Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 11

Ý Nghĩa Của Sự Làm Chứng

Ma-thi-ơ 28:16-20

"Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất." (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8)

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao chữ "làm chứng" được dùng chỉ về việc truyền bá Phúc Âm? Những chi tiết trong mệnh lệnh của Chúa trong Công-vụ các Sứ-đồ 1:8 cần được áp dụng thế nào cho chúng ta ngày hôm nay? Sự làm chứng về Chúa đòi hỏi sự trả giá nào? Bạn có sẵn sàng trả giá chưa?

Danh từ "làm chứng" hay "chứng đạo" là danh từ quen thuộc khi nói đến việc truyền bá Tin Mừng của Chúa cho người khác. Danh từ này trog tiếng Hy-Lạp có 2 ý nghĩa mà chúng ta cần suy nghĩ ở đây:

Thứ nhất, chữ maturia là một danh từ luật, có ý nghĩa là một chứng cớ cho một vụ tranh tụng. Để cho lời biện hộ có giá trị, người đó phải có chứng cớ. Martus, người chứng, phải là người chứng kiến tận mắt sự kiện xảy ra và xác nhận điều ấy trước tòa án hầu sự phán quyết đúng theo sự thật. Người làm chứng về Chúa là người đã kinh nghiệm sự cứu rỗi của Chúa, chúng nghiệm sự làm việc của Chúa Thánh Linh trong đời sống mình và muốn tỏ ra sự thật đó trước mặt mọi người hầu đem họ trở về lẽ thật. Một người không có kinh nghiệm với Chúa, không thể làm nhân chứng cho Chúa. Người đã kinh nghiệm với Chúa cần phải làm nhân chứng cho Chúa.

Thứ hai, chữ martus, người chứng, cũng có nghĩa bên tiếng Anh là "martyr". Vì có những người làm chứng về Chúa trong thuở đầu tiên đã chịu chết một cách đau đớn và nghĩa là "người chết vì đạo". Lời làm chứng có giá trị nhất là lời làm chứng phải trả bằng đau thương, bằng nước mắt. Ê-tiên ngã gục dưới những viên đá tàn nhẫn vì lời chứng của mình, gã thanh niên Sau-lơ là một trong đám đông hung tàn đó về sau đã trở thành Phao-lô, một sứ đồ nhiệt thành của Chúa. Hình ảnh nhịn nhục, những lời nói khoan dung cuối cùng của Ê-tiên chắc chắn đã gây một ấn tượng trong tâm khảm của Sau-lơ, mặc dầu Sau-lơ còn tiếp tục bắt bớ đạo Chúa cho đến khi bị Chúa bắt phục. Làm nhân chứng cho Chúa tức là sẵn sàng chịu khổ vì Chúa. Ân sủng của Chúa không phải là một món quà rẻ tiền, nhưng đã phải trả bằng chính sự sống của Ngài. Là nhân chứng của ân sủng ấy, chúng ta phải sẵn sàng để rao truyền Tin Mừng bằng giá của sự sống mình. (NS)

Xin giúp con bằng lòng trả giá, dám hy sinh cho việc chia sẻ Phúc Âm của Chúa cho người khác.

(c) 2024 svtk.net