Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 24

Lời Nói Và Người Nghe

Ma-thi-ơ 13:9; Ma-thi-ơ 13:18-23

"Các ngươi hãy nghe..." (c. #18)

Câu hỏi suy ngẫm: Bốn thứ đất tượng trưng cho những hạng người nào đối với Lời Chúa? Theo Bạn, trong xã hội ngày nay, hạng người nào chiếm đa số? Tại sao? Bạn thuộc hạng người nào? Làm sao mảnh đất tâm linh của Bạn trở thành mảnh đất tốt?

Ẩn dụ này nhắm vào hai hạng người. Người nghe và người giảng đạo.

Những loại đất khác nhau chỉ về những loại người nghe khác nhau. Nếu chúng ta nghĩ rằng ví dụ này là một lời cảnh cáo cho người nghe thì có nghĩa là người ta có nhiều cách tiếp nhận lời Chúa và lời ấy kết quả ra sao là tùy tấm lòng người nhận. Số phận của bất cứ lời nói nào cũng đều tùy thuộc vào người nghe.

1. Có người nghe với một tâm trí đóng kín. Có những người mà lời nói không hề có cơ hội đâm rễ trong tâm trí họ như thể hạt giống đã rơi xuống chỗ đất đã chai cứng vì bị nhiều bàn chân dẫm lên. Thành kiến khiến người ta đui mù đối với mọi điều mà họ không muốn nhìn thấy. Tâm hồn ngoan cố có thể là hậu quả của hai điều: lòng kiêu ngạo không biết rằng mình cần sự hiểu biết, và là hậu quả của lòng sợ hãi một chân lý mới, không chịu xông pha mạo hiểm trên những nẻo đường tư duy. Đôi khi lối sống và cá tính vô đạo đức đóng cửa tâm trí họ lại, vì chân lý sẽ lên án những điều họ yêu thích và tố giác đường lối và hành động của họ.

2. Có những người nghe với tâm trí như mảnh đất nông cạn. Họ suy nghĩ không cặn kẽ và không suy nghĩ cho ra lẽ. Có những người dễ chạy theo trào lưu. Họ chấp nhận thật nhanh rồi bỏ cuộc cũng lẹ. Đối với đạo cũng vậy, nghe đạo họ bị lôi cuốn bởi cảm xúc. Con người có trí tuệ nên buộc phải có một đức tin sáng suốt. Cơ Đốc giáo có những đòi hỏi mà người ta phải đối diện với những đòi hỏi này trước khi tiếp nhận. Cơ Đốc giáo không chỉ mang đến quyền lợi nhưng cũng đòi hỏi bổn phận. Một tấm lòng nhiệt thành đột ngột thường nhanh chóng trở thành một ngọn lửa tàn lụi.

3. Có những người nghe nhưng lại có quá nhiều sở thích đến nỗi những điều quan trọng nhất lại bị đẩy ra khỏi cuộc sống. Đặc điểm của đời sống hiện đại là càng ngày càng náo nhiệt và vội vã. Người ta trở nên quá bận rộn không thể cầu nguyện nổi. Đầu óc bị choán quá nhiều thứ đến nỗi quên mất việc học lời Chúa, họ có thể xông xáo trong những ủy ban, những công tác, những tổ chức từ thiện đến nỗi không còn chút thì giờ nào dành cho Đấng khởi nguồn của tình yêu và phục vụ. Công việc làm ăn có thể bám chặt lấy đến độ họ quá mệt mỏi không còn suy nghĩ đến chuyện khác. Người ta không phải cố tình bỏ qua sự cầu nguyện, thờ phượng và đọc Kinh Thánh, có thể người đó thường suy nghĩ đến điều đó, mong ước có thì giờ và định sắp xếp thì giờ dành cho việc đó, nhưng đời sống sôi động không bao giờ buông tha họ. Chúng ta phải rất cẩn thận để đừng đẩy Chúa ra khỏi địa vị ưu tiên nhất trong đời sống chúng ta.

4. Có người giống như mảnh đất tốt. Người ấy tiếp nhận lời Chúa như đất tốt, tâm trí mở ra, lúc nào anh cũng muốn học hỏi. Anh sẵn sàng nghe, không hề tự phụ hay quá bận rộn đến nỗi không thể lắng nghe. Nhiều người đáng lý đã tránh được nhiều chuyện đau lòng nếu chỉ cần ngừng lại để lắng nghe lời nói của một người bạn khôn ngoan hay tiếng phán của Chúa. Anh ta hiểu được, anh suy nghĩ chín chắn, biết giá trị điều này với anh ta và sẵn sàng tiếp nhận nó. Anh chuyển điều mình nghe trở nên hành động, anh sinh ra bông trái tốt từ hạt giống tốt. Người nghe đích thực là người biết lắng nghe, hiểu được và vâng theo.

Lạy Chúa xin mở tâm trí con, cho con biết lắng nghe và làm theo điều Ngài dạy để đời sống con có kết quả.

(c) 2024 svtk.net