Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 17

Bạo Lực và Nước Trời

Ma-thi-ơ 11:12-15

"Song, từ ngày Giăng Báp-tít đến nay, nước thiên đàng bị hãm ép, và kẻ hãm ép đó choán lấy." (c. #12)

Câu hỏi suy ngẫm: Xin so sánh các bản dịch và tìm hiểu ý nghĩa câu #12? Theo bạn ý chính Chúa muốn gì? Chức vụ của Giăng quan trọng thế nào? Kết thúc ra sao? Liên hệ thế nào đến Phúc Âm mà Chúa Giê-xu rao giảng?

Trong câu #12 có một lời rất khó hiểu "Từ ngày Giăng Báp-tít đến nay nước thiên đàng bị hãm ép, và kẻ hãm ép dùng sức mạnh chiếm lấy" (Lu-ca 16:16 cũng nói câu này trong một hình thức khá c). "Luật pháp và lời tiên tri có đến đời Giăng mà thôi, từ đó Phúc Âm của Nước Đức Chúa Trời được truyền ra, và ai nấy dùng sức mạnh để vào đó." Chắc chắn Ma-thi-ơ và Lu-ca đã hiểu điều đó theo hai cách khác nhau. Nếu ghép hai ký thuật của Ma-thi-ơ và Lu-ca với nhau, chúng ta sẽ thấy được đầy đủ ý nghĩa của câu nói khó hiểu này. Có thể Chúa Giê-xu đã nói thế này: "Nước của ta sẽ luôn luôn bị hãm ép, kẻ bạo tàn sẽ tìm cách xâu xé, cướp giựt và hủy phá nó, vì thế chỉ kẻ nào hết lòng sốt sắng, chỉ kẻ nào mà lòng nhiệt thành có đủ sức mạnh đánh bạt được bạo lực của sự bắt bớ thì cuối cùng mới được vào đó". Có thể lời phán này của Chúa Giê-xu là một lời báo trước về bạo lực sẽ xảy ra, đồng thời là một thách thức làm nẩy sinh lòng nhiệt thành mạnh mẽ hơn cả bạo lực.

Câu #13 nói một điều hơi lạ là Luật pháp lại nói lên tiếng nói của tiên tri. Trong khi chính Luật Pháp đã tuyên bố quả quyết rằng lời tiên tri sẽ không hề chết "Từ giữa anh em ngươi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ lập nên một đấng tiên tri như ta" "ta sẽ lập lên cho chúng ta một đấng tiên tri như ngươi thuộc trong anh em chúng, ta sẽ lấy các lời ta để trong miệng ngươi" (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:15,18). Người Do Thái chính thống thấy Chúa Giê-xu phá bỏ Luật Pháp và lời tiên tri đều chỉ về Ngài.

Chúa Giê-xu nói với dân chúng: "Nếu họ sẵn lòng chấp nhận sự thật" thì Giăng chính là sứ giả và là nhà tiên phong mà họ chờ đợi lâu nay. Mệnh đề "nếu họ sẵn lòng chấp nhận sự thật" chứa tất cả thảm trạng của con người. Đức Chúa Trời có thể sai sứ giả của Ngài đến, nhưng con người có thể khước từ, Đức Chúa Trời ban chân lý và con người có thể từ chối không chịu nhìn nhận chân lý đó. Sự mạc khải của Đức Chúa Trời sẽ vô hiệu nếu không có sự hưởng ứng của con người. Vì vậy, Chúa Giê-xu kết thúc bằng lời kêu gọi: ai có tai hãy nghe.

Lạy Chúa, giữa những khó khăn, ồn ào của cuộc sống, xin cho con có đôi tai biết nghe tiếng Ngài.

(c) 2024 svtk.net