Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 16

Xưng Tội Mình

I Giăng 1:8-9

"Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác." (c. #9)

Câu hỏi suy ngẫm: "Tội" trong câu #7, câu #8 và câu #10 có cùng một nghĩa hay khác nhau? Lừa dối mình là thế nào? Hai mỹ đức thành tính và công bình của Đức Chúa Trời liên hệ thế nào đến sự tha tội chúng ta? Bạn đã được sạch hết mọi điều gian ác chưa?

Câu #8 là giả thuyết thứ hai sứ đồ Giăng nêu lên để đả phá và ngăn ngừa tà thuyết Trí Huệ giáo dẫn dụ tín hữu chưa vững niềm tin nơi chân lý cứu rỗi. Giả thuyết ấy là: "Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết" (c. #8). Trí Huệ giáo chủ trương rằng họ có trí thức viên thông (perfect intellect, profound gnosis), linh hồn dầm thấm trong sự sáng đến độ không cần lo gì đến tánh hạnh. Hành động tốt không thể thêm gì cho sự khai minh của họ, hành động xấu cũng không thể làm giảm gì. Do đó, nhiều điều thường được xem là xấu nhưng người thuộc Trí Huệ giáo đã không tránh mà lại còn làm, xem như là một phương tiện để khuếch đại kinh nghiệm của họ. Thế không lạ gì có người nói mình không có tội!

Mấy chữ "tội" trong các câu #7,8,và câu #9 có ý nghĩa khác nhau một ít. "Tội" trong câu #7 và câu #8 nêu cách tổng quát của tội lỗi trong tất cả mọi hình thức và mọi sự hiển lộ của nó. "Tội" trong câu #9 là số nhiều (sins) có ý nói về tội lỗi cách chung và cách riêng về chính danh một hay là những tội nào đó. Nói mình không có tội là lừa dối mình, vì trước khi tin Chúa lương tâm mỗi người đều cho họ biết là họ có tội (Rô-ma 2:15), và sau khi đã tin Chúa thì có "lương tâm thánh sạch (Hê-bơ-rơ 10:22), có Kinh Thánh (Rô-ma 7:7) và Đức Thánh Linh (Giăng 16:8) cho họ biết là họ có tội. Lừa dối mình là gạt mình, là dẫn mình đi sai lạc, và chịu trách nhiệm về tội ấy. Lẽ thật là Phúc Âm toàn vẹn, nói cách khác là chính Chúa Cứu Thế Giê-xu (Giăng 14:6). Người nói mình không có tội cũng không cần Chúa Giê-xu!

Người nhận mình có tội và muốn được sạch tội và khỏi án phạt của tội thì phải xưng tội. Sự xưng tội là một phần của sự ăn năn. Ăn năn là gì? Các giáo sĩ đã dịch từ "ăn năn" ra tiếng Koho là gơjrău-săng-glăi có nghĩa là ghét bỏ tội. Có một Mục sư đã thêm hai ý nữa là bốn ý bằng những từ ngữ bắt đầu với phụ âm B, ấy là Biết, Buồn, Bỏ và Bồi (đền bồi) tội. Ăn năn là nhận biết tội mình, buồn bã đau đớn về tội ấy, xưng ra và lìa bỏ, nếu cần cũng phải đền bồi như ông Xa-chê đã làm khi xưa. Khi đến với Chúa thì chúng ta ăn năn về tất cả những tội phạm từ trước cho đến lúc ấy; sau khi tin Chúa chúng ta cũng còn vấp phạm nhiều lần nhiều cách vào những tội lỗi dễ vấn vương, và mỗi khi được Đức Thánh Linh cáo trách thì phải ăn năn ngay, như người đã tắm rồi cũng cần phải rửa mặt, rửa tay, rửa chân mỗi ngày vậy. Người đi trong sự sáng dễ nhận thấy những vết dơ bẩn trên mình, còn người đi trong tối tăm thì chẳng thấy gì cả. Khi thấy rồi chắc không ai cứ để vậy, nhưng tìm cách tẩy sạch. Chúng ta không thể tẩy sạch mọi tội của chúng ta, nhưng có thể được tẩy thanh khi xưng ra và nhờ cậy huyết Chúa Giê-xu. Khi chúng ta xưng tội thật lòng thì được tẩy thanh khỏi mọi tội vì Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài đã hứa tha thứ cho chúng ta khi chúng ta biết xưng tội thì Ngài luôn luôn giữ lời hứa ấy (Ê-sai 1:18; 43:25-26; Thi-thiên 51:6; Khải-huyền 7:14). Ngài là công bình nên chỉ tha tội cho chúng ta trên nền tảng đền tội Chúa Cứu Giê-xu.

Lạy Chúa, xin giúp con biết ăn năn cách thật lòng mỗi khi phạm tội và cậy nhờ ơn Chúa gìn giữ để khỏi phải tái phạm làm ô danh Ngài.

(c) 2024 svtk.net