làm những công việc khác nhau, thuộc vào những tầng lớp khác nhau trong xã hội nhưng trong Chúa tất cả chúng ta đều là anh chị em, vì thế chúng ta cần sống thế nào để tình huynh đệ đó được phát triển mãi mãi.

Cảm ơn Chúa vì trong Chúa tất cả chúng con đều là một. Xin giúp chúng con biết cư xử với nhau trong tình yêu thương như anh em một nhà.

(c) 2024 svtk.net