Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 2

Lễ Vượt Qua và lễ Tiệc Thánh

Mác 14:12-31

"Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta không uống nho này nữa cho đến ngày ta sẽ uống trái nho mới trong Nước Đức Chúa Trời." (c. #25)

Câu hỏi suy ngẫm: Ý nghĩa lễ Vượt Qua và lễ Tiệc Thánh liên hệ nhau thế nào? Theo bạn, bánh và rượu nho trong Tiệc Thánh có biến thành thịt và huyết thật của Chúa không? Bạn có tin sự hiện diện mầu nhiệm của Chúa trong bánh và rượu không? Khi dự Tiệc Thánh. Bạn được nhắc nhở những điều quan trọng nào?

Ngày xưa, người Do Thái ăn lễ Vượt Qua để kỷ niệm ngày họ được giải phóng khỏi Ai Cập. Ngày nay chúng ta dự tiệc thánh để kỷ niệm ngày Chúa Giê-xu chịu chết vì tội của chúng ta. Lễ Vượt Qua mang ý nghĩa giải phóng; lễ Tiệc Thánh cũng mang cùng một ý nghĩa, nhưng cao quý hơn. Người Do Thái được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập, Chúa Giê-xu chịu chết để giải phóng chúng ta khỏi gông cùm tội lỗi. Giữa Chúa Giê-xu và con chiên con bị giết trong lễ Vượt Qua có một liên hệ mật thiết. Người Do Thái giết con chiên, lấy máu bôi trên cửa, để thiên sứ của Chúa khi thấy vết máu đó sẽ vượt qua và không giết con đầu lòng trong nhà đó. Chúa Giê-xu cũng chịu chết, phải đổ máu ra và nhờ đó, chúng ta được thoát khỏi hình phạt của Đức Chúa Trời. Chính trong ý nghĩa đó, Chúa Giê-xu được gọi là "Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi của thế gian" (Giăng 1:29). Để các môn đệ thấy rõ liên hệ mật thiết đó, Chúa Giê-xu đã thiết lập lễ Tiệc Thánh trong dịp lễ Vượt Qua.

Trong lễ Tiệc Thánh, Chúa gọi bánh là thân thể của Chúa và rượu nho là máu của Chúa. Lúc ấy Chúa vẫn ngồi với các môn đệ nên bánh và rượu nho không thể là thân thể thật hoặc máu thật của Chúa, tương tự như lúc Chúa nói: Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời (Giăng 6:54). Trong cả hai trường hợp, câu nói trên đều chỉ có nghĩa bóng: Thân thể Chúa bị tan nát như miếng bánh, máu Chúa phải tuôn tràn như rượu nho, nhờ đó chúng ta mới được tha tội và cứu rỗi. Trong đau thương vì cái chết gần kề, Chúa cũng cho môn đệ một hy vọng, đó là ngày họ sẽ được sum họp với Chúa trên thiên đàng (c. #25). Đây cũng là điều chúng ta trông chờ mỗi khi dự Tiệc Thánh: tưởng niệm cái chết Chúa chịu vì chúng ta, đồng thời hướng về ngày huy hoàng khi Chúa trở lại, là ngày chúng ta được đoàn tụ với Ngài.

Trong giờ phút đau thương, Chúa biết có một môn đệ sẽ phản Chúa, một môn đệ khác sẽ chối Ngài, Chúa biết và nói trước nhưng không ai tin những việc đó sẽ xảy ra. Trước lời cảnh cáo đó, Giu-đa có thể ăn năn để không đi vào con đường tội lỗi; khi được Chúa nhắc nhở, Phi-e-rơ có thể cẩn thận hơn để không đi đến chỗ chối Chúa. Nhưng cả hai đều không làm điều đáng làm. Ngày nay Chúa cũng dùng lời của Ngài cảnh cáo chúng ta những điều tương tự. Chúng ta nên vâng theo lời khuyên dạy của Chúa trước khi quá muộn.

Cảm ơn Chúa đã đến trần gian chịu chết để cứu con. Xin giúp con luôn nhớ đến ơn Chúa để sống vui lòng Chúa cho đến ngày được gặp lại Chúa trên thiên quốc. Xin đừng để con dửng dưng trước những lời khuyến cáo của Ngài.

(c) 2024 svtk.net