Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 23

Tiếng Khóc Giữa Đêm Trường

Ca-thương 1:1-22

"Nó khóc nức nở ban đêm, nước mắt tràn đôi má" (c. #2 a)

Câu hỏi suy ngẫm: Giê-ru-sa-lem đang chịu những khốn khổ nào? Lý do nào khiến họ phải chịu khốn khổ như thế? Tác giả có phản ứng nào trước nỗi khổ đó? Bạn học được gì nơi Giê-rê-mi trong những hoàn cảnh đau khổ?

Sách Ca Thương là bài ai ca não nùng với những giòng lệ tuôn đẫm ướt những trang sách thánh. Ai có tâm sự buồn càng nên đọc Ca Thương, nơi đây họ sẽ tìm thấy một tâm hồn đồng điệu với những bế tắc khủng hoảng, những thắc mắc tra hỏi, giữa bao nhiêu đau khổ phi lý của đời sống. Bạn sẽ tìm thấy nơi đây mối hờn vong quốc của một dân tộc bị lưu đày, có tiếng khóc nghẹn ngào của cha mẹ mất con, vợ mất chồng...có tiếng thở dài não nuột của người mất hết gia tài sự sản, có tiếng thét căm phẫn của người bị chà đạp áp bức, và cũng có nỗi sửng sờ tê tái trước cảnh trầm thăng dâu biển của cuộc đời.

Đây là bài ai ca của mất mát, luyến tiếc. Người Do Thái thường dùng nó làm điếu văn trong những dịp tang chế, và cho đến ngày nay, nó vẫn thường được đọc lên khi người Do Thái đến viếng bức tường đổ nát phía tây cổ thành Giê-ru-sa-lem (được gọi là Bức Tường Than Vãn). Nơi đây ta nghe dư âm đổ vỡ của một mối tình, mối quan hệ đầm thắm giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Những ngày dân Chúa đi giữa vinh quang của những chiến thắng lẫy lừng, những ngày họ được sống trong thịnh vượng thanh bình, những ngày họ "làm lớn giữa các dân, làm nữ chủ các quận" (c. #1), những ngày Thiên Chúa bảo vệ họ "như con ngươi của mắt Ngài", bây giờ không còn nữa. Bây giờ "mọi cửa thành hoang vu; các thầy tế lễ thở than; các gái đồng trinh nó bị khốn nạn" (c. #4); Bây giờ. "váy nó dơ bẩn; nó chẳng nghĩ sự cuối cùng mình! Sự sa sút nó khác thường, chẳng ai yên ủi nó!" (c. #9). Những nỗi đau đớn đó không phải tự nhiên mà đến chính "Đức Giê-hô-va đã làm cho ta khốn khổ...Ngài đã giáng lửa từ trên cao...Ngài đã giăng lưới dưới chân ta...Ngài đã làm cho ta nên đơn chiếc." (c. #12,13). Nhưng đây không phải là bài ai ca của giận hờn, oán trách. Không có tiếng kêu "Why me?" "Tại sao lại là ta? Tại sao ta phải chịu nỗi bất hạnh này?" như cách phản ứng thường thấy trong xã hội ngày nay. Trái lại, tác giả phủ phục dưới chân Chúa, khiêm cung kêu nài: "Hỡi Đức Giê-hô-va, xin đoái xem, vì tôi đã nên khinh hèn" (c. #11). Tác giả biết rõ rằng cảnh đọa đày của dân tộc, nỗi đau nhục của riêng mình, không phải là do Đức Chúa Trời bất công, mà là "vì ta đã nghịch lại mạng lịnh Ngài". Ông biết dù điều gì xảy đến cho ông, luôn luôn "Đức Giê-hô-va là công bình" (c. #18). Có lẽ không ai trên đời này lắng nghe tiếng thổn thức của bạn giữa đêm trường, không ai để ý đến giòng nước mắt chảy dài trên đôi má bạn. Nhưng chắc chắn có một Đấng đang theo dõi bạn: Thiên Chúa, Đấng công bình.

Lạy Chúa, giữa những đau thương, cô đơn trong cuộc đời này, con tin những tiếng thở than, những dòng nước mắt của con được Ngài biết, Ngài nghe. Cảm tạ Chúa.

(c) 2024 svtk.net