Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 3

Sức Mạnh của Sự Hiện Diện

Ma-thi-ơ 18:19-20

"Quả thật, ta lại nói cùng các ngươi, nếu hay người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ" (c. #19)

Câu hỏi suy ngẫm: Ở đây điều kiện để lời cầu xin được nhậm là gì? Đây có phải là điều cần và đủ không? Tại sao? Lời Chúa dạy hôm nay cần được áp dụng trong gia đình và Hội Thánh như thế nào?

Đây là một trong những câu nói của Chúa Giê-xu chúng ta cần nắm vững ý ghĩa, để hiểu rõ, nếu không sẽ gặp nhiêu đau lòng và thất vọng lớn lao, Chúa Giê-xu nói, nếu hai người ở dưới đất đồng ý về bất cứ việc gì khi họ cầu nguyện, họ sẽ nhận được điều đó từ Đức Chúa Trời. Nếu hiểu câu này theo nghĩa đen, không có điều nào khác nữa thì nó không đúng. Biết bao lần có trên hai người đã đồng ý cầu nguyện cho đời sống thuộc thể và thuộc linh của một người thân yêu, nhưng lời câù nguyện của họ đã không được nhậm. Biết bao lần con cái của Đức Chúa Trời đã đồng ý cầu nguyện cho xứ sở dân tộc họ trở lại tin nhận Chúa, cho Nước Trời được đến nhưng lời cầu nguyện của họ hoàn toàn chưa được nhậm. Chúng ta không thể không nhìn nhận thực trạng đó và nếu dạy dỗ người ta trông đợi những điều không xảy ra thì có hại. Tuy nhiên tìm hiểu câu nói này của Chúa Giê-xu, chúng ta thấy có ý nghĩa sâu nhiệm trong đó.

Trước nhất và trên hết, sự cầu nguyện phải không bao giờ có tính cách vị kỷ. Lời cầu nguyện vị kỷ không thể được nhậm. Chúa muốn chúng ta cầu nguyện như những thành phần của một nhóm thông công trong sự đồng lòng hiệp ý. Hãy nhớ đời sống và thế giới không sắp xếp cho chúng ta sống như những cá nhân nhưng trong tập thể và cộng đồng.

Lời cầu nguyện vị tha luôn luônđược nhậm. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ luật căn bản của sự cầu nguyện là khi cầu nguyện xin được nhậm không có nghĩa là ta sẽ được điêù mình ước muốn, nhưng Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta điều tốt nhất mà Ngài biết theo sự khôn ngoan và yêu thương của Ngài. Với tấm lòng của con người, với nỗi sợ hãi, hi vọng và ước muốn của con người nên hầu hết những lời cầu xin của chúng ta là những lời cầu nguyện có tính cách trốn tránh. Chúng ta cầu nguyện để được cứu khỏi thử thách, thất vọng, đau đớn, hoàn cảnh khó khăn. Và luôn luôn sự trả lời của Đức Chúa Trời không phải là giúp chúng ta trốn tránh nhưng cho chúng ta chiến thắng. Đức Chúa Trời không cho chúng ta trốn tránh khỏi một tình trạng con người. Ngài khiến chúng ta có thể chấp nhận những gì mà chúng ta không thể hiểu. Ngài khiến chúng ta chịu đựng những điều mà nếu không có Ngài chúng ta sẽ không chịu đựng được. Ngài khiến chúng ta có thể đương đầu với những điều mà nếu không có Ngài, chúng ta không thể đương đầu được. Ngài ban cho chúng ta sự khôn ngoan để đối phó với những vấn đề mà nếu không có Ngài chúng ta không thể có được.

Chúa Giê-xu nói nơi nào có hai hay ba người họp lại trong Danh Ngài, thì Ngài ở giữa họ. Chúng ta có thể đặt lời hứa trọng đại này của Chúa Giê-xu vào trong hai lãnh vực:

a. Trong lãnh vực của Hội Thánh. Chúa Giê-xu hiện diện trong buổi cầu nguyện, buổi học Kinh Thánh vài ba người, Ngài cũng hiện diện trong giảng đường đông đúc. Chúa Giê-xu không phụ thuộc vào con số, Ngài có mặt bất cứ nơi nào có những tấm lòng trung tín họp lại dù ít ỏi, và Ngài ban chính mình Ngài cho mỗi cá nhân.

b. Trong lãnh vực gia đình. Một trong những cách giải thích xưa nhất là hai hay ba người gồm có cha mẹ và con cái, nghĩa là Chúa Giêxu là vị khách vô hình trong mọi gia đình.

Có những người không bao giờ ban cho những điều tốt nhất của mình ngoại trừ những dịp trọng thể. Với Chúa Giê-xu bất cứ nơi nào có hai hay ba người họp nhau trong Danh Ngài thì đó là một dịp trọng thể (B B).

Lạy Chúa, xin cất khỏi con tính ích kỷ, ban cho con tấm lòng vị tha và dạy con cầu nguyện theo ý Ngài.

(c) 2024 svtk.net